Bà nội gần 80 gồng gánh nuôi cháu và chắt
Bà gần 80 tuổi, mái tóc trắng, khuôn mặt khắc khổ, là nhân vật đặc biệt đến dự Ngày Văn hóa hòa bình TPHCM 2019 diễn ra vào ngày 8/12. Bà mang đến câu chuyện về hậu quả kinh khủng của nạn xâm hại trẻ em mà bao nhiêu năm qua, bà là người cùng gồng gánh những nỗi đau.
Cháu gái bà, sau thời gian dài bố mẹ chia tay thì chuyển đến sống với mẹ và bố dượng tại một căn phòng trọ ở TPHCM. Mẹ thì đi làm triền miên, thả cô con gái riêng lúc đó tuy mới 12 tuổi nhưng cao lớn, phổng phao và rất xinh gái cho chồng chăm sóc. Người mẹ không hề để ý những thay đổi bất thường của con gái.
Cho đến ngày cháu về thăm bà nội, nhà nội tá hỏa phát hiện ra và đưa đi khám thì cái thai trong bụng cháu gái đã lớn tướng. Lúc này, mọi người mới hay cháu bị cha dượng xâm hại một thời gian dài. Nhà nội tố cáo sự việc, ông bố dượng bị pháp luật trừng trị.
Thế nhưng nỗi đau lúc này mới bắt đầu. Sau sự việc, người mẹ bỏ đi, bà nội nhận chăm cháu. Bài đưa cháu đi lạm lánh ở một nơi xa để sinh con, tránh sự dòm ngó, điều tiếng của người xung quanh. Một thời gian sau, ba người gồm bà, cháu, chắt ôm nhau trở về…
Bao nhiêu năm qua, người bà gần 80 tuổi nhận đồ thủ công về làm, đi làm thuê, làm mướn để lo cho cháu ăn học và lo sữa cho chắt.
Nhưng sự thiếu thốn về vật chất, không đáng sợ bằng việc phải đối diện với quá khứ về hậu quả của xâm hại tình dục trẻ em. Tuổi gần đất xa trời, nhiều đêm, khi đi ngủ bà vẫn giật mình không tin, câu chuyện đó xảy đến với gia đình. Nhìn hai đứa nhỏ trong nhà, bà thường phải quay đi, để mình không rớt nước mắt trước chúng.
“Đau đớn vô cùng! Rồi thì cũng phải sống qua ngày, mọi chuyện tưởng rằng cũng ổn nhưng nỗi đau về tinh thần thì đã không thể nào nguôi ngoai…”, bà kể, không kìm được nước mắt.
Hôm nay, bà nhận lời đến đây, nhắc lại chuyện đã qua không phải để khuấy nỗi đau trong mình mà tha thiết kêu gọi tất cả mọi người, nhất là các ông bố bà mẹ hãy thật sự quan tâm đến con cái mình, hãy bảo vệ chúng.
Ngày Văn hóa Hòa bình TPHCM 2019 với chủ đề: “Vì một xã hội nhân văn và bình an: Hãy cùng nhau chống bạo lực và xâm hại”. Các sự kiện của chương trình năm nay xoay quanh các hoạt động liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường; bạo lực và xâm hại với phụ nữ; trẻ em và bạo lực; xâm hại trên môi trường online của giới trẻ….
Ngoài đời con gọi mẹ là chị…
Là người theo sự việc của cháu bé bị xâm hại ngay từ những ngày đầu, luật sư Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng Cơ quan thường trực phía Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, ông bố dượng bị xử phạt 10 năm tù.
Nhiều năm qua, nhờ các mạnh thường quân, Hội trợ cấp mỗi tháng cho mẹ con cháu 3 triệu đồng/tháng. Niềm an ủi lớn nhất là cháu gái rất có nghị lực, cháu đi học trở lại, dù nghịch cảnh như vậy nhưng cháu luôn đạt học sinh giỏi. Mới đây, khi con trai vào lớp 1, cũng là lúc… mẹ đỗ vào ngành Quản trị Kinh doanh tại một trường ĐH có tiếng ở TPHCM.
So với nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị hiếp dâm, bà Hà phải nói rằng, trường hợp của cháu còn may mắn là có bà nội nâng đỡ, đồng hành. Có nhiều trường hợp không có gia đình, hay bị gia đình ruồng rẫy, sinh rồi phải bỏ con, cuộc đời của người mẹ đau thương vô cùng…
Thế nhưng, bà Hà chia sẻ, những gì chúng ta làm được chỉ giải quyết phần nào hậu quả của việc trẻ nhỏ xâm hại, còn nỗi đau về tinh thần trong các nạn nhân thì thật khó để gác bỏ.
Qua thời gian, điều tiếng dư luận rồi cũng nguôi ngoai, mọi người cũng lãng quên. Trong khai sinh, cháu bé là con của mẹ, hai mẹ con cách nhau chỉ 12 tuổi. Nhưng cháu không biết điều đó, cháu gọi mẹ mình là… chị.
Rồi đây, khi bước vào tuổi trưởng thành, tất cả phải đối diện với điều đó. Một chàng trai phải bước vào đời với đối diện về thân thế chị gái là mẹ của mình, ông ngoại dượng sắp ra tù là bố của mình…
Cô nữ sinh với tương lai trước mắt sẽ khó tránh được việc ngày càng hiện diện rõ hơn tuổi thơ mình bị bố dượng xâm hại và làm mẹ từ lúc 12 tuổi….
Có những quá khứ không thể phai nhòa mà có khi, vào một thời điểm nào đó càng trở về hiện diện và ám ảnh tâm can.
Người bà nhiều năm nuôi con nuôi chắt, hay những người đồng hành cùng hai mẹ con họ thời gian qua và cả lương tri con người, chỉ biết cầu mong, họ – những nạn nhân của nạn xâm hại tình dục – sẽ có nội lực để vượt qua những nỗi đau về tinh thần, nỗi đau của quá khứ để chuyến hóa chính mình.
Luật sư Trần Thị Thu Hà cho hay, hậu quả của việc xâm hại tình dục vượt quá mọi hình dung của chúng ta. Bởi thế, bằng mọi cách, từ xã hội, nhà trường và nhất là ngay trong gia đình phải nâng cao việc phòng ngừa để bảo vệ trẻ nhỏ. Vì khi phải bắt tay vào giải quyết hậu quả, nghĩa là đã quá muộn, nghĩa là những đau thương đã hiện diện…
Như câu hỏi đau đáu của người bà gần 80 tuổi: “Tôi rồi sẽ chết đi, nhưng cháu tôi, chắt tôi khi lớn lên chúng sẽ vượt qua quá khứ bằng cách nào?”
Xâm hại tình dục để lại hậu quả lâu dài
TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM cho biết, trẻ bị xâm hại tình dục phải chịu đựng nhiều tổn thương lâu dài. Ngoài tổn thương về thể chất, tinh thần, về mặt xã hội, hành vi, các em bị tổn thương về tâm lý như các em có thể gặp rối loạn tâm thần như trầm cảm hay rối loạn lo âu, ấm ảnh, gặp ác mộng…
Hoài Nam