Thân Nguyên Hậu, “anh Hai” miền Tây cán đích đầu tiên
Tối 29/11/2004 là một dấu mốc đáng nhớ trong đời cậu học sinh đất Cần Thơ khi Thân Nguyên Hậu xuất sắc vượt qua 3 học sinh đại diện cho các tỉnh Thanh Hóa, Gia Lai, TPHCM để đạt giải nhất cuộc thi quý với 190 điểm.
“Khởi động” tốt, Nguyên Hậu giành 70 điểm, thêm 60 điểm “vượt chướng ngại vật” rồi “tăng tốc” và “về đích” với “ngôi sao hy vọng” và vòng nguyệt quế để bước tiếp vòng thi chung kết.
Là người đầu tiên lọt vào vòng thi năm, anh chàng này có lợi thế thời gian để nghiên cứu “đối thủ” và đọc thêm nhiều tài liệu. Dáng người tròn trĩnh, trắng trẻo, nói nhiều và tự nhận mình hơi… “nổ”. Thế nhưng đứng trên trường quay S9, anh chàng lại im thin thít chỉ “nổ” khi đã chắc chắn có câu trả lời đúng.
Thân Nguyên Hậu nhận giấy khen của Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ. |
Thông minh, bản lĩnh, đam mê Toán. Suốt thời phổ thông, Hậu luôn là học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 10 và 11, cậu giành huy chương đồng môn Toán trong kỳ thi Olympic của 41 tỉnh, thành từ Huế trở vào; giải 3 cuộc thi Máy tính bỏ túi. Năm lớp 12 lại kịp thời bổ sung thêm giải khuyến khích Toán quốc gia… Hậu mới tốt nghiệp trường chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ; hiện là sinh viên năm 1 của trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TPHCM
Hậu không ngần ngại cho biết tham vọng du học để mở mang kiến thức. Thế nhưng, với cậu, cuộc chinh phục đỉnh Olympia lần này không hề có áp lực hay gánh nặng gì cả: “Thắng hay thua cũng chỉ là những thử thách mà thôi”. Có lẽ bản tính hồn hậu, phóng khoáng của “dân” miền Tây đã giúp Hậu “lấy lòng” được rất đông cổ động viên của Hà Nội. Hiện tại, theo thăm dò cho chức vô địch trên website www.olympia.net.vn, Thân Nguyên Hậu đang là người dẫn đầu với 1569 số phiếu bầu chọn (tính đến 9h30 sáng 29/9).
Dương Phú Thái – Ẩn số của vòng chung kết
lê Ngoài trường quay S9, Ban tổ chức cũng sẽ bố trí bốn điểm cầu truyền hình trực tiếp tại bốn trường có học sinh thi chung kết.
Dẫn chương trình chính cho trận chung kết lần này vẫn là 2 MC: Quốc Hiệp – Kiều Anh. |
Điềm đạm, ít nói và có phần bẽn lẽn, cậu học sinh lớp 12 trường THPT Xuân Hòa, Vĩnh Phúc chiếm được cảm tình của mọi người nhờ thái độ bình tĩnh đến lạ lùng. Từ tốn giới thiệu, bình tĩnh trả lời, trầm tĩnh nhấn chuông… Dương Phú Thái cứ thế mà thủng thẳng về đích.
Cùng “cán đích” với điểm số 190 là Thái và Nguyễn Tuấn Anh (Trường chuyên Hạ Long, Quảng Ninh), ban tổ chức trận thi quý thứ 2 của năm 2005 phải dùng đến câu hỏi phụ. Vẫn sự bình tĩnh vốn có, Thái nhấn chuông và giành quyền vào bước chân vào cuộc thi chung kết năm.
So với 3 “đối thủ” lọt vào vòng chung kết, Dương Phú Thái là một ô chữ nhiều bí ẩn. Ngay cả ảnh của cậu, trên website của chương trình cũng không có, trong khi các thành viên khác lại “hơi bị nhiều”. Thế nhưng người xưa chẳng đã có câu: “tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi”, biết đâu đấy anh chàng này sẽ là người làm nên chuyện. Hãy chờ xem!
Nguyễn Hồng Đức: Chàng trai Hà Nội 260 điểm
Nguyễn Hồng Đức rất thích “kết bạn” với những chú cá cảnh và cây si đá. |
Trải qua ba vòng thi Tuần – Tháng – Quý với số điểm vô cùng ấn tượng: 260 – 260 – 260, Nguyễn Hồng Đức trở thành một trong bốn gương mặt sáng giá nhất tham dự cuộc thi Olympia chung kết năm. Khi đó, Đức là “cư dân” lớp 12A6, THPT Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Hiện vừa “lên chức” sinh viên năm 1 ĐH Bách khoa Hà Nội.
Có lẽ trong 4 cuộc thi quý, thì trận chung kết quý 3 diễn ra hôm 11/6 là cuộc chơi thú vị, hấp dẫn và gay cấn nhất. Cả 4 “vận động viên” đều là những gương mặt xuất sắc tại các cuộc thi tuần và thi tháng. Chính vì vậy, sau những câu hỏi đầu tiên, cả 4 người chơi đều thể hiện kiến thức vững vàng với số điểm đạt được khá cao và đều nhau.
Khoảng cách chỉ bắt đầu xuất hiện khi kết thúc vòng thi “Tăng tốc” khi cả Hồng Đức và Quỳnh Phương đều được 180 điểm, trong khi hai thành viên còn lại chỉ có 110 điểm. Sức hấp dẫn của sân chơi trí tuệ này được đẩy lên đỉnh điểm khi bước vào vòng thi “Về đích”. Trước loạt câu hỏi cuối cùng, cả Quỳnh Phương và Hồng Đức đều có 200 điểm. Với câu hỏi 20 điểm và “Ngôi sao hy vọng”, Phương giành thêm 40 điểm và bứt lên dẫn đầu.
Đứng ở vị trí trả lời cuối cùng, Hồng Đức chỉ còn 1 cơ hội và cậu đã dũng cảm chọn câu 30 điểm cùng “Ngôi sao hy vọng”. Cả trường quay như vỡ òa khi Đức trả lời chính xác câu hỏi cuối cùng, xuất sắc vươn lên vị trí số một cùng vòng nguyệt quế!
Nói về mình, Đức thú nhận mình từng học… hơi bị dở, chỉ giỏi chơi điện tử! Để rồi đến lớp 12, sau khi “rinh” về giải 3 Học sinh giỏi Vật lý TP Hà Nội, “vượt” thêm vài vòng sơ tuyển của lớp, trường nữa, Đức mới chính thức được nhà trường “chọn mặt gửi vàng” tham dự cuộc thi.
Lê Vũ Hoàng và 3 vòng nguyệt quế tặng mẹ
|
Trong những ngày giao lưu vui vẻ và hào hứng của các “vận động viên” leo núi Olympia năm thứ 6, nhiều bạn băn khoăn không hiểu sao lại vắng người bạn nhỏ có đôi mắt buồn đến từ lớp 12N trường THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình. Họ đoán rằng, có lẽ vì mẹ bệnh nặng, nhà nghèo lại neo người, nên Lê Vũ Hoàng đành “bỏ cuộc chơi”, ở nhà giúp bà ngoại và bố lo nốt việc đồng áng để đến ngày chung kết may ra cậu có thể thảnh thơi “xung trận”.
Là người đầu tiên lập kỷ lục ghi 110 điểm ở phần thi “Khởi động”, Lê Vũ Hoàng đã có những cuộc bứt phá thật ngoạn mục khi dễ dàng vượt xa các bạn để trở thành người cuối cùng giành chiếc vé vào vòng chung kết năm. Bước vào cuộc thi tháng với nỗi bàng hoàng khi nghe tin mẹ phải nhập viện để phẫu thuật, Hoàng đã nỗ lực hết mình để lấy vòng nguyệt quế tặng mẹ. Và có lẽ em chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu mình chiến thắng, mẹ sẽ vui, còn em sẽ có thêm một chút tiền lo thuốc thang cho mẹ. Kết thúc cuộc thi quý, cậu lại khóc nức nở vì thương mẹ…
Với các thí sinh khác, suất học bổng du học 35.000 USD là cơ hội để giấc mơ du học thành hiện thực, thì với Hoàng, giấc mơ lớn nhất của em là giành lại sự sống cho người mẹ đang phải mang khối u não. “Mình muốn chinh phục đỉnh Olympia để có thể lo tiền chữa bệnh cho mẹ và học ngành Công nghệ thông tin như mơ ước” – ước mơ của Hoàng làm cho bất cứ ai nghe thấy cũng phải nghẹn ngào.
Mai Lan