Cấm trang phục, trang sức “kích dục”, “phản động”
Trong đó, phải kể đến hai trong năm hành vi bị nghiêm cấm: “Trình diễn thời trang có nội dung và hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam hoặc pháp luật cấm phổ biến, quảng cáo trước công chúng”; “ Các hình ảnh, kiểu dáng chất liệu trên trang phục, trang sức có tính chất kích dục, phản động”.
Dự thảo không nói rõ như thế nào là không phù hợp với thuần phong mỹ tục và như thế nào là trang phục kích dục, phản động? Về cụm từ “không phù hợp với thuần phong mỹ tục”, ông Phạm Đình Thắng, phòng quản lý biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu của Cục giải thích đó là những hình thức trình diễn phản cảm, không có tính giáo dục. “Đây mới chỉ là bản dự thảo, chưa có quy định cấm cụ thể. Tuy nhiên, khó có thể liệt kê hết các hành vi bị nghiêm cấm trên văn bản”, ông cho biết.
Có ý kiến cũng thắc mắc, trình diễn nội y, áo tắm có bị khép vào hành vi trái thuần phong mỹ tục hay kích dục không? Trong dự thảo không hề khẳng định là không cấp giấy phép trình diễn cho những trang phục áo tắm, đồ lót. Nhưng trên thực tế, một số show diễn, chương trình thời trang “nhạy cảm” này đã bị cấm.
Cựu người mẫu Thuý Hạnh, giám đốc điều hành công ty Elite Việt Nam chia sẻ, nếu trình diễn thời trang áo tắm, nội y mà bị quy là kích dục thì quá thiệt thòi cho những nhà sản xuất về trang phục này. Đó là những trang phục cần thiết trong cuộc sống, cũng cần được tiếp thị, quảng bá.
Trả lời về vấn đề trình diễn thời trang áo tắm, nội y, ông Phạm Đình Thắng nói: “Thông tư không khẳng định là không cấp giấy phép trình diễn cho những trang phục này vì Hoa hậu còn có màn thi áo tắm mà. Nhưng phải xem xét thực tế hoạt động của các công ty, nhà máy sản xuất đồ lót, áo tắm – những sản phẩm của họ bán ra thị trường có phù hợp không? Nếu biểu diễn thì biểu diễn ở đâu, trong phạm vi nào, điều này cũng sẽ phải tính tới. Vì trình diễn thời trang áo tắm, nội y vẫn có thể được biểu diễn công khai trong một khuôn viên nào đó nhưng không thể cấp phép cho biểu diễn tại các nơi công cộng, di tích lịch sử…”.
Đối với việc tổ chức trình diễn thời trang, dự thảo cũng yêu cầu hồ sơ để được cấp phép phải có văn bản đề nghị, kịch bản chương trình, danh mục bộ sưu tập và mẫu phác thảo, thiết kế các sản phẩm…, nhưng tuyệt nhiên không thấy nhắc đến quy định cụ thể về sự hở hang, phản cảm của bộ sưu tập thời trang.
Người mẫu Chung Thục Quyên cho rằng: “Tuổi nghề của giới người mẫu vốn bị coi là ngắn thì giờ sẽ càng ngắn hơn. Nếu theo quy định này thì đỉnh cao của người mẫu chưa kịp đến đã phải vội rời sàn catwalk”. Ngay như cựu người mẫu Thuý Hạnh cũng tham gia hoạt động thời trang từ năm 15 tuổi và đến năm 17 tuổi đã đạt được giải thưởng người mẫu đầu tiên.
Quy định này sẽ không chỉ thiệt thòi cho các người mẫu ứng thí tại các cuộc thi trong nước mà còn “quá già” đối với độ tuổi của các thí sinh thi Siêu mẫu quốc tế. Hầu như, thí sinh các nước dự thi chỉ độ tuổi từ 14 đến 15. Gần đây nhất, tại cuộc thi Tìm kiếm người mẫu Elite quốc tế 2008, chiến thắng đã thuộc về cô người mẫu 15 tuổi Louise Maselis đến từ nước Bỉ.
Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thắng lại cho rằng, thực tế tâm sinh lý của người Châu Âu khác người Á Đông. Tâm sinh lý của người Việt Nam cho thấy 18 tuổi là độ tuổi cơ thể phát triển hoàn thiện và toàn diện nhất. “Quy định về độ tuổi như thế nhưng dự thảo không yêu cầu thí sinh phải tốt nghiệp PTTH, tạo điều kiện dễ dàng cho những ai dự thi. Mà ở nước ta có người mẫu nào 15 – 16 tuổi trở thành siêu mẫu được đâu”, ông lý giải.
Ông Thắng cũng nói thêm, đây chỉ là bản dự thảo và điều gì chưa hợp lý thì sẽ tiếp tục được chỉnh sửa.
Thu Nguyễn