Bà lão mà chúng tôi nhắc đến trong câu chuyện đầy tính nhân văn này là bà Đinh Thị Quý (80 tuổi), ngõ 35 Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đến gặp bà vào buổi chiều muộn, đi từ đầu ngõ vào ấn tượng để lại với chúng tôi là cả con phố Nguyễn An Ninh sạch bóng, khô ráo và hình ảnh bà cụ ngồi chờ để nhắc nhở người dân buộc túi rác gọn gàng.
Trò chuyện với chúng tôi, bà kể: “Trước kia, đống rác có ở đây 24/24, mọi người vứt rác bừa bãi, không đúng giờ. Hơn nữa, họ cứ thế đổ rác lên chứ không buộc gọn gàng như bây giờ nên mùi hôi thối khó chịu. Nhà tôi thì gần đây đi qua đi lại nhìn đống rác rất phản cảm, tôi mới nghĩ đến việc cầm chổi ra thu gọn lại, tiện tay tôi quét dọn rác ở con phố và gom lại cho sạch sẽ”.
Bà cho rằng việc làm của bà là tự nguyện và hết sức bình thường, bà coi đó như việc tập thể dục chứ không mưu cầu lợi lộc gì.
Nói về khó khăn trong những ngày đầu đi quét rác ngoài đường, bà Quý cười và bảo có nhiều người gọi bà là “bà lão khùng”, “bà tâm thần”. Đặc biệt là khoảng thời gian đầu khi bà đi nhắc nhở mọi người để rác đúng giờ, đúng nơi quy định nhiều người khó chịu, phản ứng lại nhưng bà vẫn kiên trì, không bỏ cuộc. Hằng ngày, bà Quý bắt đầu cầm chổi đi quét dọn con phố vào 5 giờ sáng và khoảng 3 giờ chiều. “Đồ nghề” của bà chỉ có chiếc chổi tre, một cái mo và túi đựng rác tự sắm.
Có lẽ cũng bởi sự cần mẫn của bà mà chỉ mấy tháng sau mọi thứ đã trở nên có trật tự hơn, đống rác được dọn dẹp sạch sẽ. Tuy nhiên, người dân lại chưa có ý thức để rác đúng giờ, bừa bộn và không buộc túi nilon nên mùi hôi thối vẫn rất nghiêm trọng.
Vì vậy, bà nghĩ ra việc đi gõ kẻng nhắc nhở mọi người trong khu phố, bà chia sẻ lí do làm việc này “Nhiều người vì bận việc riêng mà đến khi xe rác đi qua mới mang xuống, tiện tay họ sẽ vứt ngay ở đó. Nếu cứ để như thế thì việc thu dọn của tôi sẽ vô ích. Tôi nghĩ nếu có tiếng kẻng sẽ giúp mọi người vứt rác đúng giờ hơn”.
Trong suốt nhiều năm thu dọn rác, bà Quý luôn mong muốn việc làm của mình không chỉ đơn thuần là nhặt rác cho xã hội mà còn phần nào giúp nâng cao ý thức của người dân trong khu phố. Chính vì vậy bà đã tự bỏ tiền túi làm tấm biển ghi rõ thời gian để rác trong ngày. Tấm bảng được bà đóng ngay ngắn ở bên cạnh nơi để rác thay cho những lời nhắc nhở của bà để mọi người tự ý thức về việc làm của mình với môi trường xung quanh.
Ngoài việc suốt nhiều năm liền làm “lao công tự nguyện”, bà còn tâm sự với chúng tôi về việc bà thường nhặt những vỏ chai người ta vứt ra đường hoặc trong đống rác bán lấy tiền giúp đỡ những cụ già có hoàn cảnh khó khăn trong tổ dân phố. Bà kể: “Tiền đó tôi thêm vào với tiền lương để giúp những cụ già neo đơn trong ngõ. Các cụ thường là sống một mình vì con cháu đi làm ăn xa hoặc là bệnh tật. Tôi cũng chỉ mua gói bánh, gói trà đến trò chuyện với các cụ cho có bạn có bè”.
Sau bao nhiêu năm làm công việc mà nhiều người vẫn thường nói là “vác tù và hàng tổng” có lẽ đến nay điều làm bà hạnh phúc nhất là tình cảm yêu mến mà người dân trong tổ dân phố dành cho bà. Mọi người đều trân trọng tấm lòng nhân hậu và việc làm ý nghĩa của bà.
“Nói chung là tổ cô rất tự hào vì có bà Quý, dù già như thế rồi mà không quản mưa nắng bỏ công bỏ sức ra làm đẹp cho cả con phố. Cô cũng nghĩ là mọi người nên học theo tấm gương của bà, mỗi người tự giác giữ vệ sinh chung thì môi trường sẽ xanh – sạch – đẹp hơn rất nhiều”, cô Nguyễn Thị Hằng (59 tuổi), một người dân trong khu phố cho biết.
Như một câu chuyện cổ tích giữa đời thật bà Quý đã trở thành “bà tiên môi trường” của cả con phố Nguyễn An Ninh nơi bà sinh sống. Việc làm ý nghĩa của bà trở thành tấm gương sáng giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong khu phố nói riêng và của toàn xã hội nói chung.
Thu Trang – Thương Lê