Phụ nữ nhà nghèo thì phải vật lộn lo cho cuộc sống, phụ nữ gia đình giàu có thì cũng không được tự quyết tương lai.
Ando Hana – người sau này trở thành dịch giả nổi tiếng Nhật Bản Hanako sau Đệ Nhị Thế Chiến thuở nhỏ không được đến trường mà phải ở nhà làm nông.
Thân phận phụ nữ Nhật Bản khi đó thể hiện cụ thể qua thân phận hai cô gái trong bộ phim “Ngã Rẽ Cuộc Đời”: Ando Hanako và Hayama Renko. Cả hai sinh ra và lớn lên ở hai thế giới khác biệt (bá tước – Renko, nông dân – Hanako) thế nhưng cùng chung cảnh ngộ phải chiến đấu để theo đuổi ước mơ.
Điểm tương đồng ấy đã khiến cả hai trở thành bạn tâm giao bất chấp nhiều khác biệt, cùng nhau, họ đã trải qua thời gian hạnh phúc tại mái trường trung học, cùng nổ lực đạt được ước mơ. Hanako Ando muốn được đi học để thay đổi số phận của một gia đình nghèo (nông dân). Hayama Renko ước mơ tìm được một tình yêu thực sự để được sống hết bản thân với chàng.
Tuy nhiên, cuối cùng Hayama Renko cũng không thành công khi buộc phải chấp nhận cuộc hôn nhân từ gia đình với “ông trùm than đá” (lớn hơn cô 25 tuổi). Chỉ còn Hanako đơn độc chiến đấu cho ước mơ trở thành một dịch giả xuất sắc. Đó cũng là thực tế xã hội khi đó, có những lằn ranh và không phải người phụ nữ nào cũng đủ điều kiện (chủ quan lẫn khách quan) vượt qua được.
Hai con người, hai hoàn cảnh, hai giai cấp nhưng cùng chung một ước mơ của nhiều phụ nữ Nhật Bản đầu thế kỷ 20, nhất là giới trẻ bắt đầu tiếp cận giáo dục phương Tây – “Từ giờ trở đi, đã đến thời đại phụ nữ có thể tự bước đi trên đôi chân, không cần dựa dẫm vào đàn ông.”
Ánh Tuyết