Đây cũng là nhóm ra đời sau nhưng biết đầu tư thương hiệu và mang tính thương mại cao hơn hẳn so với các nhóm làm parody clip Việt hiện nay.
Nắm bắt tâm lý mạng
Nguyễn Ngọc Hưng (Hưng Zino, sinh 1986, cựu sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM) là một trong số những bạn “khai sinh” chuỗi clip Thích ăn phở.
Hưng cùng với Tô Bửu Phát (Phở Đặc Biệt) và Hưng Vũ làm đạo diễn, hậu kỳ và một vài cộng tác viên đã cho ra đời “bát phở” đầu tiên mang tên Con trai con gái. Clip này được cư dân mạng đón nhận nồng nhiệt. Sau clip thứ hai làm về học sinh, nhóm cán mốc 1 triệu lượt xem trên YouTube. “Đến nay, “Phở” đã ra được 11 tập.
Sau thành công của các clip, nhóm nhận được rất nhiều lời mời quay lồng quảng cáo từ các nhãn hàng, cộng với nguồn thu từ YouTube, Thích ăn phở đã bắt đầu có thu nhập đủ để trang trải chi phí cho êkíp làm phim, cũng như thù lao cho cộng tác viên.
Các cộng tác viên như Phở Ngọc Thảo, Vloger Toàn Shinoda, Jvevermind tham gia vào “Phở” như một sản phẩm mới của các bạn. Chính nhờ những người trẻ có ảnh hưởng và có cộng đồng lớn trên thế giới mạng, rất nhanh chóng, “Phở” đã thành món ăn giải trí hài hước của một cộng đồng lớn cư dân mạng Việt.
Cách thức thu hút khán giả của Thích ăn phở khác các nhóm làm parody clip khác. “Phở” chủ yếu đánh vào sự so sánh quá khứ hiện tại (tuổi thơ ngày ấy – bây giờ), tính cách (con trai – con gái), tập trung vào những hình ảnh gần gũi thân thương mà ai cũng có (thời học sinh, thời sinh viên)…
“Làm thật ăn thật”
Đời sống mạng phong phú. Tâm lý háo hức tiếp nhận của giới trẻ trên mạng hiện nay là thời cơ để nhiều nhóm bạn sinh viên làm parody clip. Tiền quảng cáo sẽ đổ vào những nhóm có lượng fan lớn, biết cách thu hút cộng đồng cho mình.
Ở nước ngoài, nhiều nhóm – cá nhân kiếm được số tiền hàng triệu đôla từ những clip hài hước như vậy. Trong thực tế, sự phát triển của hình thức xem clip trên mạng ở Việt Nam tăng nhanh bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cơ hội của các nhóm làm clip chuyển từ “làm chơi” sang “làm chơi ăn thật” hay “làm thật ăn thật” là rất lớn.
Khó khăn nhất của một nhóm làm parody clip là nguồn ý tưởng, đổi mới cách tiếp cận khán giả trẻ thường xuyên và phải có định hướng lâu dài. Những clip đầu thường đơn giản, dễ làm, dễ được cộng đồng tiếp nhận.
Tuy nhiên, từ clip thứ ba trở đi, nếu bạn tự hài lòng với những cái cũ, cho ra đời những clip “nhai lại” sẽ bị khán giả so sánh, chê bai, thậm chí “ném đá”. Làm parody clip, phản hồi có thể thấy ngay qua “comment”, các nút “Like” hay “Dislike”.
Phản hồi của khán giả cần được người làm tôn trọng và rút kinh nghiệm vì khán giả không trực tiếp trả tiền cho nhóm làm clip nhưng nhãn hàng sẽ nhìn vào lượng khán giả theo dõi để trả tiền cho bạn.
Khác với các nhóm làm clip khác ở Việt Nam hiện thường ký hợp đồng với đối tác của YouTube trong nước, Thích ăn phở ký kết với một đơn vị là đối tác YouTube đang đặt trụ sở tại Mỹ nhưng thu nhập từ YouTube hiện nay chưa cao. Chủ yếu, “Phở” vẫn phải lấy tiền tài trợ từ nhãn hàng để làm clip.
Hưng Zino cho biết: “Tụi mình đang xem xét việc sản xuất các chương trình cho kênh YouTube tách biệt với làm truyền hình. Nhiều người cho rằng, tụi mình làm việc nhảm nhí nhưng thực tế, tụi mình đang xem nó như là công việc chính, “làm thật ăn thật”.
Theo Hương Thảo
Sinh viên Việt Nam