Bánh canh Nam Phổ Huế

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 03/09/2013
Lần cập nhập cuối: 06/01/2021
Nam Phổ là một ngôi làng thuộc huyện Phú Vang – Thừa Thiên Huế. Vùng đất này rất nổi tiếng về cau Nam Phổ và con gái Nam Phổ, nhưng được nhiều người biết đến hơn cả là bánh canh Nam Phổ vì huơng vị của loại bánh canh này rất đặc trưng, không nơi nào có được. Dù đơn giản nhưng để nấu được nồi bánh canh Nam Phổ cũng khá công phu. Tôm và thịt heo mua về được trộn đều, giã nhỏ, ướp gia vị vừa phải. Trong khi nấu có trộn lẫn một ít hạt điều để tạo màu, tạo thêm sự hấp dẫn cho nồi bánh canh.
 
Bánh canh Nam Phổ 

Nguyên liệu gồm: Bột gạo, bột lọc, cua gạch, tôm, giò sống, thịt ba chỉ, nước mắm ruốc, hành ngò, hành tím, ớt xanh, gia vị, dầu ăn.

Cho bột gạo và nước theo tỉ lệ 1:1,5 ; trộn đều, sau đó lọc hỗn hợp bằng ray để loại bỏ tạp chất.

Luộc tôm và cua, cho vào nồi một ít hạt nêm. Sử dụng nước luộc này để làm nước lèo.

Vớt tôm và cua ra ngoài, tôm bóc phần vỏ, chỉ lấy phần thịt. Cua lấy phần gạch trộn với hành tím băm nhỏ tạo màu sắc cho món ăn, phần thịt băm nhỏ. Thịt heo băm nhuyễn.

Trộn đều hành tím (băm nhỏ), tôm, cua, thịt heo, giò heo với nhau và nêm gia vị, trộn đều. Sau đó dùng tay tách nhỏ để gia vị đều nhau.

Cho hỗn hợp nước và bột gạo vào xoong, chưng cách thủy. Lưu ý: khi chưng cách thủy, không nên để nhiệt độ quá cao, chỉ nên để từ 60 – 700C và phải dùng đũa khuấy đều và liên tục hỗn hợp vì nếu không, hỗn hợp này sẽ mau dính ở phần xoong. Khi nhìn thấy hỗn hợp đã sền sệt và có màu đục thì ngừng khuấy và nhắc xuống.

Nấu một nồi nước sôi. Lấy một bọc ni lông, cắt ngay góc bao một lỗ nhỏ bằng chiếc đũa, sau đó cho phần bột trên vào bọc ni lông và ray vào nồi nước đang sôi, để khoảng 2 phút thì vớt sợi bánh ra.                               

Hòa nước với bột lọc.

Xào phần gạch cua.

Nêm gia vị vào nước luộc tôm và cua, cho phần tôm cua thịt vào, và sau đó cho hỗn hợp nước và bột lọc vào để tạo độ sánh, cho một ít màu điều, hành lá, và cuối cùng là bỏ phần gạch cua vào để tạo màu sắc cho món ăn.

Cho phần sợi bánh vào nồi nước nhân, múc ra bát và cùng gia đình thưởng thức món ăn này.

Thưởng thức xong món ăn này ta mới nhận ra một điều rằng món ăn ngon không phải ở những thứ cao sang mà ngon ngay cả ở những món ăn dân giã đời thường, khi người nấu đặt hết tình cảm của họ vào trong đó.

Thanh Hằng

Exit mobile version