Điều thú vị ở chàng trai trẻ gốc Hà Nội là anh khởi nghiệp và làm ông chủ bằng con đường tự học, từ mày mò, sáng tạo. Mặc dù chỉ trải qua “trường đời”, nhưng những thành công của Tú lại được gặt hái nhờ niềm đam mê và cái “tâm” với nghề mà mình đã chọn.
Trước khi hoạt động trong lĩnh vực may mặc, Thanh Tú cũng giống như nhiều bạn trẻ khác là đi học đại học theo định hướng của gia đình, tốt nghiệp, đi làm thuê. Tuy nhiên, vị trí lập trình viên tại tập đoàn TCT với mức lương 3 triệu/ tháng và sự gò bó trong công việc dường như không phù hợp với con người thích tự do như Thanh Tú. Không tìm thấy niềm thích thú trong công việc đang làm, Tú luôn đau đáu về một công việc khác phù hợp với bản thân hơn, nhưng vì chưa có cơ hội nên anh vẫn quyết định “an phận” làm nhân viên IT.
“Một lần đi cafe “chém gió”, mình được biết cậu bạn đang kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang khá thuận lợi. Mình ngồi nghe bạn kể một cách say sưa và rất nhập tâm vào câu chuyện. Bất chợt, mình chợt này ra ý định, tại sao không thử sức với công việc này. Nghĩ là làm, mình mượn quần áo của cậu bạn về và thử rao bán trên mạng xem khả năng “buôn nước bọt” của mình đến đâu. Không ngờ, rất nhiều khách quan tâm, hỏi mua. Mình bắt đầu nghiên cứu nguồn hàng, tự nhập về bán chứ không mượn đồ của bạn nữa. Tất nhiên, cậu bạn thì không chịu tiết lộ nguồn nhập, nên mới “chập chững” vào nghề, mình gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp giá hợp lý” – Tú tâm sự.
Trong tháng đầu tiên, ông chủ trẻ vừa bận rộn với công việc IT, vừa như “con thoi” chạy đôn đáo khắp nơi để tìm nguồn hàng tốt, kiêm luôn việc ship hàng cho khách. Anh cũng tận dụng ngay lợi thế về công nghệ thông tin của mình để quảng cáo trên nhiều kênh bán hàng online khác nhau. “Mình có thể tự quảng bá sản phẩm, không mất tiền thuê quảng cáo. Khách hàng có thể nhanh chóng cập nhật và xem sản phẩm trước khi đến cửa hàng. Ngoài ra, bán hàng qua mạng giúp mình có thể tiết kiệm khoản phí không nhỏ thuê mặt bằng, nhân viên hay các dịch vụ phát sinh. Đơn hàng đầu tiên của mình là…2 chiếc quần sooc, nhưng sau đó các đơn đặt hàng lớn dần lên 5 chiếc, 10 chiếc, 100 chiếc…rồi tới 1000 chiếc. Điều này càng giúp mình có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi công việc này”- Tú say sưa kể.
Đến tháng thứ 2, công việc dần ổn hơn, Thanh Tú quyết định nghỉ việc tại công ty, thuê nhân viên phụ trách từng việc tại cửa hàng. Lúc này, Tú nhận ra rằng, nếu nhập hàng về bán, lời lãi chẳng được bao nhiêu, bán đắt thì không có khách, bán rẻ thì lỗ vốn. Vì vậy, chàng trai trẻ đã tìm cách chủ động nguồn hàng bằng việc mở cho riêng mình một xưởng may công nghiệp, thuê nhân công, đầu tư máy móc, thoải mái sản xuất ra các mẫu quần áo phù hợp với thị trường.
Từ bỏ việc làm IT, gia đình đã không ủng hộ, nên khi Tú nói chuyện với bố mẹ về việc mở xưởng may, mọi người càng phản đối hơn. Tuy nhiên, với tính cách từ bé thích làm theo ý mình, nên Tú đã “bỏ ngoài tai” mọi lời ngăn cản, quyết tâm theo đuổi mục tiêu mà mình đã lựa chọn. Tú cho biết: “Càng làm sâu, mình càng thấy đam mê và nhận ra tiềm năng của thị trường may mặc này. Hiện nay, mỗi đợt nhập vải của xưởng may đã lên tới hàng tấn, doanh thu sau khi trừ đi lương cho 10 nhân viên và các chi phí khác, mình thu được trung bình mỗi tháng 300 triệu. Ngay bản thân mình cũng không ngờ, mấy tháng trước chỉ là một nhân viên quen với mức lương 3 triệu, sau 100 ngày, mình đã có một số vốn kha khá trong tay để tự tin bước tiếp trên con đường kinh doanh không ít chông gai này”.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, Mai Thanh Tú cũng thật thà: “Mình không dám nhận mình là người thành công, bởi mọi thứ cũng mới chỉ bắt đầu. Đối với Tú, để có thể phát triển bền vững, cái quan trọng vẫn là lòng yêu nghề. Khởi nghiệp 100 ngày, 200 ngày hay 500 ngày…không thể thiếu được niềm đam mê, sự yêu thích, chịu khó học hỏi, chịu được áp lực. Đặc biệt,mình rất thích đọc sách,các loại sách về tư duy thành công,kĩ năng sống,kĩ năng kinh doanh là những loại sách mình thường đọc,mình may mắn được thầy Nguyễn Mạnh Hùng,CEO ThaiHaBook nhận làm học trò,thầy là tấm gương sáng để cho mình học hỏi . Song song với yêu nghề là phải có tâm vì nghề này nó mang tính chất cộng đồng, nếu mà không thật, không chân thành thì chắc chắn sớm muộn không duy trì được. Vì bây giờ thông tin đại chúng rất nhanh nên mình không thể bán hàng kém chất lượng cho người khác được”.