“Ai mua càrem…”
Với ai đó lời rao ấy có thể chìm lẫn giữa muôn nghìn âm thanh của phố phường hay tan loãng giữa cái ắng lặng của một con đường quê chói nắng, còn với Nguyễn Thanh Mỹ – thì không. Tiếng rao ấy, với anh, gắn với ký ức một tuổi thơ cay cực.
Mỹ là anh cả trong gia đình có 5 anh em, cha anh là một thầy giáo sau có tham gia chính quyền ngụy. Năm Mỹ 9 tuổi, cũng là năm cha anh bỏ bặt vợ và bầy con nhỏ, lấy vợ mới rồi đi biệt xứ.
Tết Mậu Thân 1968, căn nhà nhỏ ở quê bị đại bác bắn sập, 6 mẹ con Mỹ thành “vô gia cư”. Mỹ, khi ấy 13 tuổi, chiều đi học, sáng đi bán kem, bánh mì dạo. Một bữa gặp mưa to, Mỹ ôm thùng kem đứng trú mưa nhờ dưới một căn nhà, chợt nghe trong nhà có tiếng nói “xem cửa giả cẩn thận, kẻo thằng càrem lẻn vô trộm hết đồ đó”. Vết dây thùng kem lằn trên vai Mỹ giờ không còn, nhưng những kỷ niệm của một thời làm “thằng càrem” vẫn hằn trong ký ức.
Đến khi Mỹ đỗ đại học, nhiều người không tin, bảo: “Thằng đó nghèo vậy, sao thi đậu được!” Định kiến về cái nghèo đã đè nặng lên trái tim cậu bé Mỹ suốt thời thơ ấu…
Đến với hoá học để… lấy vợ
Suốt tuổi ấu thơ nhiều nhọc nhằn, có bao giờ anh mơ ước mình sẽ trở thành một nhà hoá học?
Học trung học thì vừa đi học, vừa bán càrem, bánh mì. Học đại học thì kiêm chân đá banh mướn. Hồi đó, tôi chỉ học đủ để thi không rớt. Phải đến khi làm thạc sĩ, tôi mới bắt đầu thực sự hiểu về hoá học và đem lòng yêu nó.
Vậy anh sang Canada theo diện gì?
Diện… “thể thao”, môn “bơi lội” (cười). Hồi đó vượt biên, thật cũng không nghĩ ngợi xa xôi gì. Hoàn cảnh tôi lúc đó, khi nào cũng chỉ nghĩ làm sao kiếm đủ miếng ăn cho mình, cho mẹ và mấy đứa em nhỏ. Sang đây, đầu tiên tôi làm nghề rửa chén ở nhà hàng, rồi được “lên chức” làm bếp, phụ bồi, rồi bồi… 12 năm có lẻ. Nếu không gặp Nhàn (chị Bùi Thị Nhàn, vợ của anh Mỹ), thì có lẽ đến giờ tôi vẫn… làm nhà hàng!
Gia đình Nhàn nền nếp lắm, đương nhiên không chấp nhận một chàng rể bồi bàn. May có bà ngoại Nhàn là thương tôi. Tôi hứa: “Nếu được cưới Nhàn thì nhất quyết con không để vợ phải chịu khổ. Gia đình muốn con đi làm kỹ sư thì con sẽ đi học để làm kỹ sư”.
Căn nhà thuê đầu tiên của vợ chồng Mỹ rộng hơn 10m2, vừa là buồng ngủ, vừa là bếp, kiêm cả buồng tắm, toalét. Làm nhà hàng tuần 7 ngày, từ 2 giờ chiều đến 2 giờ sáng. Tự học đến 4h30. Học ở trường từ 8h45 sáng tới 1 giờ trưa. Khi đó, mơ ước thường trực nhất của Mỹ là một ngày được ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ.
Học trong hoàn cảnh ấy, nhưng Mỹ đã giành được một lúc 2 học bổng (NSERC và FCAR), bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về “chất xúc tác dị thể” và tiến sĩ về “hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang”, rồi được nhận làm trong những công ty điện toán và in ấn hàng đầu của thế giới như IBM, Sun Chemical và Kodak Polychrome Graphics.
“10 triệu đô và 0 đô”
Tại sao anh lại quyết định từ bỏ chỗ làm ở Kodak với mức lương mơ ước để ra mở Công ty ADS?
Tôi đã chán phận làm thuê, muốn tự mình làm ông chủ của mình. Khi đó ra mở hãng riêng, vốn liếng hầu như chưa có gì, trong tay chỉ có mấy bằng sáng chế. Thật may là Nhàn rất hiểu và ủng hộ tôi.
Công ty American Dye Source, Inc. (ADS) chuyên nghiên cứu, sản xuất những vật liệu hữu cơ dùng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ, tạo hình ba chiều, màng biến đổi năng lượng mặt trời hữu cơ, chống hàng giả… Trên thế giới rất ít công ty chuyên về lĩnh vực này, và chỉ có ADS là chuyên về thị trường nghiên cứu. Hàng hoá không cần sản xuất nhiều, giá thành không cao, nhưng giá bán thì hàng nghìn USD/gram. Một nguồn thu rất lớn nữa của chúng tôi là tiền bản quyền từ những phát minh.
Bản kẽm CTP là một trong những phát minh quan trọng của ngành in thế giới mà Nguyễn Thanh Mỹ là một trong những người có công sáng chế. Ở Mỹ có khoảng 72.000 nhà in thì khoảng 30% số này đang sử dụng bản kẽm CTP.
Bản kẽm CTP cũng đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất nhiều hơn so với bản kẽm thường. Thông thường, tiền bản quyền cho một bản kẽm CTP là khoảng 10 triệu USD cho 20 năm. Nhưng mới đây, Nguyễn Thanh Mỹ đã chuyển giao công nghệ và giúp nhà máy sản xuất bản kẽm Tây Đô, sản xuất bản kẽm dương tính và bản kẽm CTP cho thị trường trong nước với giá bản quyền là… 0 USD.
Nguyễn Thanh Mỹ là một trong những nhà đầu tư Việt kiều Canada rất nhiệt tình với quê hương. Mơ ước của anh là tạo cho người lao động một điều kiện làm việc ở VN nhưng với chất lượng, mức lương như ở Canada (35.000 CAD/năm). “Tôi hy vọng một ngày nào đó, các cộng sự của tôi có thể nói về nơi làm việc của mình với niềm tự hào như khi nói: “Tôi làm cho IBM” vậy”.
Tham dự nhiều hội thảo khoa học, Nguyễn Thanh Mỹ nhận thấy một trong những khó khăn của các đồng nghiệp VN là thiếu cập nhật thông tin. Anh đã thành lập website: www.tinhoahoc.com, tìm kiếm và mua các thông tin mới nhất về lĩnh vực hoá học và vật liệu, cung cấp miễn phí cho các nhà khoa học VN.
Những dự án đầu tư về VN của anh có thành công không?
Tôi đầu tư về VN không phải để kiếm tiền. Giàu có thì biết thế nào cho đủ. Vậy mục đích hệ trọng nhất của đời người là gì? Tôi tạm phân cấp “chất lượng đời sống” thành 4 bậc: sống ổn, sống đầy đủ, sống hạnh phúc và sống có ý nghĩa. Tôi và gia đình tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời là nỗ lực giúp những người xung quanh mình, đặc biệt là đồng bào mình, để họ cũng có cuộc sống đầy đủ hơn, có việc làm tốt hơn.
Nhưng khi chưa có sự nghiệp, anh “chỉ mong sao kiếm đủ ăn”. Anh có nghĩ là để có ích cho đất nước, trước hết người ta cần phải có sự nghiệp của chính mình đã?
Tôi không nghĩ vậy. Khi còn làm nhà hàng, tôi đã mơ ước một ngày nào đó có thể giúp đỡ những người Việt khác để họ không khổ như mình. Sau khi trở lại VN, Nhàn đã nhắc lại tôi mơ ước thuở hàn vi ấy và chúng tôi quyết định về VN đầu tư, cho dù khi ấy đó là một việc làm ăn khá “mạo hiểm”.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: sinh ngày 2/9/1956 tại làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Chủ tịch Hãng American Dye Source, Inc., Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan. Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN.
Nhà khoa học: Tiến sĩ Trung tâm Nghiên cứu khoa học năng lượng và vật liệu INRS-Energie et Materiaux, Varennes, Quebec (Canada). Đã có 50 bằng phát minh đẳng cấp quốc tế. Các giải thưởng khoa học: IBM-Invention Achievement Award (1994), Sun Chemical – Inventor Award (1995, 1996, 1997), Dianippon Ink and Chemicals – Silver Award for CTP Technology (1997)…
Nhà đầu tư: Tập đoàn Mỹ Lan (gồm 1 Công ty hoá chất, 1 Công ty in ấn và 1 Công tydược phẩm).
Nhà tài trợ: 10 phần thưởng/năm cho học sinh giỏi khoa Hóa học, trường Đại học Cần Thơ, mỗi phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng và 1 học bổng nghiên cứu sinh thạc sĩ/tiến sĩ ngành hoá tại Canada 27.000 CAD/năm… |
Theo Phương DuLao Động