Bộ GD&ĐT cấm thi “người đẹp”: Các hoa khôi SV nói gì?

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 08/01/2013
Lần cập nhập cuối: 14/01/2021
Nguyễn Thị Như Ý - Hoa khôi ĐH Huế 2012, sinh viên trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế

 
Nguyễn Thị Như Ý – Hoa khôi ĐH Huế 2012, sinh viên trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế

 

Mình đã đọc một số bài báo viết về việc Bộ GD&ĐT cấm thi Hoa khôi ở các trường đại học, cao đẳng. Mình thật sự bất hơi bất ngờ về quyết định của Bộ. Theo mình nhận thấy, quyết định này vẫn chưa thật sự hợp lí bởi đây là sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên. Nếu cấm hoàn toàn thì ít nhiều sẽ gây hụt hẫng cho sinh viên vì đã mất một hoạt động Đoàn cũng như một sân chơi lớn sau cả năm học vất vả.

 

Cuộc thi này đã thật sự giúp mình trưởng thành lên rất nhiều, được thể hiện tài năng của bản thân, được tiếp xúc của những mảnh đời bất hạnh và được làm quen với rất nhiều bạn. Đối với mình và các thí sinh dự thi Miss Huế, đây là một sân chơi thực sự ý nghĩa.

 

Sau khi đạt được danh hiệu thì đó, mình luôn nỗ lực để bản thân phấn đấu hơn nữa trong học tập cũng như trong hoạt động trường lớp và cố gắng giúp đỡ bạn bè trong học tập chứ không phải đạt được là để khoe khoang hay tự mãn.

 

Do vậy, mình có ý kiến là thay vì cấm tổ chức cuộc thi Hoa khôi thì Bộ GD&ĐT nên kiểm duyệt nội dung, hình thức và nghiêm cấm các hình thức thi không phù hợp với lứa tuổi sinh viên như thế mới có thể tạo ra một sân chơi lành mạnh.

 
 

Ngô Tuyết Mai – Gương mặt sinh viên Facelook 2011, sinh viên ĐH Luật Hà Nội

 

Mình có đón đọc thông tin từ các trang báo mạng cũng như có theo dõi nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Khi biết được thông tin về văn bản “cấm” thi hoa khôi của Bộ GD&ĐT, trước tiên mình cảm thấy rất bất ngờ. Và mình nghĩ rằng việc Bộ ra văn bản này là không phù hợp và có phần cứng nhắc.

 

Mình cho rằng không nên cấm hoàn toàn các cuộc thi hoa khôi, sinh viên thanh lịch – tài năng mà nên đầu tư quy mô, nâng cao chất lượng của từng cuộc thi cũng như tổ chức một cách có chọn lọc hơn để những cuộc thi này thực sự bổ ích và có ý nghĩa.

 

Với mình, việc đăng quang Gương mặt sinh viên – Facelook 2011 là cột mốc vô cùng đáng nhớ. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng đã mang lại cho mình rất nhiều kiến thức bổ ích, những kĩ năng sống quý báu và cơ hội để thể hiện bản thân. Tham gia cuộc thi, mình cũng có thêm nhiều cơ hội để góp mặt trong các hoạt động xã hội, từ thiện ý nghĩa và cũng là bước đệm để mình có thể tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

 

Với sức lan tỏa rộng khắp, một cuộc thi như Facelook đã gắn kết phong trào thi đua sôi nổi giữa các sinh viên các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Nếu bỏ đi các sân chơi bổ ích như thế sẽ khiến cho môi trường học tập trở nên nhàm chán, mất đi một hướng thi đua tích cực cho sinh viên.

 

Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều cuộc thi được tổ chức một cách tràn lan với những mục đích không rõ ràng. Chính vì xuất hiện mốt số cuộc thi như vậy đã khiến cho các cuộc thi sinh viên thanh lịch trở nên mất đi tính tích cực vốn có của nó.

 

Các cuộc thi sinh viên thanh lịch trong một vài năm gần đây ở các trường dường như đi theo một “trào lưu” mà chưa được đầu tư đúng mức về chất lượng. Chính điều đó khiến cho các cuộc thi ấy trở bị “loãng” và trở nên nhàm chán.

 
 

Nguyễn Mai Ly – Hoa khôi ĐH RMIT Hà Nội

 

Mình nghĩ rằng quy định cấm tổ chức các cuộc thi hoa khôi tại các trường là bất hợp lý. Con người ta luôn hướng đến chân – thiện – mỹ. Các cuộc thi như thế là một sân chơi lành mạnh và bổ ích để tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên về ngoại hình, đạo đức, trí tuệ và tài năng của các bạn sinh viên – học sinh.

 

Về bản chất và mục đích, các cuộc thi sắc đẹp đem lại động lực cho các bạn cùng nhau phấn đấu và rèn luyện, là một nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt đoàn thể tại các trường, ngoài những giờ học chính quy căng thắng.

 

Với tư cách là một thí sinh dự thi, những cuộc thi sắc đẹp mang lại cho mình nhiều bài học quý giá về kinh nghiệm sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trước mọi người, kỹ năng sắp xếp thời gian, khả năng biểu cảm và trình diễn.

 

Ngoài ra, đây cũng là một kỷ niệm đẹp trong quãng đời sinh viên của mình. Cuối cùng, điều mà mình được nhiều nhất sau cuộc thi đó là những tình bạn đẹp với các thí sinh khác và cả ban tổ chức.

 

Sau cuộc thi, mình may mắn có cơ hội gặp gỡ nhiều người hơn, được mang hình ảnh và tiếng nói của trường mình đến với bạn bè. Đòng thời, mình cũng ý thức lắng nghe góp ý và mong mỏi của mọi người để có thể hoàn thiện bản thân nhiều hơn. Bất cứ một danh hiệu nào đều là một thử thách, được danh hiệu đã khó nhưng để sống cho trọn với danh hiệu đó càng khó hơn.

 

Mình có thể hiểu được nguyên nhân Bộ GD&ĐT siết chặt việc tổ chức thi sinh viên thanh lịch khi mà các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức ngày càng nhiều, với mật độ khá dày xuất hiện của các hoa khôi người đẹp trên mặt báo. Ngoài ra còn có rất nhiều các cuộc thi với cách tổ chức chưa chuyên nghiệp gây ra nhiều cái nhìn chưa thiện cảm từ người theo dõi và quan tâm.

 

Dù vậy, mình rất mong Bộ GD&ĐT có thể xem xét và cân nhắc về việc cho tổ chức tham gia các cuộc thi sắc đẹp ở các trường với tần suất vừa phải. Các cuộc thi cũng cần được giám sát chặt chẽ về nội dung, hình thức tổ chức để đảm bảo mục đích và bản chất của cuộc thi được tôn trọng từ khi bắt đầu cho đến cả sau khi chương trình kết thúc.

 
 
Nguyễn Hồng Lê – Á khôi Miss ĐH Sân khấu điện ảnh 2012

 

Chỉ với cương vị là một sinh viên của một trường đại học mình cũng cảm thấy quy định mới của Bộ GD&ĐT là không thoả đáng, chưa nói tới việc mình cũng từng là một thí sinh tham dự cuộc thi hoa khôi.

 

Trước đây, mình vốn là một nữ sinh rất hay mất tự tin trước đám đông, nói thật là ban đầu mình cũng không định tham gia cuộc thi, nhưng bạn bè và cả thầy cô khuyên nhủ, mình mới thử “liều mình” thi cho biết. chỉ tham gia học hỏi và rèn luyện khả năng đứng trước đám đông thôi nhưng mình không ngờ lại đoạt giải, điều này không chỉ là niềm hãnh diện của bản thân mà còn giúp mình tự tin hơn rất nhiều, mình chẳng còn thấy tự ti về khả năng ứng xử và bản thân mình năng động hơn rất nhiều.

 

Sau cuộc thi hoa khôi ở trường, mình nhận được rất nhiều mối quan tâm, như lời mời đóng phim, diễn quảng cáo hay làm mẫu ảnh, những công việc đó đã cho mình những sự trải nghiệm hoàn toàn mới mà trước đây mình không có cơ hội được tiếp xúc.

 

Tất nhiên, không thể tránh việc có một số ít bạn trẻ sau khi đã toả sáng trong một cuộc thi sắc đẹp lại bỏ dở dang việc học hành để lao vào các vòng cạnh tranh khác lớn hơn trong xã hội. Nhưng không phải ai cũng vậy vì ngoài sắc đẹp, nữ sinh thời đại mới còn có trí tuệ và bản lĩnh dẫn đường.

 

Để giảm thiểu tình trạng nữ sinh “lạc lối” này, các cuộc thi hoa khôi, sinh viên thanh lịch cấp trường ĐH, CĐ phải đảm bảo được chất lượng của thí sinh tham gia, không tổ chức một cách tràn lan và nằm ngoài mục đích tạo cho sinh viên một sân chơi lành mạnh để phát triển sự sáng tạo và thể hiện tài năng của sinh viên.

 

Mai Châm

 (thực hiện)

Exit mobile version