Bài học cuộc sống của cô gái Việt xuyên hành tinh

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 18/02/2011
Lần cập nhập cuối: 09/02/2021

Chu du đó đây mang lại cho Lan Anh nhiều thứ. Đó là những trải nghiệm, vốn sống, hiểu biết về các nền văn hóa, phong tục tập quán, con người các nước và đặc biệt là có thể phát triển kỹ năng ngoại ngữ. Tiếng Anh thông thạo, ngoài ra Lan Anh có thể giao tiếp bằng tiếng Hà Lan, tiếng Trung, Tây Ban Nha.

 

Lan Anh tại Ecuador.
 

Hầu hết các nước Nam Mỹ đều sử dụng tiếng Tây Ban Nha nên Lan Anh dành một tháng ở Chile để vừa đi làm thêm vừa học tiếng. Cô xin việc tại một Cty về du lịch tại đảo Chiloe (Chile), ngày làm việc 12 tiếng, tối về nấu ăn và tự học tiếng. Có những đêm đi làm về mệt, cô ôm sách ngủ thiếp đi.

 

“Tôi không có tiền để đi học, cũng không có tiền để mua sách học. Tôi gặp một người bạn Mỹ cùng cảnh ngộ, hai người nương tựa vào nhau, cô ấy cho tôi mượn sách để học”, Lan Anh chia sẻ.

 

Tiếng Tây Ban Nha học vội đã giúp cô tồn tại trong những tháng ngày ở Nam Mỹ. Đến Brazil, người dân hầu hết nói tiếng Bồ Đào Nha, nhưng họ cũng có thể hiểu tiếng Tây Ban Nha.

 

Và tại làng nổi trên hồ Titicaca (Peru). 
 

Một mẩu bánh mỳ Lan Anh cũng thấy quý, cũng để dành. Cô học được tính tiết kiệm khi sống ở đất Nam Mỹ qua nhiều ngày trong cảnh đói, khát. Năm ngày ở Venezuela là một trong những thời điểm khó khăn nhất trong hành trình đi xuyên hành tinh của Lan Anh. Cô gặp trục trặc về vấn đề đổi tiền khi cả 4 thẻ ATM mang đi đều không rút được tiền.

 

Những ngày lang thang ở đất nước của những hoa hậu, cô sống sót được nhờ những gói mỳ ăn liền nấu chui tại phòng trọ với cục gas mang theo. Còn ít tiền Brazil trong ví, đàm phán mãi chủ cho thuê trọ mới đổi tiền cho với giá cực rẻ. Cô vừa đủ tiền trả thuê phòng và rời khỏi Venezuela. Bước sang biên giới Colombia, Lan Anh thở phào.

 

Gia đình

 

Đón Tết ở đảo Chiloe (Chile) năm 2010, Lan Anh rưng rưng nước mắt khi gọi điện về nhà. “Những lúc phải chờ đợi nửa ngày mới sang được biên giới hay ngồi trước bờ biển, tôi thường nghĩ về gia đình và chất vấn bản thân, phải chăng mình đã quá ích kỷ khi chạy theo đam mê. Tôi thương mẹ, nhớ gia đình”, cô chia sẻ.

 

Suy nghĩ ấy thôi thúc Lan Anh vội rời Nam Mỹ trở về Việt Nam sớm hơn so với kế hoạch khi hay tin chị dâu sắp sinh cháu gái đầu lòng. Cô đặt lịch bay từ Peru về nước. Khi vừa bước chân vào bệnh viện cũng là lúc cháu gái chào đời. Đó là ngày 20-6-2010, ngày đầu tiên cô trở về sau hành trình khám phá Nam Mỹ.

 

Gia đình chỉ có cô và anh trai, nhưng cô đã có bốn cái Tết không ở cùng gia đình. Cô kể, Tết nào gọi điện về nước cũng cố gắng đanh giọng lên, cố tỏ ra mạnh mẽ, động viên mẹ và tránh rơi nước mắt, nhưng rồi vẫn rưng rưng khi nghe giọng mẹ ở đầu dây bên kia.

 

Kết bạn với dân du lịch bụi. 
 

Là một trong những người đầu tiên tạo ra trào lưu độc hành quanh thế giới cho bạn trẻ Việt từ năm 2003, nhưng nhiều lúc Lan Anh đã nghĩ tới chuyện dừng chân vì gia đình. “Tôi tự nhủ sẽ dừng chân sau hành trình đến châu Phi, sẽ ở nhà lo công việc, sống cùng mẹ”, Lan Anh nói.

 

Nghiệm ra nhiều điều sau những chuyến đi, Lan Anh nói cô đã phải trả giá cho hành trình xuyên thế giới của mình. Bạn bè nay người có gia đình yên ấm, người có nhà riêng, xe riêng, công việc tốt… còn cô ngẫm lại trong tay vẫn chưa có gì, công việc chưa đâu vào đâu, bao nhiêu tiền dốc hết vào những chuyến đi.

 

“Tháng ngày lang thang, tình đến rồi tình lại đi. Nhiều người tìm hiểu, quan tâm gọi điện, hỏi em đang ở đâu, khi trả lời ở Đông Bắc, Tây Bắc, khi lại ở nước nọ nước kia, lâu lâu họ cũng chán, cũng quên”.

 

Hiện tại, Lan Anh đang tìm hiểu về châu Phi, lên kế hoạch xin visa và dự định sẽ lên đường đến Nam Phi vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 này. “Tôi sẽ bắt đầu từ Nam Phi, sang Tây Phi xuyên Trung Phi rồi đến Đông Phi và Bắc Phi.

 

Châu Phi đẹp, hoang dã lắm, nhưng cũng đầy hiểm nguy. Nếu mọi việc ổn, hành trình của tôi có thể kéo dài 9 tháng đến một năm hay dài hơn nữa, nhưng nếu bất ổn có lẽ sẽ phải rút ngắn lịch trình xuống còn 6-8 tháng”, Lan Anh nói.

 

Theo Hải Yến

Tiền Phong

Exit mobile version