Cẩn trọng “bẫy” việc làm dịp cận Tết

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 08/01/2016
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021
Vũ Thu Hiền nói: “Em “toét” cả mắt cũng không bao giờ đạt 2-3 triệu đồng/tháng với trò nhập mã này”. Ảnh: H.Phương

Biến tướng “chiêu” lừa thu phí

Anh Hồ Sĩ Thiên (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, đầu tháng 12/2015 anh nộp hồ sơ làm bảo vệ đóng kèm 300.000 đồng cho một công ty môi giới việc làm ở đường Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau khi xuất ngũ, anh Thiên từng học qua một khóa đào tạo vệ sĩ của Công ty JUKY nên rất tự tin với bộ hồ sơ của mình khi đi xin việc đúng chuyên môn.

Anh Thiên cho biết: “Khi xem qua hồ sơ, người làm việc với tôi tại trung tâm giới thiệu việc làm nói tôi thừa tiêu chuẩn đi làm. Anh ta hứa sẽ bố trí công việc cho tôi trước Tết Dương lịch và tôi phải đóng 300.000 đồng tiền mua đồng phục. Lúc đó, tôi nghĩ bỏ 300.000 đồng để có việc làm với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng nên đóng ngay mà không biết mình dính bẫy lừa đảo”.

Chờ mãi vẫn không thấy hồi âm, anh Thiên gọi điện đến trung tâm này thì được trả lời đã tìm được đủ người và sẽ gọi anh trong thời gian gần nhất. Nhưng đã hơn tuần nay, phía trung tâm vẫn chưa liên lạc và khi anh Thiên đến tận nơi thì trung tâm này đã tháo biển hiệu và… biến mất.

Trước đây, chiêu lừa đảo việc làm thường núp dưới hình thức trung tâm môi giới việc làm “rởm” thì hiện nay các đối tượng lừa đảo thành lập công ty, đăng tin tuyển dụng trên mạng Internet với những công việc hấp dẫn, lương cao và không đòi hỏi nhiều về trình độ.

Chị Phan Thị Hoa (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Cách đây một tháng, tôi và em gái có lên mạng Internet tìm việc làm. Chúng tôi có thử đến 2 chỗ hỏi xin việc. Đến địa chỉ thứ nhất, chúng tôi được đề nghị nộp phí hợp đồng là 250.000 đồng/người. Lúc đó, tôi thấy văn phòng bé tẹo chỉ có 2 chiếc máy tính và 2 phụ nữ ngồi làm việc nên không tin lắm và ra về. Chỗ thứ hai tôi đến, công việc được giới thiệu là cắt dán phong bì tại nhà, mỗi phong bì được 1.500 đồng, rất dễ làm và hai chị em có thể nhận chung về làm cho đỡ phí mua đồ. Thấy họ nói như vậy nên tôi càng tin là thật hơn. Tôi vô tư đóng 350.000 đồng tiền phí hợp đồng. Đóng xong tiền thì các nhân viên ở đó bảo tôi đến Nguyễn Trãi nhận đồ về làm. Đến nơi, tôi lại được yêu cầu đóng thêm 120.000 đồng tiền giấy, kéo… và họ bảo tôi mang về làm thử mẫu, hôm sau đưa đến cho họ xem. Khi tôi mang mẫu đến thì họ nói không đạt, rồi cho làm lại lần nữa, nếu không được thì thôi. Tôi thấy lằng nhằng quá, không muốn làm nữa và trả đồ nghề, đòi lại tiền thì họ từ chối”.

Giăng bẫy với mọi đối tượng

Hiện trên nhiều diễn đàn, các bạn trẻ cảnh báo nhau trò lừa dạy thêm tiếng nước ngoài. Một số trung tâm tiếng Nhật, Anh, Hàn… có chương trình dạy miễn phí 100% nhưng yêu cầu học viên đóng khoảng 100.000 đồng/tháng tiền giáo trình và thuê cơ sở vật chất, mỗi lần thu thường từ 2 – 3 tháng (tức là khoảng 200.000 – 300.000 đồng khi đi đăng ký học). Tuy nhiên, đã nhiều người đăng ký nhưng rồi không thấy trung tâm gọi đi học…

Vừa qua, Vũ Thu Hiền – cựu sinh viên ĐH Giao thông vận tải đang thất nghiệp mừng rơn khi tìm trên mạng Internet được một công việc rất phù hợp với mình, mà lại có thể ngồi ở nhà làm trên máy tính. Hiền bảo, bên tuyển dụng quảng cáo: “Công việc đơn giản tại nhà lương khủng, lương 4 – 5 triệu/tháng chỉ với một chiếc laptop”. Hiền đến trụ sở công ty ở Cầu Giấy phỏng vấn và được nhận làm công việc nhập mã, mỗi mã dài thường từ 5-10 ký tự, trong đó 95% ký tự là dễ nhìn, 5% còn lại mang tính “thử thách”. Cứ 1.000 mã công ty trả 15.000 đồng. Hiền đóng 200.000 đồng tiền phần mềm và in thẻ làm việc. Nhưng rồi khi về nhà nhập mã, Hiền mới biết không “ngon ăn”, bởi việc gõ mã rất khó vì vừa phải nhanh và phải thật chính xác. Thời gian cho mỗi chuỗi ký tự này chỉ 15 giây, dù có tinh mắt đến mấy cũng không thể hoàn thành chính xác được. Nếu gõ sai nhiều, tài khoản bị khóa và phải đóng tiền để xin lại.

Hiền kể thêm chuyện của bạn mình: “Bạn em vừa bị một công ty ở đường Giải Phóng lừa. Bạn em xin việc làm phổ thông mà họ bắt đóng tiền làm thủ tục để gửi lên Tổng cục Du lịch. Sau khi đóng tiền, ký hợp đồng thử việc 1 tháng nhưng không đi làm ngay mà họ cho một bản điều luật về học một tuần sau lên phỏng vấn lại. Bạn em bảo trả lời được hết, nhưng mấy hôm sau họ trả lời không đạt. Tiền đóng và hồ sơ cũng không được rút lại”.

Vũ Thu Hiền cho hay, sau một thời gian nộp hồ sơ xin việc ở một số công ty, trung tâm môi giới việc làm… cô đã rút ra nhiều kinh nghiệm: Những trường hợp bắt nộp khoản phí nào đó, rồi đưa tài liệu cho mình và bắt học để kiểm tra, hoặc làm như đánh đố… là cô không bao giờ thử nữa!

Theo Báo Gia đình & Xã hội

Exit mobile version