Bill Gates – Một vị khách với nhiều cơ hội

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 14/04/2006
Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Một thông điệp rất lớn cho thanh niên (TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên đoàn tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải đến Mỹ năm 2005)

 

“Chân thành mà nói, khi tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải đến Mỹ và thăm Microsoft, điều làm tôi ấn tượng nhất là mấy tay cảnh vệ đứng trên các nóc nhà xung quanh trụ sở của Microsoft với những khẩu súng bắn từ xa không biết là để bảo vệ Thủ tướng hay bảo vệ cả trung tâm được coi là trí tuệ của nước Mỹ này. Có một cảm giác gì đó hết sức hệ trọng và cảm giác đó không có được khi Thủ tướng đến các nơi khác. Còn khi gặp và bắt tay với Bill Gates, tôi nhận thấy đó là một con người có vẻ bề ngoài rất hiền lành dễ chịu.

 

Việc Bill Gates đến thăm Việt Nam có thật nhiều ý nghĩa. Chỉ riêng chuyện đây là chuyến thăm của một người giàu nhất hành tinh đã là một sự kiện rồi. Sự kiện này còn lớn hơn ở chỗ, con người giàu có này là biểu trưng của cả một thời đại, là đặc trưng của cả một nền kinh tế mới xây dựng trên cơ sở khai thác tiềm năng trí tuệ của con người. Nói cách khác, sự giàu có của Bill Gates khác với những ông vua dầu lửa một thời – chỉ nhờ khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mà tài nguyên thiên nhiên thì hữu hạn, chỉ có năng lực trí não của con người mới là vô hạn.

 

Thứ ba, Bill Gates là một con người đã làm giàu bằng chính năng lực của mình. Con người đó thực chất là một cậu sinh viên bỏ học giữa chừng, từ hai bàn tay không mà vươn lên giàu có đến như vậy chỉ trong một quãng đời ngắn ngủi là rất đáng khâm phục. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng: Bill Gates bỏ học đơn giản chỉ vì ý tưởng sáng tạo và năng lực kinh doanh của ông quá lớn, và chuyện bỏ học để thành công được như ông ấy là rất khó. Song, sự vươn lên trong kinh doanh và chớp lấy cơ hội, sự theo đuổi và bám riết các ý tưởng của mình để trở nên thành công và giàu có của Bill Gates là một tấm gương sáng. 

 

Bill Gates đến thăm Việt Nam không đồng nghĩa với việc ông ấy sẽ đầu tư ngay lập tức nhưng chỉ riêng ý nghĩa xem xét cơ hội đầu tư ở Việt Nam cũng là bước mở đầu thuận lợi. Cùng với việc Intel đầu tư vào một nhà máy sản xuất chip, sự xuất hiện của một công ty tri thức hàng đầu như Microsoft như đóng một cái dấu chất lượng vậy. Sự đầu tư của Microsoft trong tương lai sẽ mở ra nhiều cơ hội khác bởi nó khai thác tiềm năng trí tuệ của con người.

 

Ở đây có một vấn đề là chúng ta hiện chưa có nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp cho Intel hay Microsoft. Nếu nguồn nhân lực như vậy đã hiện hữu thì sẽ thuận lợi hơn. Tất nhiên, không có “cầu” thì khó có “cung” bởi nếu học xong mà thất nghiệp thì không ai học. Nhưng nếu có cơ hội để làm việc cho Microsoft thì các bạn trẻ lại có động lực học tập để đạt được tiêu chuẩn làm việc cho Microsoft. Vì vậy, chuyến thăm của Bill Gates gửi một thông điệp rất lớn cho các bạn trẻ.

 

Cuối cùng đây không chỉ là chuyến thăm của một biểu tượng của nền kinh tế mới, biểu tượng của cơ hội luôn luôn mở ra mà còn là chuyến thăm của một người làm từ thiện lớn nhất thế giới. Người sáng lập Quỹ Bill và Melinda Gates trị giá hơn 28 tỷ đô la Mỹ”.  

 

Quan trọng hơn chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia (Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng)

 

“Tôi nghĩ, trong con mắt Bill Gates, thị trường CNTT Việt Nam là một thị trường mở, có nhiều tiềm năng cơ hội phát triển nhưng cũng còn một số vấn đề như tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng, trình độ phát triển còn lạc hậu.

 

Trong cái đầu vĩ đại như Bill Gates, có thể sẽ hình dung rằng: Nếu các đại gia trong lĩnh vực CNTT trên thế giới nghiên cứu đầy đủ hơn và tham gia mạnh mẽ vào thị trường CNTT Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy ngành CNTT ở Việt Nam phát triển và trở thành một đối tác tốt của cả thế giới. Mặt khác, nhiều điển hình thành công của người Việt Nam trong lĩnh vực CNTT ngay trên đất Mỹ có lẽ đã cho ông ấy thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam.

 

Đón tiếp Bill Gates ở Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời. Trên một ý nghĩa nào đó, nó còn quan trọng hơn chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia một nước. Nó sẽ khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: “Bill Gates đã đến thăm Việt Nam, vậy tại sao ta lại không đến và tìm hiểu những cơ hội ở đó?”.

 

Hơn nữa, trong khi chúng ta đang rất quan tâm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao thì chuyến thăm của Bill Gates chính là sự bỏ phiếu cho Việt Nam. Nói cách khác, cùng với việc Intel được cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất chip, chuyến thăm của Bill Gates sẽ tạo nên những dấu ấn mới trong thu hút đầu tư vào công nghệ cao- một mục tiêu mà chúng ta đã theo đuổi mấy năm nhưng chưa đạt được kết quả nào đáng kể.

 

Nhân dịp này, thegioisms.com đã cho ra đời một trò chơi thú vị

Chỉ cần soạn tin:

BG      gửi tới    8466

Bạn sẽ được sở hữu 2 cuốn sách hấp dẫn:  “Bill Gates đã nói”,  “10 bí quyết thành công của Bill Gates” cùng với 1 tấm ảnh kèm chữ ký mẫu của Bill, nếu tin nhắn của bạn ở vị trí “chẵn trăm” (ví dụ: 100, 200, 1000, 2000…)

Tôi cho rằng, có thể Bill Gates chưa quyết định đầu tư gì vào Việt Nam nhưng bản thân chuyến thăm này là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá mình với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong số khoảng 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT ở nước ta, không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội tiếp cận với Bill Gates nhưng họ vẫn nên tận dụng sự kiện này trong các mối quan hệ về sau với khách hàng của các nước. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp CNTT nước ta nhìn lại mình và xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp, cụ thể. Quan trọng hơn, đối với các “đại gia” như vậy, chớ để họ thất vọng mà phải chứng tỏ mình xứng đáng với niềm tin của họ. 

 

Bản thân tôi cũng coi Bill Gates là một thần tượng chứ không riêng gì giới trẻ. Tôi rất mong, khi các bạn trẻ Việt Nam tận mắt hoặc nhìn thấy Bill Gates qua các phương tiện truyền thông nước ta sẽ một lần nữa nhìn lại bản thân và học hỏi được nhiều điều từ tài năng, ý chí, cách làm việc cũng như lòng nhân ái của ông. Từ đó, nuôi trong mình những hoài bão lớn hơn và có quyết tâm cao hơn. Song cũng cần ghi nhớ rằng, sự phát triển luôn là một quá trình, không nên quá nôn nóng, ngộ nhận, tưởng mình đã tài ba để có thể vươn ngay lên được”.

 

Một sự đánh động khiến thế giới phải suy nghĩ (TS Mai Anh, Chủ tịch Hội tin học viễn thông Hà Nội, Giám đốc Trung tâm CNTT – Bộ Khoa học Công nghệ)

 

“Đây là một sự kiện lớn đối với Việt Nam nói chung và lĩnh vực CNTT nói riêng. Bởi Bill Gates và Microsoft có tác động quá lớn đến các quốc gia và hệ thống phần mềm trên thế giới. Bill Gates đến nước nào đều là khách của nguyên thủ quốc gia nước đó. Không những thế, Bill Gates tuy là một tỷ phú nổi tiếng nhưng lại vô cùng giản dị và nhân hậu. 

 

Đáng nói là, vào thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang đứng trước thềm WTO, chuyến thăm này của Bill Gates như một sự “đánh động” khiến thế giới phải suy nghĩ: Việt Nam phải như thế nào thì những công ty lớn của Mỹ như Intel và Microsoft mới hợp tác? Chúng ta đều biết rằng, không phải quốc gia nào Bill Gates cũng đặt chân đến. Và một người như Bill Gates, thăm một quốc gia nào đó không bao giờ đơn thuần chỉ là “đi chơi”, mà để tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc đã nhìn thấy một tiềm năng một cơ hội nào đó trong tương lai. Điều này đặc biệt có lợi cho Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Chưa có gì rõ ràng để hy vọng Bill Gates và Microsoft sẽ có một quyết định đầu tư ngay trong chuyến thăm này nhưng chắc chắn, thông qua các hoạt động của Bill Gates như gặp gỡ Bộ Bưu chính Viễn thông, các doanh nghiệp và thanh niên, sinh viên Việt Nam… sẽ đặt nền móng cho Microsoft đầu tư và hỗ trợ trong tương lai.

 

Về phía các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp phần mềm, chuyến thăm này báo hiệu rằng Microsoft dù sớm hay muộn sẽ đầu tư vào Việt Nam; Đồng thời, cũng cho thấy các nhà đầu tư có công nghệ nguồn hàng đầu thế giới đã đánh giá Việt Nam như một điểm đầu tư đầy tiềm năng, đã tới lúc cần và có thể xem xét nghiêm túc tới khả năng đưa Việt Nam vào mạng lưới sản xuất, cung ứng dịch vụ toàn cầu của mình. Khi đó, Việt Nam sẽ hình thành một thị trường phần mềm lớn, và các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam chắc chắn được hưởng lợi từ điều này”.

 

    – William Henry Bill Gates III sinh ngày 28/10/1955 tại Seattle, Mỹ. Gates học tiểu học tại một trường công và trường tư LakesideSchool. Tại đây, Gates phát hiện ra sở thích về phần mềm của mình và viết chương trình đầu tiên năm 13 tuổi.

 

     – Năm 1973, Gates vào học tại Harvard và phát triển một phiên bản của ngôn ngữ lập trình BASIC cho chiếc máy vi tính đầu tiên MITS Altair.

 

     – Năm 1975, khi đang học năm thứ ba tại Harvard, Gates đã bỏ học và thành lập Công ty Microsoft với người bạn thời thơ ấu Paul Allen. Gates là người đồng sáng lập, chủ tịch và là kiến trúc sư phần mềm chính của Microsoft, công ty máy tính lớn nhất thế giới.

 

     – Ông cũng là người sáng lập Corbis, một công ty xử lý ảnh kĩ thuật số. Theo tạp chí Forbes, Gates là người giàu nhất thế giới 2006, với tổng tài sản khoảng 50 tỷ đô la.

 

     – Năm 1995, Gates viết quyển sách The Road Ahead (Con đường phía trước), đã đứng đầu trong danh sách best-seller của tờ New York Times trong bảy tuần liên tiếp. Năm 1999, Gates viết quyển sách Business @ Speed of Thought (Kinh doanh với tốc độ của tư duy), cuốn sách đã được dịch ra 25 ngôn ngữ tại hơn 60 quốc gia.

 

     – Quỹ Bill & Melinda Gates Foudations, thành lập năm 2000, với khoảng 51% tài sản của Gates, đã đóng góp tích cực vào các chương trình từ thiện và nghiên cứu khoa học. Gates và vợ Melinda cũng được tạp chí Time bình chọn là Person of the Year (Người của năm) năm 2005. Cùng năm đó, Gates cũng được nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam

Exit mobile version