Hưởng ứng trào lưu “thách thức dọn rác”, hơn 100 bạn trẻ Ninh Thuận đã tổ chức thu gom rác thải ở vịnh Vĩnh Hy, vịnh biển tuyệt đẹp nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận. Các bạn phải tổ chức đội lặn xuống biển để vớt rác dính trong các rặn san hô.
Vĩnh Hy được biết đến là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Thuận, thu hút nhiều du khách tham quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây do ngày càng có nhiều khách đến du lịch và thiếu ý thức đã xả rác bừa bãi, dẫn đến bãi biển tuyệt đẹp này xuất hiện nhiều bãi rác thải, đặc biệt là các túi nilon.
Trong cái nắng gay gắt của ngày đầu tháng tư ở vùng đất “gió như Phan, nắng như Rang”, các tình nguyện thuộc Câu lạc bộ Du lịch Ninh Thuận và nhóm Saigon Compass vẫn trần mình đi khắp bãi biển để thu gom rác thải. Các bạn trẻ tập trung thu gom tại các khu vực có nhiều rác như bờ kè, bãi Hõm… Đặc biệt là tại các rặng san hô thuộc các bãi Hòn Rùa, Mũi Cá Heo, bãi Câu, Bãi Ông Thịnh. Đây là những địa điểm có san hô cực kỳ đẹp mà du khách thường đến ngắm nhìn qua tàu đáy kính nhưng hiện lại xuất hiện nhiều rác thải, nhất là bao nilon.
Các tình nguyện viên thu gom rác khu vực bờ kè vịnh Vĩnh Hy:
Chị Trang – Trưởng nhóm tình nguyện viên TPHCM, chia sẻ: “Để việc thu gom rác thải đạt hiểu quả, chúng tôi phân chia rác thải thành 5 loại, bao gồm: bị xốp và túi ni lông, thức ăn và xác động vật, chai nhựa, hộp sữa, pin và rác điện tử. Với các loại rác tái chế được như chai nhựa, lon bia, hộp sữa sẽ được tập kết lại và cho chị thu mua ve chai. Đối với rác là thức ăn hoặc xác động vật được chôn xuống đất. Với bao bì ni lông sẽ được thu gom và chở về nhà máy xử lý rác thải”.
Ngoài rác thải có thể nhìn thấy trên bờ biển thì còn có rất nhiều rác nằm dưới mặt nước biển cũng khá nhiều. Các tình nguyện viện phải dùng cào cỏ để móc và kéo rác từ dưới biển lên. Và càng khó khăn hơn khi thu gom thu gom rác khu vực rạn san hô.
Hình ảnh Bãi Cóc (thuộc vịnh Vĩnh Hy) trước và sau khi được thu gom rác thải
Anh Lê Văn Lực – một thành viên trong đội lặn nhặt rác ở rạn san hô, chia sẻ: “Nhặt rác ở san hô khá khó khăn. Chúng tôi phải lặn xuống ở độ sâu khoảng 5m đến 7m. Rác ở dưới rạn san hô đa số là lon bia, lon nước ngọt, hộp sữa. Và đặc biệt là nhiều lưới cá mắc vào san hô, việc gỡ lưới ra khỏi san hô mất rất nhiều thời gian”.
“Khi bị rác bám vào thì san hô không phát triển, sẽ chết dần. Chúng tôi mong muốn góp chút công sức của mình để những rặng san hô sẽ hồi sinh trở lại, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái của biển và du khách sẽ được ngắm những “bông hoa biển xinh đẹp” khi đến vịnh Vĩnh Hy”, anh Lực chia sẻ thêm.
Lặn xuống vớt rác, “cứu sống” các rạn san hô:
Thấy hoạt động ý nghĩa của các bạn trẻ, nhiều người dân sinh sống quanh khu vực bờ kè vịnh Vĩnh Hy, khách du lịch đến đây nghỉ dưỡng cũng tích cực tham gia.
Chị Nguyễn Thị Lòng (ngụ thôn Vĩnh Hy) cho biết: “Do còn một số bà con có ý thức bảo vệ môi trường chưa cao nên đã vứt rác ra biển. Họ cứ nghĩ nó trôi ra biển là xong, ai ngờ nó tấp vô lại. Hôm nay có đoàn tình nguyện viên về dọn dẹp rác như thế này tôi rất là vui. Bản thân tôi cũng thường xuyên tham gia vệ sinh môi trường ở đây. Tôi cũng muốn người dân Vĩnh Hy nhìn thấy việc làm này mà làm theo, không vứt rác bừa bãi, để Vĩnh Hy luôn sạch đẹp”.
Chị Nguyễn Thị Lòng (ngụ thôn Vĩnh Hy) cùng tham gia thu gom với Đoàn
Ông Jonh (du khách Mỹ) chia sẻ: “Tôi rất thích vịnh Vĩnh Hy. Tôi yêu nơi này! Tôi tham gia thu gom rác thải cùng các bạn với mong muốn làm cho nơi này xanh, sạch và đẹp hơn”.
Nhiều du khách nước ngoài khác cũng tích cực tham gia phong trào như ông Jonh:
Anh Châu Thanh Đào – Chủ nhiệm CLB Du lịch Ninh Thuận, cho biết: “Mặc dù rất mệt nhưng chúng tôi đã có một ngày ý nghĩa. Sau hoạt động này, chúng tôi sẽ duy trì và huy động các doanh nghiệp, người dân tham gia việc thu gom, phân loại và xử lý rác hàng tháng. Bố trí các thùng đựng rác ở những nơi thuận tiện cho du khách bỏ rác. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho các doanh nghiệp, người dân địa phương và du khách luôn có ý thức giữ gìn môi trường, để Vĩnh Hy luôn xứng đáng là một vịnh đẹp nổi tiếng trong và ngoài nước”.
Đức An