Bí thư TW Đoàn Lê Quốc Phong: “Chưa tham gia tình nguyện, bạn hãy thử một lần để trải nghiệm”
Tác giả:coaynoi
Đăng ngày:21/03/2019
Lần cập nhập cuối:31/12/2020
Trong khoảng thời gian gần hai giờ đồng hồ, anh Lê Quốc Phong – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã lắng nghe nhiều tâm tư, nguyện vọng; giải đáp thắc mắc; tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của đoàn viên thanh niên.
Đồng thời, anh Lê Quốc Phong cũng thông tin đến Đoàn viên, thanh niên những nội dung cốt lõi của chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019 và Tháng Thanh niên 2019; tình hình triển khai đợt hoạt động “Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác” kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện chủ đề công tác “Năm Thanh niên tình nguyện” 2019…
Dưới đây là nội dung chi tiết của buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng”:
11h:
Thưa anh Lê Quốc Phong, đây mới chỉ là một số trong rất nhiều tâm tư, mong muốn của thanh niên với anh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gắn với chủ đề năm 2019. Anh có suy nghĩ gì về những vấn đề mà các bạn đoàn viên, thanh niên nêu ra?
Bí thư thứ nhất TW Đoàn Lê Quốc Phong: Tôi thấy rất vui vì buổi đối thoại nhận được sự quan tâm của đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nước.
Điều đó cho thấy đây là vấn đề chung của thanh niên Việt Nam, từ: Học sinh, sinh viên, công nhân, tri thức trẻ, đến những người có ảnh hưởng lớn đến xã hội như các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu vừa được tuyên dương… Tình nguyện thực sự là nhu cầu đẹp của mỗi bạn trẻ cống hiến cho cộng đồng, cùng chung tay giải quyết những vấn đề xã hội đặt ra.
Với trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội chúng tôi sẽ tổ chức hoạt động tình nguyện tốt hơn tạo nhiều môi trường, phương thức cho bạn trẻ tham gia.
Bên cạnh đó nâng cao chất lượng, tạo giá trị thiết thực trong hoạt động tình nguyện từ đó củng cố niềm tin trong mỗi bạn trẻ, và cộng đồng để làm sao hoạt động tình nguyện là nét đẹp của mỗi bạn trẻ.
Anh muốn gửi gắm điều gì với bạn trẻ trong buổi đối thoại ngày hôm nay?
Anh Lê Quốc Phong: Hoạt động tình nguyện chắc chắn là môi trường tốt để chúng ta trải nghiệm, trưởng thành. Tình nguyện cho đi nhưng giá trị mang lại là những bài học từ cuộc sống cộng đồng.
Chính sự cho đi đó chúng ta nhận lại được rất nhiều giá trị từ cuộc sống. Nếu bạn trẻ nào đó chưa tham gia tình nguyện các bạn hãy thử một lần để trải nghiệm, hiểu giá trị của tình nguyện mang lại.
10h35:
Khi nhắc đến hoạt động tình nguyện, mọi người hay tổ chức và cũng liên tưởng nhiều đến các hoạt động thanh niên dùng sức, lao động chân tay là nhiều, giá trị thực tế là mang lại cho xã hội chưa cao? Đoàn định hướng như thế nào để tăng cường các hoạt động tình nguyện có chiều sâu, hàm lượng tri thức cao và có giá trị hỗ trợ xã hội lớn?
Bí thư thứ nhất TW Đoàn Lê Quốc Phong: Tôi không có phân định hoạt động dùng sức hay dùng trí quan trọng là hoạt động mang lại giá trị nào.
Ví dụ như hoạt động giải quyết vấn đề về môi trường cũng cần sự tham gia của rất nhiều bạn thanh niên. Không chỉ là câu chuyện bỏ sức ra để cải tạo môi trường mà còn là để các bạn thấy được những hệ quả của việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của bản thân và từ đó lan tỏa ra cộng đồng.
Cũng có những hoạt động cần đến hàm lượng tri thức cao. Để phân định hoạt động dùng sức hay dùng trí khâu xác định nội dung công việc khá quan trọng.Tuy nhiên lựa chọn người tham gia đóng vai trò quyết định trong sự thành công của hoạt động.
Để tăng độ “chuyên nghiệp” trong các hoạt động cần lựa chọn đúng nhóm đối tượng để tham gia. Làm sao để có nhiều môi trường, nhiều hoạt động để các bạn thanh niên tham gia. Như các hoạt động bảo vệ môi trường, hay các hoạt động an toàn giao thông hầu như thanh niên nào cũng có thể tham gia.
Mặt khác cũng có những hoạt động như kết nối, tọa đàm, tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra phương án cần đến những nhóm thanh niên có tri thức và cần có yêu cầu về kiến thức để có thể tham gia.
Theo tôi, khi bước vào hoạt động tình nguyện các bạn nên đề ra mong muốn bản thân hướng tới kết quả, giá trị của hoạt động để có thể tham gia những hoạt động thích hợp mang lại giá trị tình nguyện cao nhất.
10h30
Để nâng cao kỹ năng tham gia mạng xã hội an toàn, lành mạnh và đấu tranh với các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng cho thanh niên, TW Đoàn sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào trong thời gian tới?
Anh Lê Quốc Phong: TW Đoàn đang quan tâm và có nhiều phương thức, giải pháp triển khai thời gian vừa qua giúp đoàn viên thanh niên có phương thức ứng xử hợp lý trên mạng xã hội.
Đây là điều cả xã hội quan tâm. Trong đó, có cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Bên cạnh việc chia sẻ những câu chuyện cá nhân, mỗi bạn trẻ chia sẻ thêm những điều tích cực trong xã hội. Theo cách cảm nhận của mỗi bạn về câu chuyện đẹp, tích cực gặp được trên đường đến trường, đi làm… hay câu chuyện chính các bạn. Mỗi ngày một tin tốt mỗi tuần một câu chuyện đẹp sẽ góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn tăng cường tổ chức các diễn đàn để định hướng, thông tin hiệu quả tới các bạn trẻ. Không gian mạng nhiều thông tin, quan trọng là tiếp cận thông tin và hành xử thông tin đó ra sao.
Chúng ta ứng xử phù hợp sẽ ngăn chặn những tin xấu, sai lệch. Điều này không chỉ bảo vệ bản thân mỗi bạn mà góp phần bảo vệ gia đình, người thân và bạn bè.
Giải pháp nào để thu hút sinh viên tích cực tham gia hoạt động tình nguyện?
10h25:
Năm 2019 là năm Thanh niên tình nguyện, em thấy ở xã, huyện có phát động đăng ký thực hiện công trình, phần việc thanh niên, vậy tổ chức Đoàn có đặt ra yêu cầu gì đối với các công trình, phần việc thanh niên?
Bí thư thứ nhất TW Đoàn Lê Quốc Phong: Công trình phần việc thanh niên là một trong những phương thức triển khai hoạt động Đoàn, trong đó có hoạt động tình nguyện.
Với công trình thanh niên chúng tôi xác định 3 tiêu chí: Được việc, được người, được tổ chức. Được việc là tiêu chí đầu tiên, công trình đó phải hướng đến phần việc cụ thể không chung chung và phải giải quyết được vấn đề cuộc sống đòi hỏi, mang lại giá trị thiết thực. Được người là phát huy cao nhất khả năng, năng lực các bạn thanh niên khi tham gia hoạt động này. Được tổ chức: Thông qua công trình, phần việc thanh niên sẽ tạo lan tỏa hình ảnh của tổ chức đoàn, nâng uy tín của tổ chức trong xã hội.
Tháng Thanh niên 2019 này, tôi có chuyến tham quan giàn khoan của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, gần như 100 % các bạn thanh niên tham gia hoạt động ở giàn khoan bằng tinh thần tình nguyện.
Hay các bạn thanh niên làm đường nông thôn, xây nhà nhân ái, nhà tình thương, … tất cả những công trình, phần việc đó thực sự đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống đặt ra.
Năm 2019 tình nguyện công trình thanh niên phải thiết thực, không chấp nhận công trình chỉ biểu tượng, người tham gia phát huy cao nhất khả năng và tổ chức Đoàn phải khẳng định được tính thiết thực, hiệu quả.
Vì vậy TW Đoàn yêu cầu công trình là sự lựa chọn những vấn đề xã hội đang cần, lĩnh vực mà thanh niên phải xung kích tham gia sức trẻ để giải quyết; tuỳ vào quy mô, điều kiện mà Đoàn thanh niên các cấp cần triển khai hiệu quả.
10h20
Các phong trào tình nguyện của Đoàn đã cho thấy được hiệu quả khi phát huy thanh niên tham gia các công việc vì cộng đồng. Nhưng chưa làm cho một bộ phận thanh niên và xã hội hiểu được những giá trị mang lại của hoạt động cho thanh niên khi tham gia các hoạt động tình nguyện.
Trung ương Đoàn có giải pháp, hướng dẫn nào để hài hòa giữa tinh thần tình nguyện, phát huy thanh niên song song với quyền lợi của thanh niên và đưa thông tin này đến với các bạn thanh niên và xã hội?
Anh Lê Quốc Phong: Tôi nghĩ, quan trọng nhất là hiệu quả của hoạt động tình nguyện, nếu thiết thực, cụ thể thì có giá trị thuyết phục. Chính kết quả hoạt động tình nguyện sẽ chứng minh cho các bạn thanh niên thấy giá trị mang lại, trước hết là sự cống hiến, góp sức của mình cho một đối tượng cụ thể, địa bàn cụ thể.
Thứ hai, chúng ta phải tăng cường thông tin tới các bạn thanh niên về hoạt động tình nguyện của Đoàn, Hội để các bạn thấy được sự phong phú, đa dạng, giá trị đích thực của các hoạt động.
Thứ ba, sự thông tin, chia sẻ, trưởng thành từ các bạn từng tham gia hoạt động tình nguyện, phong trào tình nguyện có thể là sự trải nghiệm, chia sẻ phù hợp, thích hợp để cac bạn thanh niên có thể hiểu được sự thu hoạch của bản thân khi tham gia các hoạt động tình nguyện.
Chúng ta hay nói “đi để chia sẻ, đi để cống hiến, đi để trải nghiệm, đi để trưởng thành”, những cụm từ như vậy là mục tiêu rất rõ ràng làm sao để các bạn cảm nhận được giá trị mang lại thông qua giá trị cụ thể. Những điều đó mới thuyết phục thanh niên đến với các hoạt động của mình.
Làm thể nào để giúp bạn trẻ nhận thức được trách nhiệm cộng đồng?
10h15
Tôi gặp rất nhiều bạn khi ra trường dù đã tham gia rất nhiều hoạt động Đoàn, nhưng bản thân lại chưa tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Vậy những trăn trở đó khi làm giáo dục, tôi có một hiến kế và mong muốn đồng chí Phong và các đồng chí xem xét, đó là có nên chăng Đoàn sẽ là cầu nối tới những chương trình, hoạt động giáo dục dành cho sinh viên, cung cấp những kiến thức, kỹ năng, thông tin tại các địa phương để các bạn tìm được việc làm sau khi ra trường.
Anh Lê Quốc Phong: Tôi rất ủng hộ sự đồng hành của các đơn vị trong xã hội với những hoạt động của Đoàn. Những ý tưởng qua trao đổi của các bạn, các bạn có thể kết nối trực tiếp với các cơ sở Đoàn ở các đơn vị để chia sẻ ý tưởng với nhau. Nếu tính khả thi ở từng đơn vị tốt, chúng ta có thể kết nối, triển khai công việc đó.
Thực tế, thời gian vừa qua, Đoàn các trường đại học đã tập trung rất nhiều về nội dung này và có rất nhiều phương thức. Nếu như phương thức của các bạn mới, hiệu quả thì các trường sẵn sàng đón nhận để có thêm điều kiện, không gian hỗ trợ sinh viên trong trang bị kỹ năng, kiến thức và các hoạt động, cơ hội nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai.
Quay lại câu chuyện khởi nghiệp vì cộng đồng, đây là một ý tưởng rất tốt. Thực tế ý tưởng các bạn có thể khởi nghiệp phải bắt nguồn từ cuộc sống, rất nhiều bạn có thành công ban đầu khi tôi gặp và chia sẻ thì các bạn đều nói ý tưởng của các bạn đều đến từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống.
Như vậy đó chính là chất liệu để chúng ta tìm ra được hướng đi cho mình, lựa chọn lĩnh vực của mình để có thể tham gia phát triển khởi nghiệp.
Làm sao tăng cường kiến thức, hiểu biết, nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp, cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các em học sinh, trong các bạn sinh viên, đây cũng là điều chúng tôi đang tập trung để làm vì tinh thần khởi nghiệp cực kì quan trọng.
Nếu thúc đẩy được sẽ là nền tảng tốt để chúng ta có thể quan tâm bước vào hành trình khởi nghiệp. Nếu chúng ta không thực hiện được tốt việc này thì sẽ bị chi phối mọi người, như vậy sẽ rất khó để thực hiện vấn đề này.
Tôi thấy đây là góp ý hay và chúng tôi sẽ lưu tâm trong quá trình triển khai hoạt động của mình.
Các Đoàn viên thanh niên sôi nổi đặt câu hỏi về cơ chế, chính sách hỗ trợ, giải pháp của TW Đoàn cho những vấn đề trước mắt và lâu dài của hoạt động tình nguyện.
10h10:
Du học sinh Việt Nam tại Anh đặt câu hỏi về cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên, du học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện.
Anh Lê Quốc Phong: Khi tôi gặp các bạn sinh viên ở nước ngoài thì đây là câu các bạn hay hỏi nhất. Thực tế, các bạn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài cũng có nhiều hoạt động hướng về nước khi có tình huống khó khăn, chia sẻ với đồng bào vùng thiên tai.
Tôi biết để có nguồn lực các bạn vận động mời gọi trong bạn bè, người nước ngoài trong cộng đồng đang sinh sống. Tôi cũng biết có những nhóm vận động xong cử đại diện về nước trực tiếp thực hiện các hoạt động.
Ở góc độ Đoàn, Hội chúng tôi khuyến khích và mong muốn các bạn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài có nhiều hơn hoạt động này. Còn khi các bạn về nước, trong những kỳ nghỉ hè thì chúng tôi luôn có nhiều hoạt động tham gia, như kỳ nghỉ hè.
Chúng tôi có thể giới thiệu đến các bạn những đơn vị cụ thể để tham gia. Nếu như các bạn có nguồn lực muốn triển khai tại Việt Nam thì thay vì tự kết nối, trực tiếp về nước thì chúng tôi sẽ có hỗ trợ từ kết nối, giới thiệu đến các đơn vị trương nước để phối hợp triển khai.
Thực tế không chỉ có du học sinh Việt Nam ở nước ngoài mà còn có nhiều nhóm sinh viên nước ngoài như Malaysia, các nhóm của Liên hiệp quốc cũng tìm đến VN để tổ chức các hoạt động tình nguyện mà chúng tôi đều có hỗ trợ từ giới thiệu địa chỉ, kết nối địa phương.
Nếu các bạn có nhu cầu tình nguyện, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ để các bạn thực hiện được tốt nhất những kế hoạch của mình.
Bí thư TW Đoàn giải đáp mong muốn tham gia tình nguyện của du học sinh Việt
10h05:
Nhiều nhóm hoạt động khoa học trẻ tình nguyện tự do nhưng thực tế chưa có sự đoàn kết, tập hợp sức mạnh chưa được phát huy. Vậy T.Ư Đoàn có sự kết nối phát huy sức mạnh của giới tri thức trẻ, nhà khoa học trẻ không?
Anh Lê Quốc Phong: TW Đoàn cũng đã có nhiều hoạt động kết nối trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ trong thời gian qua để phát huy tri thức trẻ tham gia phát triển đất nước, như: Đại hội tài năng trẻ Việt Nam, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I… để các nhà khoa học trẻ đề xuất các kiến nghị, ý tưởng với Chính phủ đồng thời tạo sự kết nối giữa các trí thức nhà khoa học trẻ với nhau.
Hiện nay chúng ta đã có các chương trình thúc đẩy tri thức trẻ tham gia vào các hoat động tình nguyện vì cộng đồng: Các đội tri thức trẻ ở TPHCM, đội tình nguyện chuyên trong các hoạt động tình nguyện như đội xây cầu, làm đường ở ĐH Bách khoa TPHCM; hay các đội hình các giảng viên, nghiên cứu viên ở trường ĐH Nông Lâm, hay nhóm tình nguyện lĩnh vực kinh tế nghiên, đội tư vấn hỗ trợ pháp lý. Đó là những đội tình nguyện gắn với chuyên môn rất hiệu quả đáp ứng nhu cầu tình nguyện địa phương.
Chúng tôi hy vọng những đội tình nguyện tri thức trẻ đó là mũi nhọn mang lại chuyển biến thực sự ở từng địa phương họ đến. Có những hoạt động tình nguyện ngắn nhưng cũng có những hoạt động dài hơi để có kết quả, thậm chí sau chuyển giao cho người dân có sự gắn bó để thực sự tạo ra kết quả cao nhất.
Kết nối, phát huy sức mạnh của đội ngũ tri thức trẻ trong hoạt động tình nguyện là vấn đề trọng tâm TW Đoàn chủ trương phát triển mạnh trong thời gian tới với hy vọng tạo giá trị thiết thực mang tính chiều sâu.
TS Vòng Bính Long – Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018 tham dự và đặt câu hỏi tới Bí thư TW Đoàn Lê Quốc Phong.
10h:
Tôi thấy hoạt động tình nguyện tại trường học tương đối dễ tổ chức khi đoàn viên là các bạn học sinh, sinh viên nhiệt huyết và hăng hái với phong trào. Còn tại không ít cơ quan, đoàn viên lại bận rộn với việc chuyên môn, bận rộn việc gia đình nên hoạt động tình nguyện được triển khai chưa hiệu quả.
Có nguyên nhân từ thanh niên và có nguyên nhân từ tổ chức Đoàn, đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Bí thư thứ nhất TW Đoàn Lê Quốc Phong: Bạn đặt ra tình trạng phù hợp với điều kiện thanh niên. Sinh viên học sinh đang giai đoạn tích luỹ kiến thức nên nhiệm vụ chính trị của các bạn là học tập. Nhiều hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện tổ chức của những chiến dịch lớn rơi vào đối tượng này nhiều.
Với những đối tượng khác, các hoạt động tình nguyện phải phù hợp với điều kiện thực tế lao động của các bạn. Do đó, tổ chức Đoàn đã vận dụng và có những phương thức linh hoạt để phù hợp với những đối tượng này. Chẳng hạn, “Kỳ nghỉ hồng” dành thanh niên công nhân, công nhân viên chức với thời gian ngắn phù hợp.
Chúng tôi không đo tinh thần tình nguyện bằng thời gian ngắn hay dài, tham gia đông hay ít mà bằng giá trị đóng góp thiết thực của hoạt động. Các hoạt động chỉ mang lại giá trị tích cực khi giải quyết những câu chuyện cụ thể, trường hợp cụ thể.
9h55
Em được biết trong năm 2019, TW Đoàn đặt ra mục tiêu phấn đấu mỗi thanh niên, đoàn viên, hội viên tham gia ít nhất 2 hoạt động tình nguyện trong năm. Em rất thích chủ trương này, tuy nhiên em còn băn khoăn là Đoàn sẽ tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên tham gia như thế nào và liệu các tổ chức cơ sở đoàn có tổ chức được đủ các hoạt động tình nguyện để tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên tham gia hay không ạ?
Anh Lê Quốc Phong: Đây là định hướng mang tính vận động của tổ chức Đoàn, chúng tôi không đặt chỉ tiêu chính thức trong năm mà xem đây là mục tiêu cho bạn trẻ tham gia.
Để làm được việc này cần sự vào cuộc đồng bộ, quyêt liệt ở các cấp bộ đoàn, trong đó cấp chi đoàn đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi xem cấp chi đoàn là tế bào tổ chức được hoạt động thường xuyên vì chính họ mới nắm rõ địa phương nơi mình ở đang cần gì. Nội dung hoạt động tình nguyện gắn bó với thực tế để giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra.
Tôi biết ngoài tổ chức Đoàn, có rất nhiều bạn trẻ xuất phát từ nhu cầu tự thân, góp sức cho cộng đồng đã thành lập các đội nhóm tình nguyện tổ chức được nhiều hoạt động tình nguyện rất hiệu quả. Chúng tôi xác định cần có phương thức mới trong hoạt động tình nguyện.
Ngoài các hoạt động tình nguyện thường xuyên có các chiến dịch tình nguyện mang tính đỉnh cao, dành cho từng đối tượng: Mùa hè xanh, hoa phượng đỏ, hành quân xanh, kỳ nghỉ hồng thì có các chương trình tình nguyện riêng đáp ứng nhu cầu xã hội như Tiếp sức mùa thi nhằm mở ra nhiều không gian điều kiện để đoàn viên thanh niên lựa chọn tham gia.
Mặt khác công cụ tuyên truyền kết nối mời gọi thanh niên tham gia của tổ chức Đoàn hiện nay cũng được rộng mở: Trung tâm tình nguyện quốc gia, trung tâm công tác xã hội ở các tỉnh thành đoàn, trung tâm… tạo nhiều không gian cho bạn trẻ lựa chọn.
Chúng tôi cũng chuyển hướng để các bạn trẻ tự đề xuất ý tưởng để nơi nào cần tình nguyện, cần sự giúp sức từ hoạt động tình nguyện chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động đúng nơi, đúng đối tượng, để làm sao hoạt động tình nguyện mang hơi thở cuộc sống.
9h50
Hiện nay có nhiều hoạt động tình nguyện tự phát do các nhóm tự tổ chức, Đoàn có khuyến khích những hoạt động tình nguyện như thế không?
Bí thư thứ nhất TW Đoàn Lê Quốc Phong: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các hoạt động tình nguyện như thế, những hoạt động tình nguyện được triển khai theo đúng mong muốn của từng nhóm người, nhóm hoạt động. Đó là những hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng thì không có lý gì lại không ủng hộ.
Mặt khác, đoàn muốn gửi lời khuyên cho các bạn, vì các hoạt động đó là nhóm tự hình thành nên trong quá trình thực hiện hoạt động có khó khăn gì hãy liên hệ với chúng tôi để có sự chuẩn bị tốt hơn về nguồn lực, nội dung… Đây là điều mà chúng tôi luôn lưu tâm chú ý để quan tâm hơn đến các hoạt động của thanh niên.
Tôi tin rằng khi chúng ta đồng hành với nhau, các hoạt động được mở rộng hơn, hướng tới được nhiều đối tượng hơn. Đồng thời các bạn có thêm nhiều trải nghiệm hơn trong tổ chức các hoạt động tình nguyện.
9h45
Hiện nay nhiều bạn trẻ không biết đến các hoạt động của Đoàn, một phần là do các bạn bận học tập, công tác hoặc thích các hoạt động giải trí khác hơn. Bên cạnh đó, nhiều bạn muốn tham gia các hoạt động nhưng do tổ chức Đoàn ở cơ sở chưa biết cách tập hợp, thu hút thanh niên thậm chí chưa có kỹ năng tổ chức các hoạt động, trong đó có các hoạt động tình nguyện. Anh đánh giá thế nào về hiện trạng này và Đoàn có giải pháp gì trong năm 2019 để giải quyết vấn đề này?
Anh Lê Quốc Phong: Tôi tin những tại các cơ sở Đoàn đều gặp những vấn đề, trường hợp như thế này. Có những bạn do điều kiện học tập, cuộc sống mà mức độ tham gia hoạt động tình nguyện khác nhau.
Để thu hút các bạn trẻ tham gia hoạt động tình nguyện, điều quan trọng phải các hoạt động tình nguyện phải mang lại giá trị tích cực cho các bạn.
Bên cạnh việc kêu gọi tinh thần dấn thân, công hiến, hoạt động tình nguyện đồng thời đó là môi trường để các bạn rèn luyện, thu nhận được những bài học, giá trị, kỹ năng từ cuộc sống. Làm tốt công tác tuyên truyền ý nghĩa của hoạt động tình nguyện thì hoạt động sẽ mang lại giá trị cả hai phía.
Với những bạn chưa tham gia tình nguyện, tổ chức Đoàn, Hội vẫn có hoạt động để các bạn tham gia. Đúng với tinh thần tình nguyện, các bạn tham gia hoạt động một cách tự nguyện, cống hiến.
Tôi tin chắc, khi các bạn tự nguyện đến với các hoạt động thì mới mang lại hiệu quả. Việc này đòi hỏi các cơ sở đoàn cần đầu tư vào chất lượng hoạt động để thuyết phục, mời gọi các bạn tham gia.
Nhiều vấn đề liên quan hoạt động tình nguyện của Đoàn viên, thanh niên được đưa ra tại buổi đối thoại trực tuyến.
9h40:
Trên cả nước và từng địa phương vẫn có những trường hợp bị tai nạn khi tham gia các hoạt động tình nguyện. Việc thực hiện chính sách đối với những trường hợp này như thế nào?
Bí thư thứ nhất TW Đoàn Lê Quốc Phong: Đây là điều nếu có xảy ra trong hoạt tình nguyện thì là một điều rất đáng tiếc. Về chính sách đối với những trường hợp tai nạn khi tham gia các hoạt động tình nguyện đã được nêu rất rõ trong Nghị định số 57 về thực hiện chính sách dành cho các hoạt động tình nguyện. Trong đó nêu rõ có sự hỗ trợ và chính sách riêng tùy trường hợp cụ thể.
Để không xảy ra sự việc thì chúng tôi cũng mong muốn trước mỗi chương trình tình nguyện ban tổ chức cũng phải tăng cường khảo sát để các hoạt động đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Tinh thần này luôn được chúng tôi lưu ý nhắc nhở trong mỗi hoạt động tình nguyện.
Vậy để tham gia các hoạt động tình nguyện một cách an toàn nhất anh có lời khuyên gì và các bạn thanh niên tham gia cần chuẩn bị điều gì cụ thể?
Anh Lê Quốc Phong: Trước khi đến với mỗi hoạt động nên tìm hiểu rõ mục đích và nội dung của hoạt động. Vì có rất nhiều hoạt động đa dạng: có hoạt động được tổ chức thành phố, có hoạt động ở miền núi. Những hoạt động cũng hướng đến những đối tượng khác nhau: những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng thương tật ốm đau…
Chúng ta cần chuẩn bị, cần tìm hiểu để có một tâm thế tốt hơn và tham gia một cách tích cực và phù hợp hơn trong mỗi hoạt động. Và mỗi khi tổ chức các hoạt động, tôi cũng tin rằng các đoàn, hội, các tổ chức đã thông tin cụ thể đến các bạn để có chương trình tình nguyện tốt nhất, có hiệu quả lan truyền tốt nhất.
9h35:
Hiện nay, bên cạnh các thanh niên nhiệt huyết, tích cực học tập, rèn luyện, xung kích tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng thì cũng còn một số thanh niên còn thiếu ý thức, không tuân thủ các quy định của pháp luật như: xả rác không đúng nơi quy định, vượt đèn đỏ… Vậy Đoàn đã có giải pháp nào giúp thanh niên có thái độ, trách nhiệm sống tích cực hơn với với cộng đồng, với bản thân, qua đó góp phần làm giảm thiểu những vấn đề tiêu cực của xã hội?
Anh Lê Quốc Phong: Tham gia hoạt động tình nguyện là để cống hiến, chia sẻ với cộng đồng. Nhưng thực tế tôi cũng đồng ý vẫn còn có những hình ảnh, hành động ứng xử chưa đúng, chưa chuẩn mực nơi công cộng của các bạn trẻ.
Đây là vấn đề Đoàn cần tăng cường giải pháp tuyên truyền để bạn trẻ nhận ra hành vi không tốt của mình và đồng thời có sự định hướng để làm sao người trẻ có ứng xử văn hóa, văn minh, và chấp hành thượng tôn pháp luật.
Bên cạnh các giải pháp của Đoàn, tôi cho rằng chính cộng đồng, bạn bè xung quanh kịp thời nhắc nhở ngay với những biểu hiện hành động chưa đẹp đó sẽ giúp các bạn nhận ra hành động không đúng đắn của mình.
Trong thời gian qua, tổ chức Đoàn các cấp cũng tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, diễn đàn giúp bạn trẻ có sự định hướng đúng đắn về tham gia giao thông, ứng xử tốt trong sinh viên, diễn đàn trực diện phê phán những hành vi chưa đúng của bạn trẻ.
Tuy nhiên thời gian tới cần nhiều pháp hơn nữa. Hy vọng thời gian tới bằng nhiều giải pháp của đoàn và sự chung tay của cộng đồng, bạn trẻ sẽ có lối sống văn hóa, văn minh nơi công cộng.
Hoa hậu Hoàn vũ H’hen Niê tại đầu cầu đối thoại trực tuyến TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng – Tiền phong.
9h25:
Hoa hậu H’hen Niê chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm của mình về hình ảnh tình nguyện:
Khi được tham gia vào các hoạt động đồng hành của các chương trình tình nguyện, H’Hen cảm thấy được trưởng thành, trải nghiệm, có cơ hội được tiếp xúc, chia sẻ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi lần tham gia các chuyến đi như thế bản thân H’Hen cảm thấy rất thú vị vì được đi và trải nghiệm được nhiều nhiều nơi trên đất nước đồng thời được thực hiện các hoạt động vì cộng đồng. Bản thân H’Hen được trưởng thành như ngày hôm nay cũng là nhờ chính là nhờ vào các hoạt động tình nguyện đó.
Chuyến đi tình nguyện gần nhất là đi Sơn La cùng với Đoàn Thanh niên vừa rồi là kỷ niệm làm H’Hen nhớ nhất. Khi được khoác trên mình chiếc áo Đoàn đến tình nguyện chương trình Tết sẻ chia với các em nhỏ vùng cao.
H’Hen cho rằng trong các hoạt động tình nguyện sẽ không có khó khăn nào cản trở được bản thân mình khi có lòng nhiệt huyết, thực hiện các hoạt động đó bằng cả trái tim. Tất cả các hoạt động tình nguyện mình làm đều giúp cho bản thân mình trưởng thành và thêm hiểu bản thân mình.
Trong thời gian tới, H’Hen tiếp tục thực hiện các hoạt động tình nguyện cho đối tượng là trẻ em và phụ nữ, đồng hành cùng Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, vì H’Hen cho rằng trẻ em và phụ nữ là những đối tượng rất thiệt thòi, đặc biệt là các trẻ em gái, H’Hen muốn thực hiện các hoạt động tình nguyện để chia sẻ, giúp đỡ họ.
Bí thư thứ nhất TW Đoàn Lê Quốc Phong chia sẻ thêm: Tôi nghĩ hoa hậu nào cũng đẹp. Tôi rất xúc động câu chuyện của H’hen Niê chia sẻ về sự trưởng thành, động lực phấn đấu, trong đó có hình ảnh của sinh viên tình nguyện khi bạn là cô bé học sinh.
Điều này củng cố cho tôi và các bạn sinh viên tình nguyện niềm tin trong sự trưởng thành của nhiều người có sự đóng góp của sinh viên tình nguyện. Qua đó chúng ta tiếp tục vận động, kêu gọi phong trào.
Bên cạnh phát triển sự nghiệp tiếp, H’hen Niê tục gắn bó và chia sẻ với cộng đồng để đóng góp xây dựng tổ quốc. Tôi tin những người như Hen và những bạn trẻ khác là hình ảnh truyền cảm hứng tới cộng đồng và thanh niên khác.
Những phương thức hoạt động tình nguyện nào dành cho thanh niên, sinh viên?
9h20:
Bạn Trần Thị Hằng, Học viện Cảnh sát nhân dân hỏi Bí thư thứ nhất: Có nên xây dựng lộ trình để từng bước đưa các hoạt động tình nguyện trở thành hoạt động bắt buộc đối với học sinh cấp 3 và sinh viên Đại học nói riêng và thanh niên nói chung hay không?
Anh Lê Quốc Phong: Đây là câu hỏi nhiều trường Đại học quan tâm. Trong hoạt động tình nguyện, sinh viên đóng vai trò chủ đạo. Ngoài hoạt động thường xuyên, các bạn có những chiến dịch lớn như Chiến dịch mùa hè xanh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức nhiều chiến dịch tình nguyện lớn. Trong đó có cả những chiến dịch hướng tới học sinh THPT như Chiến dịch Hoa phượng đỏ. Rất nhiều chiến dịch thường xuyên được tổ chức trong các trường PTTH, cao đẳng cho các đoàn viên, thanh niên tham gia.
Tôi biết rằng, nhiều trường ĐH xem việc tham gia như tiêu chí cần có để ghi nhận sự rèn luyện của SV trong quá trình học tập. Chẳng hạn như trong thang điểm có dành tỉ trọng điểm tương đối cho hoạt động tình nguyện để khuyến khích SV tham gia hay có những quan tâm, hỗ trợ từ phía nhà trường về chế độ chính sách trong điều kiện của nhà trường như khen thưởng, xét ở ký túc xá, học bổng, giải thưởng…
Chính từ giá trị hoạt động tình nguyện qua quá trình rất dài mang lại sự trưởng thành của SV và chính nhà trường ghi nhận giá trị này nên mới xem nó như phương thức giáo dục SV.
Tôi nghĩ, nếu nhà trường xem việc tham gia tình nguyện như tiêu chí cần khuyến khích động viên SV tham gia thì là xu thế tốt. Đây không chỉ là xu thế ở Việt Nam mà các trường đại học, THPT trên thế giới cũng coi việc tham gia hoạt động cộng đồng là tiêu chí ưu thế cho sinh viên xem xét yếu tố trong điều kiện học tập của mình.
9h15:
Nguyễn Thu Giang, Đoàn phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Thưa anh Lê Quốc Phong, có phải cứ tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng thì sẽ trở thành một thanh niên tốt không?
Anh Lê Quốc Phong: Theo bản thân tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tham gia hoạt động tình nguyện thường xuyên sẽ bồi đắp được tinh thần vì cộng đồng, rèn luyện bản thân trở thành người biết chia sẻ, biết cống hiến, biết dấn thân. Đó có lẽ là một suy nghĩ tốt cần được phát huy.
9h10:
MC hỏi Bí thư thứ nhất TW Đoàn Lê Quốc Phong: Thưa anh, khi nhắc đến chủ đề đối thoại “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng” ngày hôm nay tôi nghĩ đến câu nói của Bác Hồ kính yêu của chúng ta sinh thời đã căn dặn thanh niên “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Anh có thể chia sẻ thêm về chủ đề đối thoại này cho năm nay không?
Anh Lê Quốc Phong phát biểu: Xin chào tất cả các bạn đang tham dự buổi trực tiếp, chúng ta gặp lại nhau sau một năm, vào tháng 3, Ban Chấp hành TW Đoàn tổ chức buổi đối thoại để có điều kiện trao đổi, lắng nghe các đoàn viên, thanh niên, trong cả nước.
Chủ đề năm nay là chủ đề “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng” là chủ đề rất thú vị, vì tình nguyện là công việc chúng ta cùng nhau làm trong thời gian rất dài cho tới hiện nay. Sức trẻ, tinh thần tình nguyện, tiếp tục là thế mạnh, hình ảnh đẹp của tuổi trẻ Việt Nam được xã hội tôn trọng và được nhiều bạn trẻ tham gia.
Tôi tin buổi đối thoại hôm nay sẽ nhận được sự quan tâm của các bạn đoàn viên thanh niên trong cả nước, làm sao để đoàn viên, thanh niên tham gia tốt các hoạt động tình nguyện do TW tổ chức và làm sao để TW Đoàn có thể tạo điều kiện để các đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện tốt nhất để tiếp tục khẳng định tinh thần xung kích, đóng góp cho xã hội.
Bí thư thứ nhất TW Đoàn Lê Quốc Phong bắt đầu buổi đối thoại trực tuyến với Đoàn viên, thanh niên.
——————————–
Theo kế hoạch, tại buổi đối thoại, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; giải đáp thắc mắc; tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của đoàn viên thanh niên.
Đồng thời, anh Lê Quốc Phong cũng thông tin đến đoàn viên thanh niên những nội dung cốt lõi của chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019 và Tháng Thanh niên 2019; tình hình triển khai đợt hoạt động “Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác” kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện chủ đề công tác “Năm Thanh niên tình nguyện” 2019.
Chương trình diễn ra từ 9h đến 10h30′ ngày 21/3/2019. Ngoài điểm cầu chính tại Trụ sở Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT Hà Nội), còn có các điểm cầu tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và 2 điểm cầu có nhân vật tiêu biểu, đội hình tình nguyện, hoạt động sôi nổi trong Tháng Thanh niên 2019.
Một số tỉnh, thành khác cũng tổ chức cho đoàn viên thanh niên theo dõi buổi trực tuyến và đặt câu hỏi đối thoại với Bí thư thứ nhất.
Cùng tham dự buổi đối thoại trực tuyến còn có một số gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018, nghệ sĩ, vận động viên tiêu biểu, doanh nhân trẻ và một số câu lạc bộ, đội nhóm tình nguyện.
Chương trình được tường thuật trực tuyến trên báo điện tử Dân trí và được truyền hình trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; được live stream trên fanpage Cổng thông tin Trung ương Đoàn.
Các câu hỏi được tổng hợp trước và được đoàn viên thanh niên nêu tại buổi đối thoại được các đại biểu chủ trì và trả lời trực tiếp.