Tạo việc làm, tìm kiếm tài năng
Được biết bạn là đại diện trẻ tuổi nhất của Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Myanmar vừa qua. Tại diễn đàn, bạn nói gì với bạn bè thế giới?
Tại diễn đàn, tôi cùng các đại diện Global Shapers tại châu Á bàn luận vấn đề thất nghiệp của người trẻ và giới thiệu với bạn bè quốc tế dự án “Tour de Job”, trong đó có sự tham gia của các bộ, ngành, các doanh nghiệp Nhà nước, nước ngoài và tư nhân cùng các tổ chức phi chính phủ, nhằm giới thiệu cho các bạn trẻ (đối tượng chính là các cử nhân trong và ngoài nước) những kỹ năng xin việc, làm hồ sơ, trả lời phỏng vấn, và giới thiệu cho họ những cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đây là một dự án của Global Shapers Hanoi Hub (gọi tắt là Hanoi Hub), một tổ chức thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới mà hiện tôi là chủ tịch. Thành viên tổ chức này là những người tuổi 20-30 có khả năng lãnh đạo, đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Hà Nội.
Thanh niên các nước có ý kiến hay góp ý gì về chương trình giải quyết việc làm của bạn?
Tại diễn đàn, toàn bộ 28 thanh niên đến từ 14 quốc gia Đông Á rất đồng tình ủng hộ chương trình của chúng tôi. Các bạn đến từ Malaysia, Singapore chia sẻ về những chương trình tìm kiếm, định hướng công việc cho thanh niên khá giống với mô hình chúng tôi đề cập.
Mỗi quốc gia có một đặc điểm khác nhau, nhưng tựu chung lại tôi thấy các bạn có một tinh thần tích cực trong giải quyết các vấn đề xã hội, và đặc biệt là các vấn đề có liên quan tới thanh niên.
Các bạn đến từ Hồng Kông chia sẻ kinh nghiệm sử dụng công nghệ, mạng xã hội đưa một số người có ảnh hưởng tham gia các sự kiện, chụp ảnh góp phần nâng cao ý thức, thay đổi nhận thức của một bộ phận bạn trẻ trong xã hội.
Các bạn đến từ Singapore đề cập đến tính tự lập cao của sinh viên trong việc tìm kiếm việc làm. Để tiếp thu các ý kiến này, trong thời gian tới, Hanoi Hub sẽ lập một mạng trực tuyến tập hợp các kỹ năng mềm, thông tin nhà tuyển dụng cùng ứng viên tiềm năng và đưa các thông tin từ chuỗi sự kiện “Tour de Job” tới với đông đảo các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam khắp nơi trên thế giới.
Điều bạn mong đợi nhất ở chương trình tìm kiếm việc làm cho thanh niên này là gì?
Điểm khác biệt lớn nhất của “Tour de Job” là khả năng tập hợp và cung cấp cho các bạn trẻ những cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ tư vấn kinh doanh, ngân hàng, đầu tư, công nghệ và khởi nghiệp tới khu vực Nhà nước.
Tôi mong đợi các bạn trẻ tham dự “Tour de Job” sẽ củng cố được các kỹ năng quan trọng trong tiếp cận với nhà tuyển dụng và được mời phỏng vấn hoặc thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp có mặt tại sự kiện. Từ chương trình này, tôi mong muốn thu hút được nhiều nhân tài Việt đang du học ở các nước về làm việc tại quê nhà.
Hê thống thi tuyển công chức trực tuyến đang rất được quan tâm hiện nay, tôi không nghĩ rằng tác giả của nó lại là bạn – một người còn quá trẻ. Bạn có thể nói rõ hơn về dự án này?
Sau khi gặp mặt tại Hội thảo Kinh doanh của Thanh niên Việt Nam tại nước ngoài (VietAbroader Business Conference) mà tôi đồng tổ chức, anh Phạm Kim Hùng (sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Stanford) cùng tôi sáng lập ra dự án này với sự định hướng và hỗ trợ của nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn.
Nỗ lực này xuất phát từ nhận thức mọi vấn đề có nguồn gốc từ con người, và thực trạng thi tuyển trên giấy mất nhiều công đoạn, phức tạp, tốn kém và đôi khi kết quả chọn công chức không chính xác do xảy ra tiêu cực, chưa đảm bảo tính cạnh tranh và nguyên tắc thực tài.
Vì thế chúng tôi xây dựng hệ thống này với mong muốn tăng tính minh bạch, giảm chi phí và thời gian thi, mọi người sẽ biết điểm ngay trên máy tính.
Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước đã làm thí điểm và tổ chức thi tuyển thành công vào năm 2012. Đầu năm 2013, với những nỗ lực chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, Bộ Nội vụ đã tổ chức thi trực tuyến với hơn 600 người tham gia thi và tỉ lệ đỗ dưới 10% đảm bảo chất lượng cao, cho thấy tính ưu việt của hệ thống.
Hiện tại hình thức thi tuyển này đã được triển khai ở Hải Phòng và được nghiên cứu triển khai tại Hà Nội, Bộ Tài chính và nhiều địa phương, bộ ngành khác. Mỗi nơi có cách ra đề và cách thi khác nhau, vì vậy chúng tôi cần phải bổ sung và hoàn thiện hệ thống hơn nữa.
Từ chối hãng Bloomberg
Tốt nghiệp Đại học Bowdoin (Mỹ), chắc cũng có nhiều lời mời bạn ở lại làm việc?
Mời làm việc tại Mỹ thì chưa nhưng sang Anh làm việc thì có. Trong thời gian công tác tại Liên Hợp Quốc tại New York năm 2011, tôi tự học giáo trình Chuyên gia Phân tích Tài chính (CFA) và đã đỗ chứng chỉ cấp I.
Năm nay, tôi nhận được học bổng cho khoá học Thạc sỹ Quản lý tại Học viện Kinh tế Chính trị London (LSE) và được hãng Bloomberg L.P. mời về làm việc tại London sau khi tham gia kỳ thi sát hạch của Công ty này. Tôi từ chối lời đề nghị này và quay lại Việt Nam làm việc.
Vì sao bạn lại từ chối một cơ hội tốt như vậy để về nước làm việc?
Tôi luôn ấp ủ mong muốn được áp dụng những gì mình học tại nước ngoài để làm việc tại quê hương, cụ thể là trong lĩnh vực tập hợp nhân tài cho các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt là trong khu vực công, nơi các bạn trẻ tài năng có thể mang lại những đóng góp lớn cho sự phát triển chung của nước nhà. Tôi muốn cùng tổ chức Hanoi Hub tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu hút các tài năng trẻ.
Làm cán bộ Đoàn có tiếng ở trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, Chủ tịch Tổ chức Hà Nội Shapers, làm đại diện người Việt trẻ ở Liên Hợp Quốc, bạn học được gì khi kinh qua các vị trí này?
Tôi nghĩ đơn giản là trong mọi công việc cần đóng góp hết khả năng và nhiệt huyết của mình. Đơn cử thời gian làm việc ở Liên Hợp Quốc 6 tháng cho tôi rất nhiều bài học và những trải nghiệm.
Tôi làm việc ở New York trong nhóm đại biểu thanh niên các nước làm báo cáo vấn đề thanh niên thế giới. Đó là việc làm cho thanh niên, giáo dục, sức khoẻ và tiếng nói của thanh niên.
Tôi học được thêm về cách sống tự lập, cách giúp đỡ bạn bè khi họ tới thành phố mới, cách làm việc với thanh niên quốc tế và cách tổ chức các sự kiện cho người trẻ ở Liên Hợp Quốc.
Cảm ơn bạn.
Theo Hải Yến
Tiền phong