“Bệnh” thờ ơ của giới trẻ Việt

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 27/03/2006
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Ngẫm ra, năm 1941 Bác Hồ về nước, cùng lúc đó Hai Bà Trưng vẫn đang cưỡi voi tung hoành đánh giặc khắp nơi! Kiến thức về lịch sử cười ra nước mắt như thế, chúng ta đã bàn nhiều. Song thực tế hiện nay còn rất nhiều, rất nhiều 8X, 9X không thể phân biệt nổi Ban chấp hành trung ương Đảng, Ban Bí thư, Bộ Chính trị; không biết Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp là như thế nào. Tóm lại là cứ rối tinh lên cả.

Chuyện rằng, một 8X đầy nhiệt huyết, tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học ngoại thương, nộp hồ sơ dự tuyển vào Toyota Việt Nam. Đến phần thi trắc nghiệm kiến thức xã hội, có câu hỏi: “Chủ tịch nước Việt Nam hiện nay là ai?” và “APEC 2006 diễn ra ở Việt Nam vào tháng mấy?”. 8X này đã không ngần ngại trả lời: “Bác Nông Đức Mạnh là… Chủ tịch nước” và đành phải “Sorry, I don’t know” (Rất tiếc, tôi không biết) cho câu hỏi thứ hai.

Tôi cũng là một 8X, nhưng đành phải “thú nhận” rằng có những lỗ hổng thiếu hụt về kiến thức thời sự kinh tế – chính trị – xã hội của một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ chúng tôi.

Có thể biện minh, rằng đa số các 9X đang lao vào guồng quay của những lớp học (học chính, học thêm, rồi học tại nhà…) để nỗ lực vào trường tốt, tìm học bổng, hướng tới mục tiêu vào đại học; còn các 8X sinh viên thì 7 giờ tối vẫn mải miết ngoài đường phố, không học thêm tin học, ngoại ngữ, thì cũng đang cùng người yêu, bạn bè tận hưởng buổi tối xả hơi sau một ngày học tập căng thẳng.

Nếu có đọc báo, xem truyền hình, lướt web thì 8X, 9X cũng có xu hướng tìm đến những góc giải trí, những thông tin về đĩa CD, bộ phim mới, những phiên bản game, hay chít chát với bạn bè. Chứ mấy ai định tìm hiểu xem VIệt Nam hôm nay có sự kiện gì, Quốc hội đang họp thông qua dự thảo luật nào, tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam đã đi đến đâu, để từ đó đặt ra những câu hỏi tại sao, như thế nào, nhằm chuẩn bị hành trang cho mình một cách tự tin.

Có thể đổ lỗi rằng mình phải dành thời gian để tập trung cho chuyên môn. Chuyên môn của dân khối tự nhiên, kỹ thuật lại thiếu hụt kiến thức xã hội, thiếu khả năng diễn đạt, trình bày. Chuyên môn của khối xã hội lại thiếu hụt khả năng khai thác thông tin trên internet, khả năng tiếp cận công nghệ, tư duy logic…

Khả năng nghe nói ngoại ngữ của các 8X, 9X kém, có một nguyên nhân đáng nói là do “không có gì để nói” hoặc “không biết nói gì”, nên không thể thực hành ngoại ngữ. Nếu nắm được thông tin cập nhật của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội, và biết phân tích sự kiện từng ngày, từng tháng thì vốn kiến thức của 8X, 9X ấy sẽ luôn đầy ắp, và chẳng có topic nào khiến chúng ta phải đầu hàng cả.

Có thể đổ lỗi cho nền giáo dục nói chung, mà cụ thể là những cuốn sách giáo khoa và những bài giảng nhàm chán trên giảng đường. Tuy nhiên, hãy thử nhìn lại xem, những chỉ số phát triển kinh tế xã hội, vị trí của Việt Nam hiện nay ở đâu, tại sao Việt Nam cần phải cải cách, Việt Nam cải cách đến đâu và như thế nào, vấn đề tài chính, ngân hàng, các tranh cãi về giá cả điện nước, viễn thông, bạn bè quốc tế nghĩ gì, cần gì ở Việt Nam… không thể thường xuyên được cập nhật vào sách giáo khoa. Các thầy cô giáo cũng không phải là nguồn cung cấp thông tin, bởi họ còn phải truyền đạt quá nhiều kiến thức cơ bản cho học sinh trong một tiết học.

Cũng có thể bào chữa rằng, chuyện chính trị không phải là chuyện của tuổi chúng mình, bọn mình chỉ học để sau này làm giàu thôi. Song, các bạn không để ý rằng các chính trị gia nổi tiếng lại là các học giả uyên thâm về kinh tế, pháp luật; rằng chuyện “chính trị” thật ra không chỉ là chuyện của Đảng, Nhà nước mà là chuyện liên quan đến lợi ích thiết thân của mỗi công dân.

Sự thờ ơ với các vấn đề kinh tế chính trị, xã hội có lẽ còn do chính bản thân 8X, 9X chưa hiểu hết tầm quan trọng, sự cần thiết phải có những kiến thức ấy trong thời đại ngày nay.

Cách đây 4 năm, thời còn là học sinh phổ thông trung học, tôi cũng vậy. Cứ 7 giờ tối ăn xong là ngồi vào bàn học, không biết đến chương trình thời sự là gì. Tôi cũng đọc báo, đọc nhiều là đằng khác, nhưng chỉ coi báo chí là trò giải trí. Còn bây giờ, tôi đang nỗ lực hàng ngày để bù đắp khoảng trống thờ ơ đó.

Khi đã hình thành một thói quen tìm hiểu thông tin, xâu chuỗi và nhìn nhận, phân tích sự kiện, tôi đã thấy rất nhiều đổi thay, đã thêm hiểu và thêm yêu thực tế cuộc sống trên quê hương mình. Chỉ cần có kiến thức xã hội, bạn 8X kia sẽ dễ dàng vượt qua các vòng kiến thức xã hội (quan trọng không kém các vòng thi IQ, GMAT, tiếng Anh, nghiệp vụ) của các tập đoàn, các công ty nước ngoài như Toyota, Honda, LG… một cách xuất sắc.

Trong các buổi thảo luận, thậm chí chỉ là chuyện phiếm với bạn bè, bạn sẽ có nhiều thông tin để trao đổi, sẽ thấy mình hoà nhập dễ dàng với mọi chủ đề, và sẽ có lúc bạn nhận được một lời khen: “Ồ, cậu hiểu biết rộng thật”, “Cậu đọc ở đâu mà hay thế?”… tự hào không nhỉ?

Nếu bạn coi mình là con người của xã hội hiện đại, thì thành công của bạn được quyết định bởi tri thức và thông tin bạn có. Thông tin xã hội thậm chí sẽ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của bạn. Nếu bạn có thông tin, bạn sẽ biết được rằng Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới còn quản lý dân cư bằng hộ khẩu (trước đây Trung Quốc cũng dùng hộ khẩu song hiện nay đã bắt đầu bỏ dần ở một số tỉnh, thành phố). Quốc hội Việt Nam đang bàn bạc về Luật cư trú (đề cập đến quyền tự do cư trú còn bị cuốn sổ hộ khẩu hạn chế).

Các bạn sẽ đoán biết được, rằng chỉ trong nay mai thôi các bạn sẽ không còn phải lo về vấn đề hộ khẩu, sẽ không cần phải có hộ khẩu thì mới làm được sổ đỏ, mới đăng kí được xe, mới kiếm được việc làm ở các thành phố lớn…; và cũng không vì cuốn sổ hộ khẩu mà các nữ sinh ngoại tỉnh sau khi ra trường phải chăm chăm kiếm một anh chồng người Hà Nội để được nhập hộ khẩu thành phố.

Các bạn sẽ biết Việt Nam đang từng bước học hỏi như thế nào, khi FDI, ODA và các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến thị trường Việt Nam, khi thị trường chứng khoán Việt Nam sau 5 năm ốm yếu giờ đã sắp có các tổng công ty lên sàn giao dịch…

Nhìn ra bạn bè thế giới, khi giới trẻ Mỹ, Nhật, Hàn và Trung Quốc rất quan tâm đến giới lãnh đạo, đến tình hình nước họ, thì giới trẻ Việt Nam vẫn rất thờ ơ, lãnh đạm và coi như chẳng liên quan đến mình. Đó là sự thờ ơ nguy hiểm, bạn có thấy vậy không? Bởi không ai khác ngoài giới trẻ Việt Nam, ngoài tôi, ngoài bạn phải có trách nhiệm và góp phần vào sự chuyển động của đất nước mình.

Theo Vietnamnet

Exit mobile version