Trước quan niệm thay vì cắm cúi kiếm tiền mua nhà, sắm xe người trẻ nên dành thời gian để khám phá, du lịch hoặc khởi nghiệp, nhiều người tỏ ra đồng tình nhưng cũng không ít người ái ngại.
Không còn lệ thuộc, tôn sùng vật chất
Những bạn trẻ đồng tình với quan niệm trên lý giải rằng họ muốn có cuộc sống thật ý nghĩa, sống thỏa hết những ước mơ của họ bởi thời gian của đời người là hữu hạn.
Độc giả Minh Nguyễn phân tích: “Cá nhân tôi nghĩ thời nay khái niệm “an cư lạc nghiệp” đã không còn hợp thời. Đây là thời đại mà tùy vào tình hình kinh tế, công việc sẽ bị chuyển đổi theo khu vực liên tục nên việc mua nhà rồi cố định ở một chỗ thật sự không phải là ý hay. Đặc biệt khi Việt Nam gia nhập TPP và AEC công việc của bạn không chỉ còn là chuyển đổi trong một nước mà trên phạm vi các nước trong hiệp định nữa.
Nên nếu còn trẻ bạn cứ tận dụng cơ hội đi nhiều đến khi đã mệt thì hãy dừng lại, mua nhà. Ít nhất khi ấy thì bạn cũng đã trưởng thành và có một số vốn trong tay rồi”.
Tương tự, bạn đọc Lê Chi (22 tuổi) cũng cho rằng: “Khi bạn nhắm mắt bạn chẳng mang theo nổi nhà cửa, xe cộ. Tất cả tài sản đều gửi lại cho con cháu bạn. Nếu con cháu bạn biết sử dụng thì ít ra công sức cả đời của bạn còn được trân trọng chẳng may con cháu bạn ăn tiêu hoang phí, tài sản nhanh chóng đội nón ra đi thì không phải là bạn đã lãng phí cả đời sao?”.
“Tôi sợ hãi cảm giác ra trường phải đi tìm việc, quần quật kiếm tiền. Xin được việc thì phải mua nhà, mua xe. Khi trả được số nợ khổng lồ đó thì tôi cũng đã ở cái tuổi không còn hưởng thụ được gì. Tính ra cả cuộc đời tôi là nô lệ cho đồng tiền, cày kéo làm giàu cho các ngân hàng.
Tôi khao khát một cuộc sống được đến những vùng đất mới, ăn những món ăn ngon làm những công việc mình yêu thích bởi thời gian của đời người là hữu hạn. Nếu để nó trôi qua tiền bạc cũng không thể giúp bạn mua lại”, anh Lê Thanh Hải (Nghệ An) chia sẻ.
Giới trẻ đang ngụy biện cho sự lười biếng, ưa hưởng thụ?
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ độc giả tỏ ra không đồng tình với quan niệm này. Họ cho rằng người trẻ đang mất đi nhiệt huyết lao động và cống hiến. Giới trẻ đang ngụy biện cho thói thích hưởng thụ, lười lao động.
Một độc giả viết: “Cuộc sống hưởng thụ, sống ngày nào hay ngày đấy rất tuyệt. Nhưng khi bạn còn trẻ, khỏe mà bạn không lao động thì lúc già bạn đi du lịch bằng gì? Bạn ăn gì và bạn sống ở đâu? Lúc bạn nhận ra trong tay mình không có gì cả thì đã quá muộn”.
Một độc giả khác phản biện mạnh mẽ hơn: “Khi con bạn, bố mẹ bạn hoặc một người thân nào đó của bạn ốm đau trong bệnh viện cần mấy trăm triệu để chạy chữa bạn lấy đâu ra viện phí? Hay đơn giản hơn hiện tại bạn có khả năng lao động nên bạn vẫn nuôi được bản thân.
Bạn dùng số tiền đó để chi trả những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hằng ngày và dùng để đi du lịch, khám phá mà không có bất cứ khoản tiết kiệm phòng thân nào. Nhưng lúc bạn ốm, bạn gặp tai nạn không còn lao động được nữa bạn lấy gì để nuôi mình hay lại quay về phụ thuộc bố mẹ? Từ khát vọng sống độc lập, không phụ thuộc vào vật chất bạn lại quay về sống phục thuộc vào tài chính của người khác”.
Cũng cùng quan điểm trên, độc giả Mai Chi (TP.HCM) cho rằng: “Dù đi đâu, khắp nơi trên thế giới bạn cũng cần một ngôi nhà để nghỉ chân, không ai có thể ròng rã cả đời chỉ đi và đi. Ngoài ra, một ngày nào đó vào độ tuổi gần 30, khi bạn chán những trải nghiệm và bắt đầu nghĩ đến có gia đình riêng và những đứa trẻ, bạn sẽ thấy lối suy nghĩ trên khá sai. Việc tổ chức đám cưới, thuê hay mua một căn hộ riêng, chuẩn bị tài chính để có em bé ngốn rất nhiều tiền của bạn. Bạn phải tiết kiệm một khoản ngay từ khi bắt đầu đi làm nếu không muốn ngửa tay xin bố mẹ”.
Một bạn trẻ khác cũng cho rằng: “Nhà là tổ ấm, các bạn trẻ cho rằng không nên mua nhà, mua xe, dành tiền và thời gian đó để trải nghiệm thì đều do các bạn đang được sống trong một căn nhà là thành quả công sức bao năm của bố mẹ để cho bạn.
Còn nếu bạn thích để con bạn sống trong một căn nhà cho thuê, hàng tháng phải đóng tiền chưa tính điện nước, chủ nhà hứng lên lại đuổi cả nhà ra khỏi đường… thì chắc bạn không dám mạo hiểm đến thế”.
Hầu hết bạn đọc đều đồng tình quan niệm trên rất tiến bộ tuy nhiên con người phải biết cân bằng cuộc sống. Bạn trẻ nên kiếm ra tiền, tích lũy những tài sản cần thiết và biết hưởng thụ trong tầm kiểm soát để tránh bị động lúc về già.
Theo Phương Lê
Vietnamnet