Bế mạc Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần I

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 11/06/2012
Lần cập nhập cuối: 09/02/2021

Trước đây 5 năm một lần định kỳ, Bộ Văn hóa tổ chức các cuộc thi, liên hoan nhạc cụ truyền thống, các đối tượng tham dự chỉ là các nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn Ca múa nhạc, các HS, SV, các đơn vị đào tạo như Nhạc viện, các trường cao đẳng, trung cấp nghệ thuật trên toàn quốc nên liên hoan lần này là lần đầu tiên mở rộng đối tượng tham gia. Ngoài các đơn vị nghệ thuật nói trên còn có các nghệ sĩ, các dàn nhạc dân tộc truyền thống thuộc lĩnh vực sân khấu kịch hát như Tuồng, Chèo, Cải lương, Ca kịch, Bài chòi… Chủ trương này đã đáp ứng được nguyện vọng của các nghệ sĩ, thông qua liên hoan có dịp được học tập, phấn đấu tập luyện nâng cao trình độ chuyên môn.

Đội thông tin văn nghệ Khmer Bạc Liêu – đơn vị ở xa nhất và độc đáo nhất được chọn trình diễn đầu tiên trong đêm trao giải

Liên hoan lần I này có 19 đơn vị nghệ thuật với gần 400 nghệ sĩ tham gia; 4 đoàn nghệ thuật Trung ương (thuộc BỘ VHTTDL), 4 đoàn của Hà Nội, 4 đoàn của Huế, 2 đoàn của Bình Định, còn lại mỗi tỉnh có 1 đoàn như Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, Trường ĐH VHNT Quân đội, Đội Thông tin Khmer Bạc Liêu. Đa số nghệ sĩ còn rất trẻ, một số nhỏ có độ tuổi trung niên, đặc biệt có một số nghệ nhân và nghệ sĩ cao tuổi tham gia.

Trong 19 chương trình có 100 tiết mục gồm các thể loại độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tuyệt, hòa tấu… Hình thức biểu diễn rất phong phú, đa dạng. Một số tiết mục được phụ họa bằng hát đơn ca hoặc tốp ca, phụ họa bằng múa… Có tiết mục còn có cảnh trí sân khấu tạo không gian, khung cảnh để khán giả không chỉ thưởng thức bằng nghe nhạc mà còn được xem diễn xuất sân khấu.

Lý ngựa ô – tiết mục có nguồn gốc từ Huế đã được các thầy cô trường ĐH VHNT Quân đội biểu diễn phối lại rất hay và nhuần nhuyễn

Có tất cả 3 dòng nhạc. Chiếm nhiều nhất với tỷ lệ 70% là những làn điệu, bài bản cổ truyền được trình diễn đúng như nguyên gốc như các nghệ nhân tiền bối đã diễn. Dòng những làn điệu cổ truyền được cải biên nâng cao, phát triển chiếm 20%. Và ít nhất là những sáng tác mới kế thừa tinh hoa cổ truyền chiếm 10%. Nội dung tư tưởng của dòng 1 là trích đoạn trong các vở Tuồng, Chèo, Cải lương kinh điển… còn dòng 2 và 3 là ca ngợi đất nước, quê hương, con người Việt Nam

NSND Nhạc sĩ Trần Quý – Chủ tịch hội đồng giám khảo Liên hoan cho biết: “Chúng tôi nhận thấy trình độ biểu diễn của các nghệ sĩ khá chuyên nghiệp, hầu hết tác phẩm đều được thể hiện đầy đủ nội dung đề tài. Về âm nhạc, có 2 yếu tố cơ bản là sự chuẩn xác về cao độ âm thanh, đồng đều về tiết tấu thì các nghệ sĩ đã diễn tấu khá tốt, tuy nhiên cũng có một số nhỏ chưa đạt được yêu cầu. Kỹ thuật diễn tấu tập thể trong hòa tấu, cùng với sắc thái to nhỏ, phân câu, phân đoạn cũng rõ ràng lành mạch. Điều quan trọng là các nghệ sĩ diễn tấu có hồn, đúng phong cách đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật, Chèo ra chèo, Tuồng ra tuồng, Cải lương ra cải lương, không lẫn lộn, lai tạp, nhất là đối với các tác phẩm nguyên gốc cổ truyền. Ở dòng nhạc sáng tác mới có nhiều tìm tòi, sáng tạo, hấp dẫn.
 
Phương pháp diễn tấu ngẫu hứng, biến hóa lòng bản của âm nhạc cổ truyền cũng được thực hiện khá thành công. Hội đồng giám khảo đã làm việc đúng quy chế của liên hoan với tinh thần thận trọng, khách quan, vô tư trong nhận xét đánh giá, cho điểm. Trước khi cho điểm chúng tôi đều trao đổi, thảo luận từng tiết mục để đạt được sự chuẩn xác”.

NSND Nhạc sĩ Trần Quý – Chủ tịch hội đồng giám khảo nhận xét về chất lượng Liên hoan âm nhạc truyền thống các dân tộc Việt Nam lần I

Ban tổ chức qua liên hoan này cũng có đề xuất 2 kiến nghị là: Thứ nhất, nên tổ chức liên hoan theo định kỳ 3 năm 1 lần và nên thông báo trước 1 năm để các đơn vị nghệ thuật trong cả nước có nhiều thời gian chuẩn bị. Thời gian và địa điểm cũng cần cân nhắc để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia. Thứ hai, đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để ngoài việc đưa tin còn cung cấp những thông tin về sự thành công của liên hoan này nhằm thu hút các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc tham giam những lần liên hoan sau.

Tiết mục đậm chất Huế với áo dài tím, nón lá của Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế

Kết thúc chương trình, ban tổ chức đã trao 18 huy chương vàng (giá trị 5 triệu đồng/huy chương) và 17 huy chương bạc (giá 3 triệu đồng/huy chương) và 3 giải khác. Các tiết mục đạt Huy chương vàng gồm Hòa tấu dàn nhạc, trích đoạn Thị Mầu – Tập thể dàn nhạc Nhà hát chèo Thái Bình; Độc tấu trống Đêm hội múa rối – NS. Phạm Đình Dũng, Nhà hát múa rối Thăng Long; Độc tấu trống Ngẫu hứng Xúy Vân – NS. Đình Cương, Nhà hát chèo Thái Bình; Độc tấu đàn bầu Nhịp điệu quê hương – NS. Phạm Tố Lan, Nhà hát múa rối Thăng Long; Song tấu trống kèn Khí tiết – NS. Thành Nam, NS Quốc Chí thuộc Nhà hát Ca múa Nhạc Thăng Long Hà Nội; Hòa tấu Bến nước đời người – Liên khúc chèo (Tải lương – Gà rừng) – Dàn nhạc Nhà hát chèo Hải Dương; Độc tấu đàn bầu Xúy Vân – NS. Trần Thị Hương Giang, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Hòa tấu dàn nhạc ngũ âm của dân tộc Khmer Âm vang ngày hội (phát triển chất liệu âm nhạc dân tộc Khmer) – Các nghệ sĩ Thạch Minh Luân, Thạch Si Phool, Kim Văn Đồi, Chau Út, Kiên Nô, Lý Chiến, Sơn Huỳnh Sai, Thạch Ngọc Hiền, Trịnh Văn Trọn thuộc Đội thông tin văn nghệ Khmer Bạc Liêu;

Đại diện 19 đoàn nhận bằng khen từ Ban tổ chức

Trống mở màn – Dàn nhạc Nhà hát Cải lương Việt Nam; Hòa tấu tác phẩm Múa ngựa – Dàn nhạc Nhà hát Tuồng Việt Nam; Nhóm Tứ tuyệt Tứ Đại Cảnh (nhạc thính phòng Huế) – Học viện Âm nhạc Huế; Đất võ quê tôi – NS. Triều Dâng và dàn nhạc, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Bình Định; Về với cội nguồn: Tổ khúc nhạc tuồng, Trích đoạn Lưu Kim Đính hạ sơn – Tập thể dàn nhạc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng; Tam tấu gõ dân tộc Ngẫu hứng nhịp chèo – NSƯT Xuân Bắc, Công Thành, Quang Vũ – Trường Đại học VHNT Quân đội; Hòa tấu chèo Hát cách – Dàn nhạc Nhà hát chèo Hà Nội; Diễn tấu bộ gõ Ngẫu hứng thượng đường – NS. Nguyễn Anh Tuấn, Nhà hát chèo Việt Nam; Hòa tấu dàn nhạc: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo lớp 1 (vọng cổ câu 1,2,3), Lý chim xanh – Dàn nhạc Nhà hát Cải lương Hà Nội; Hòa tấu Nhạc Tuồng – Tập thể dàn nhạc Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế.

18 tiết mục nhận Huy Chương Vàng

3 giải khác gồm Giải Nhạc sĩ có nhiều tác phẩm trình diễn hiệu quả; Giải Dàn dựng chương trình có hiệu quả và Giải nghệ sĩ biểu diễn đã trao cho 13 nghệ sĩ từ 19 đoàn.

Nghệ sĩ Bùi Thị Phương Nhung – Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Hà Nội nhận giải nghệ sĩ biểu diễn với trình diễn đàn tranh hiệu quả đang biểu diễn lại độc tấu đàn tranh tại đêm bế mạc liên hoan.

Đại Dương

Exit mobile version