Sáng 9/8, tại trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, HN) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Chihiro & Totto-chan” của nữ họa sĩ Iwasaki Chihiro. Triển lãm vào cửa tự do và được mở cửa từ ngày 9-31/08/2011.
Totto-chan cuốn hút người đọc nhờ tính chân thực mà cuốn sách mang đến. Đây là cuốn tự truyện ghi lại những ký ức có thật của nữ văn sĩ Tetsuko về những năm tháng thế chiến thứ II tại trường Tomoe.
Đây là ngôi trường mà nhiều phương pháp giáo dục không theo quy tắc đã được thực hiện. Việc kết hợp học tập với niềm vui, sự tự do và tình yêu ở ngôi trường này đã góp phần giúp cô bé Totto-chan (tên hiệu của tác giả) phát triển một cách tự nhiên và thành công trong cuộc sống.
Một lí do mà Totto-chan cuốn hút người đọc chính là nhờ những bức tranh minh họa trong cuốn sách của nữ họa sĩ Iwasaki Chihiro. Sự gặp gỡ giữa nữ văn sĩ và nữ họa sĩ chính là tình yêu vô bờ bến với trẻ thơ.
Các bạn trẻ háo hức ngắm nhìn những bức tranh minh họa của họa sĩ Chihiro và những bạn trẻ may mắn đã được nhận cuốn tự truyện “Totto-chan” có kèm chữ ký của chính tác giả. 30 bức tranh được sắp xếp theo đúng thứ tự các chi tiết trong cuốn sách. Bên cạnh một số bức có trích đăng lại nội dung tự truyện bằng tiếng Việt và tiếng Nhật.
Khán phòng lặng đi khi đại diện của Việt Nam và Nhật Bản trích đọc “Totto-chan bên cửa sổ”. Người xem, người nghe xúc động khi cảm nhận về sự hết mình trong nghệ thuật, sự gặp gỡ kì diệu của Iwasaki Chihiro và Kuroyanagi Tetsuko – những người suốt cuộc đời cống hiến cho đôi môi chúm chím, đôi mắt trong sáng và tiếng cười trẻ thơ.
Bạn Lê Thị Ngọc Ánh, SV của ĐH Văn hóa HN chia sẻ: “Ngày trước em học trường Dân lập và các bạn nói rằng em có môi trường học như vậy thì em sẽ có một cách khá là độc lập giống Totto-chan, em rất vui khi được các bạn nhận xét thế.
Em rất cảm mến thầy hiệu trưởng của trường Tomoe, vì thầy rất yêu trẻ con. Thầy hiệu trưởng, cô Chihiro và họa sĩ, tác giả vẽ truyện tranh Doreamon là những người em yêu thích vì người ta có tình yêu vô hạn với trẻ con và người ta thể hiện bằng hành động chứ không phải chỉ bằng những lời nói suông và truyền tải rất nhiều thông điệp ý nghĩa.
Cuốn tự truyện “Totto-chan bên cửa sổ” rất có ích cho trẻ em và cả những người lớn. Nó cho thấy trẻ con cần một môi trường học tập không nên nặng về kiến thức mà quan trọng là làm người như thế nào để trẻ con độc lập và sáng tạo”.
Và những chuyển thể tiếng Việt của tác phẩm “Totto-Chan bên cửa sổ”.
Bài, ảnh: Phương Nhung