Sáng 26/3, ông Trần Thọ – Bí thư Đà Nẵng đã có buổi đối thoại với trên 500 thanh niên, đại diện cho trên 300 ngàn thanh niên trên toàn địa bàn Đà Nẵng. Với chủ đề “Thanh niên với năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, hàng chục ý kiến của lực lượng Thanh niên Đà Nẵng đã được lãnh đạo lắng nghe và giải đáp.
“Chúng ta đối thoại thẳng thắng, cởi mở, chân tình, có trách nhiệm. Cái gì đáng khen thì nâng niu trân trọng, cái gì đáng chê thì cứ mạnh dạn chê; có tin cậy và có trách nhiệm với nhau. Các cơ quan nhà nước sau khi nghe đối thoại phải có trách nhiệm với tuổi trẻ, đồng thời tuổi trẻ cũng phải có nghĩa vụ đối với thành phố”, Bí thư Đà Nẵng mở đầu buổi đối thoại.
Bí thư Đoàn Thanh niên ĐH Đà Nẵng – Nguyễn Đức Tiến – mở đầu với 3 đề nghị: Xúc tiến chuyên mục truyền hình riêng cho thanh niên Đà Nẵng, cần có thiết chế văn hóa cho thanh niên để là nơi tập hợp thanh niên và đề nghị xử phạt thật nghiêm người vi phạm giao thông.
Anh Nguyễn Đình Trung – Bí thư Chi đoàn Thanh niên Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng thì băn khoăn khi đưa ra ý kiến về ý thức người tham gia giao thông chưa cao như thấy CSGT thì chấp hành, còn không thấy CSGT thì vượt đèn đỏ, đỗ xe trên làn đường dành cho người đi bộ… Chúng ta hãy lên tiếng với hành vi không văn hóa trong giao thông.
Qua các ý kiến ban đầu của Thanh niên, Bí thư Đà Nẵng cho biết, qua theo dõi danh mục công tác Thanh niên có nhiều công việc nghe hấp dẫn, ví dụ như Công viên Thanh niên. Trong nhiệm kỳ này chúng ta phải làm cho xong công viên thanh niên nhưng chúng ta đã làm đến đâu, lỗi đó thuộc về ai, lỗi đó chính quyền cũng có, đầu tư chưa cân nhắc…
Bí thư Đà Nẵng cho biết có nghe thông tin sân tập golf trong khuôn viên đất để xây dựng Công viên Thanh niên để cỏ mọc um tùm, trâu bỏ chăn thả tự do, nhếch nhác… Ông chính thức đặt hàng giao cho tuổi trẻ hiến kế đề xuất sử dụng có hiệu quả khu “đất bạc” ở đây, tạo dấu ấn cho công trình văn hóa của thanh niên.
Còn thiết chế văn hóa, theo Bí thư Đà Nẵng hiện nay đúng là thiếu. Ông Thọ nói: “Thành phố đã tự kiểm điểm thế này: Đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng khá, tốt; đầu tư cho phát triển kinh tế khá, tốt; đầu tư cho chương trình an sinh xã hội bài bản nhưng đầu tư cho văn hóa nói chung, trong đó có thiết chế văn hóa nói riêng chưa tương xứng với đầu tư cho các lĩnh vực khác nên nếu kéo dài tình trạng này, Đà Nẵng sẽ phát triển nhưng không bền vững. Vậy nên đầu tư cho văn hóa tăng lên 1,5 lần trong năm 2014 so với 2013, 2015 tăng lên 3 lần.
Ông Thọ cũng thông tin đầu tư cho mỗi quận từ 1-2 công trình văn hóa và hiện nay một số nơi đang triển khai. Ngay ở TP, trong khó khăn về đầu tư công, một số công trình của xã hội đã tham gia; còn về TP đã đầu tư nâng cấp nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, xây mới Thư viện Đà Nẵng, xây dựng Cung văn hóa thiếu nhi… Tất cả các cái này đã khởi công, sẽ khởi công và chắc chắn sẽ khởi công trong năm nay.
Đối với vấn đề vi phạm giao thông, Bí thư Đà Nẵng điểm qua: có 3 lứa tuổi như người già, thanh niên và trẻ em thì trong đó thanh niên vi phạm giao thông nhiều nhất như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, đi ngược chiều. Vừa nói xong, ông Thọ đưa lên tấm hình chụp 5-6 thanh niên “bu” sau một chiếc xe gây mất an toàn giao thông.
Ông Trần Thọ kể chuyện ở Lào họ chấp hành luật giao thông rất tốt: “Người Lào họ thân thiện, thật thà lắm. Họ chấp hành trật tự an toàn giao thông nghiêm khắc lắm. Khi đoàn xe của lãnh đạo đi qua nghe còi hú từ phía xa tất cả mọi người tham gia giao thông từ trẻ con cho tới người lớn tuổi họ dừng lại đứng qua bên lề để cho đoàn xe đi qua rồi họ mới đi.
Đến ngã ba, ngã tư thì họ dừng lại họ nhìn thông thoáng rồi họ mới đi, không bao giờ người ta vượt qua mặt mình hết. Trên đoạn đường đi thế mà nhìn thấy một số xe vượt qua đoàn xe của lãnh đạo, quan khách thì nhìn thấy biển số những xe này toàn là biển số xe của Việt Nam. Nói thế để thấy mình thua xa các bạn Lào về gìn giữ an toàn trật tự giao thông.
Nhiều vấn đề cán bộ đoàn ở cấp xã phường làm Bí thư hay Phó Bí thư bức xúc như cả chục năm mà không có bằng chính quy thì không được quy hoạch, không biết đi đâu về đâu khi họ không có chuyên môn… Bạn Dương Thị Kiều Trinh thắc mắc mình đã làm Bí thư đoàn phương Đoàn phường Nam Dương được 12 năm nhưng sau này không biết đi làm ở đâu vì không được vào biên chế Nhà nước.
Về vấn đề này, ông Trần Thọ yêu cầu các cơ quan của TP Đà Nẵng phải uyển chuyển vận dụng các quy định của pháp luật cho phù hợp để không làm thiệt thòi đối với các cán bộ đoàn như bạn Kiều Trinh, giải quyết cho vào biên chế. Năm 2015, kết thúc câu chuyện hợp đồng này.
Nhiều vấn đề như bảo vệ Bán đảo Sơn Trà để bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu, bảo vệ môi trường để thu hút thêm du khách đến Đà Nẵng tham quan. Hay như vỉa hè vừa được làm đã có đơn vị đào lên làm lại để xe vào cơ quan cho tiện, đời sống tinh thần của công nhân khu công nghiệp còn nghèo nàn… Tất cả những việc này, Bí thư Trần Thọ đều yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra.
Chỉ hơn 3 giờ đồng hồ không đủ để lực lượng Thanh niên Đà Nẵng nói lên hết các ý kiến, nguyện vọng của mình nhưng cũng làm thỏa mãn phần nào đối với các bạn tham dự. Tại buổi đối thoại, Bí thư Đà Nẵng cũng cung cấp địa chỉ email tranthotudn@gmail.com để nhận phản ánh của thanh niên nói riêng và người dân nói chung.
Cuối cùng, Bí thư Trần Thọ nhắn gửi với lực lượng thanh niên Đà Nẵng: “Chúng ta phải giữ gìn và phát huy ngọn lửa trong thanh niên, trong tuổi trẻ; niềm đam mê cháy bỏng và khát vọng lớn lao. Tuổi trẻ TP Đà Nẵng phải động não để hiến kế, để xây dựng TP thân thiện”.
Công Bính