Cô gái có số phận kém may mắn ấy là Cao Thị Út (SN 1988), trú tại thôn Xuân Thành, xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Là con gái út trong gia đình có ba chị em, số phận không may mắn khi ngay từ lúc chào đời Út bị nhiễm chất độc da cam từ cha mình.
Tay thoăn thoắt đan những chiếc giỏ từ cói, thấy khách đến chơi bà Vũ Thị Thơm (SN 1959, mẹ em Út) gác lại công việc tiếp chuyện. Biết chúng tôi muốn được chia sẻ về người con gái của mình, mắt bà ánh lên niềm tự hào, vui vẻ.
Bà bảo: “Số phận không may mắn bắt con Út phải chịu nỗi đau da cam. Lúc mới sinh con, vợ chồng tôi cũng đau đớn lắm, thương cho số phận nghiệt ngã của con cũng thương cho đời mình. Năm tháng qua đi, giờ nỗi đau cũng phai mờ, có con Út ở cùng, ông bà tôi giờ lại có được niềm vui lúc tuổi già”.
Bà Thơm kể tiếp, chồng bà, ông Cao Văn Biền (SN 1952) nhập ngũ năm 1974, đến năm 1977 thì ra quân trở về quê. Cảm mến nhau, ông bà nên vợ nên chồng từ ngày đó. Niềm vui đến khi hai năm sau đứa con gái đầu lòng là Cao Thị Oanh ra đời, đến năm 1980 thì đứa con thứ hai là Cao Thị Oánh được hạ sinh.
Cả Oanh và Oánh khi sinh ra đều bình thường, lớn lên, đến nay đã lập gia đình và có cuộc sống riêng. Tuy nhiên, khi bà Thơm sinh người con trai thứ ba thì một sự biến đổi khác thường đã xảy ra. Chân tay của người con này cong teo, ngắn cũn, đầu cũng bị biến dạng, nhiều bộ phận trên cơ thể khác thường. Người con này hay quấy khóc và rất khó chăm nuôi. Chỉ bốn tháng sau thì qua đời.
Sáu năm sau đó, bà Thơm mang bầu và hạ sinh thêm người con gái. Khi Út chào đời, hình hài em cũng chẳng giống ai, chân tay ngắn cũn, teo tóp, cong queo, chiều dài chỉ hơn gang tay. Vượt qua những bất hạnh của cuộc đời, Út dần lớn lên trong tình thương yêu của cha mẹ.
27 năm trôi qua, thân hình Út chẳng có gì thay đổi, quanh năm ngày tháng em chỉ nằm bệt một chỗ, bàn tay bàn chân thì chỉ cựa quậy nhẹ được chứ không vươn ra xa hay cầm nắm được vật gì nặng. Toàn thân hình em chỉ dài khoảng 60cm.
Dù khiếm khuyết về hình thể nhưng trời lại phú cho Út sự thông minh hơn người. Các bộ phận trên đầu em vẫn phát triển bình thường, nói năng rất hoạt bát. Dù không được đến trường ngày nào nhưng nhờ xem ti vi, chị gái dạy sơ qua mà Út biết được mặt con chữ, đọc và viết thành thạo.
Thấy em nằm liệt giường hơn 20 năm, các chị của Út cũng rất thương em nhưng không có cách gì giúp đỡ. Qua bạn bè, người thân, biết được nhiều người khuyết tật hay kết nối với nhau qua mạng, năm 2010 chị gái đầu đã mua cho Út chiếc máy tính để em lên mạng học tập, giao lưu với bạn bè cùng cảnh ngộ.
Chỉ học trong thời gian ngắn, Út sử dụng thành thạo máy vi tính. Những ngón tay tật nguyền của em cầm chuột lướt mạng, sử dụng những ứng dụng trên máy tính rất chuyên nghiệp.
Cũng từ đó, Út gặp gỡ và biết được ở Hà Nội có một trung tâm tình thương giúp đỡ người khuyết tật làm tranh giấy, vượt qua số phận để vươn lên trong cuộc sống. Thuyết phục được bố mẹ, sau đó Út đã cùng mẹ ra tận Hà Nội đến trung tâm tình thương đó để học làm tranh giấy.
Mới vào nhà ông Biền, thấy những bức tranh giấy treo trang trọng trên tường, không ai nghĩ đó là những tác phẩm do cô gái da cam Cao Thị Út làm ra. Dù nằm liệt một chỗ nhưng đôi tay của Út rất khéo léo, chỉ sau hai tháng học em đã có thể mua nguyên liệu, nhận tranh về nhà tự làm rồi nhập cho trung tâm để bán.
Ban đầu, những bức tranh do Út làm ra được thực hiện theo mẫu và những mối hàng đặt trước, sau này em đã tự nghĩ ra cách lên mạng tìm tòi những hình ảnh đẹp, những hình ảnh về quê hương như: nhà thờ Phát Diệm, cầu ngói Kim Sơn, cuộc sống người dân quê… rồi em tự vẽ, cắt giấy dán thành những bức tranh đẹp và rất có hồn.
Bà con làng xóm xem tranh ai cũng thán phục bàn tay tài hoa của cô gái da cam này. Nhiều bức tranh đã được Út bán đi với giá từ 200 – 350 nghìn đồng, tùy vào mỗi bức có kích thước và nội dung mà có giá khác nhau. Út chia sẻ: “Mỗi tháng bán được hàng, từ tranh giấy em cũng kiếm được một đến hai triệu tiền lãi phụ giúp thêm cho bố mẹ”.
Thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ tranh ít, đầu mối thu mua ở Hà Nội chuyển địa điểm đi xa nên Út không bán được tranh. “Nhiều người xem tranh của em qua mạng hỏi mua nhưng em không dám nhận lời vì không thuận đường để gửi tranh, gia đình em cũng không có ai đi gửi nên em không làm nữa. Hiện em vẫn giữ những bức tranh lại, khi nào có người đặt em sẽ làm tiếp”.
Không làm tranh giấy nữa, thời gian gần đây Út chuyển qua bán hàng và làm việc qua mạng. Nằm liệt trên giường một chỗ, đến miếng ăn còn phải nhờ mẹ giúp thế nhưng, thông qua chiếc máy vi tính mà Út có thể giao dịch khách hàng ở khắp nơi. Em nhận hợp đồng giúp công ty máy tính tải ứng dụng các phần mềm cho điện thoại…
Nhờ công việc này, mỗi tháng Út cũng kiếm thêm được số tiền hơn 3 triệu đồng. Không ai nghĩ, cô gái da cam nằm liệt giường Cao Thị Út lại làm ra được số tiền lớn như vậy nên rất thán phục nghị lực của em.
Khi được hỏi chia sẻ về những ước mơ và dự định cho tương lai, Út chỉ cười và bảo: “Em như thế này thì dự định được gì. Sống sót, có sức khỏe là may rồi. Mong sao bố mẹ khỏe mãi để chăm sóc em những khi đau yếu để em có sức khỏe làm việc”.
Bà Thơm tâm sự: “Cháu nó mơ ước sẽ mở được một phòng tranh để trưng bày và bán. Ngoài ra, ước muốn của cháu là có thể mở được trung tâm đào tạo dạy làm tranh giấy cho những người cùng cảnh ngộ những khó thực hiện được. Cháu rất muốn giúp đỡ những người không may bị khuyết tật”.
Khi chia tay “cô gái da cam” chúng tôi nhớ mãi nụ cười hiền từ và vô tư của Út. Dù tật nguyền, nhưng em luôn lạc quan, yêu đời để vươn lên sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Mong sao Út sẽ bán được thật nhiều những bức tranh giấy làm từ đôi bàn tay bại liệt, em sẽ mở được trung tâm dạy nghề để giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ…
Thái Sơn