Bộ ba chàng trai này gồm Trần Quốc Trưởng (sinh năm 1988), Phạm Thế Công (sinh năm 1989), Lê Tiến Duật (sinh năm 1987) đều đang học năm 2, khóa 13, lớp Sư phạm 2, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Huế.
“Những ngọn gió mới”
Bạn Trần Quốc Trưởng cho biết: “Bọn mình bắt đầu kiếm sống bằng nghệ thuật từ khi mới vào trường (năm 2008), với khát khao cao nhất là được thành công và khẳng định tên tuổi, bọn mình muốn là những ngọn gió mới của nghệ thuật đương đại, và đó cũng là thương hiệu của nhóm, nhóm Tân Phong”.
Những tác phẩm của Tân Phong được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ rất thích thú. Từ những chiếc thìa, nĩa tưởng như vô hồn, nhóm đã nảy ra sáng kiến tạo hình từ chúng: hình con rồng, hình chiếc xe máy, hình cô gái…
Bạn Thế Công chia sẻ: “Bọn mình muốn một sự khác lạ, thế nên việc chế tác hình rồng, phượng từ những thìa nĩa dùng để ăn cơm cũng coi như độc nhất, được cái ai cũng thích thú nên bọn mình có động lực lắm”.
Nhóm Tân Phong còn làm những sản phẩm khác như thư pháp trên gỗ đứng, thư pháp trên Toan (loại vải để vẽ tranh sơn dầu).
Việt kiều Mỹ Đoàn Đại Dương trong một lần về thăm Huế đã rất thích thú với những sản phẩm thư pháp trên gỗ. “Tôi rất thích tranh thư pháp, nhưng đây là lần đầu tôi được thấy một sự sáng tạo về cách trình bày của các bạn trẻ này, hi vọng họ sẽ thành công”, ông Dương chia sẻ khi đang đặt tranh thư pháp của nhóm Tân Phong.
Mỗi thành viên của Tân Phong đều có một thế mạnh riêng, Trưởng chuyên về tranh màu, Công chuyên về làm hàng lưu niệm, còn Duật viết thư pháp rất khá tay. Với khả năng như vậy, nhóm đang có tham vọng vươn ra thị trường không chỉ trong tỉnh mà còn đến các khách hàng xa hơn.
Bán đá cuội xây ước mơ
Để có thành công như hôm nay, ba bạn trẻ trong nhóm Tân Phong đã trải qua một thời chật vật để kiếm từng đồng vốn.
“Lúc bắt đầu lập nhóm bọn mình phải làm thêm đủ thứ để kiếm tiền, đi bán tranh dạo, lên các khe núi tìm trứng đá (đá cuội tròn) bán cho những người viết thư pháp trên đá, ai cũng chắt góp để gom vốn”, Trưởng nhớ lại.
Thậm chí, những mảnh Toan mà các bạn đang dùng để viết thư pháp thì trước đây cả ba phải đi nhặt từ các gallery thải ra, mang về giặt sạch phơi khô để viết. Không đủ tiền, cả ba phải chịu ăn đói, cầm cắm những gì có thể từ máy tính, điện thoại để có vốn làm sản phẩm.
Gần một năm đầu, cả nhóm phải chắt bóp, nhịn ăn nhịn uống để mở rộng gian hàng và quảng bá sản phẩm.
“Bây giờ thì mọi việc đã ổn rồi, bọn mình đã có tiền để lấy lại máy tính, điện thoại, hơn thế có thể thoải mái sáng tác”, Công thở phào chia sẻ.
Hầu như đêm nào, hễ trời không mưa là nhóm Tân Phong có mặt tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, TP Huế. Lấy công làm lời, ba thành viên trong nhóm ai cũng tự nhủ phải cố gắng hơn nữa, sáng tạo hơn nữa.
Hiện tại, nhóm đã có nhiều mối đặt hàng vẽ tranh tường, viết thư pháp, trang trí tại nhiều cửa hàng, quán cà phê ở Đông Hà và Lao Bảo. Công việc nhiều nhưng ai cũng rất phấn khởi. Những nơi khác như TPHCM, Hà Nội nhóm cũng đã đặt được nhiều đơn hàng chủ yếu là hàng lưu niệm, tranh thư pháp.
Nhiều du khách khi đến Huế được bạn bè giới thiệu đã tìm đến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu để thăm thú những quầy hàng độc đáo của nhóm Tân Phong. Ông Lê Văn Hải, giám đốc Công ty Thương mại bao bì Sài Gòn, trong một lần tới Huế đã rất thích thú với những sản phẩm của Tân Phong. Ông Hải cho biết: “Phần lớn ở Huế, những tác phẩm nghệ thuật đã có quy cũ và trở nên quen thuộc. Tôi rất ấn tượng với sự phá cách của Tân Phong và sẽ đặt một số tranh, đồ lưu niệm để trang trí”.
Trưởng tâm sự: “Bây giờ bọn em còn trẻ nên việc gì cũng không ngại, miễn sao hợp sức mình, chưa biết có thành công hay không nhưng cứ mạnh dạn làm, nếu không được thì đó cũng là một dịp cho mình thêm kinh nghiệm”.
Bài và ảnh: Hoàng Nhân Dũng