60 năm vươn lên phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 19/01/2017
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Tự hào truyền thống cách mạng

Trước đây, Lục Nam vốn là vùng đất thuộc ba huyện Phượng Nhỡn, Lục Ngạn và Bảo Lộc thuộc trấn Kinh Bắc. Đến năm 1957, thực hiện Nghị định số 24-TTg ngày 21/1/1957 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Lục Nam chính thức được thành lập với 19 xã và một thị trấn. Lục Nam sở hữu địa hình khá độc đáo, có vùng chiêm trũng, đồng bằng, có vùng trung du đồi núi và rừng núi nguyên sinh của dãy Huyền Đinh.

Thuần nông và nghèo khó như bao miền đất khác nhưng Đảng bộ và nhân dân Lục Nam vẫn luôn tự hào với những thành quả lao động của mình đóng góp cho đất nước trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, gần 9.000 người con của quê hương Lục Nam lên đường nhập ngũ và đã có hơn 3.000 người tham gia dân công hoả tuyến và hơn 2.600 người con ưu tú của quê hương anh dũng hy sinh. Cùng với việc đóng góp sức người, sức của chi viện cho các chiến trường, nhân dân Lục Nam còn trực tiếp tham gia các trận đánh trên địa bàn huyện.

Với những đóng góp to lớn trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhiều tập thể, cá nhân huyện Lục Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý. Đến nay, Lục Nam có gần 13.000 huân, huy chương kháng chiến cùng với 9 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 196 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 2 người con của quê hương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và 1 Anh hùng Lao động.

Hội nhập kinh tế, phát triển bền vững

Sau khi hòa bình được lập lại, Đảng bộ và nhân dân huyện Lục Nam phấn khởi bước vào thời kỳ mới, xây dựng và xác lập quan hệ sản xuất mới. Đến nay, tình hình chung trên địa bàn huyện Lục Nam tiếp tục giữ vững ổn định; kinh tế có sự tăng trưởng, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 16,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (ngành nông lâm nghiệp thủy sản là 38,2%; ngành công nghiệp – xây dựng là 33,6%; thương mại dịch vụ là 28,2%).

Đặc biệt, trong công tác xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 13,88 tiêu chí/xã. Xã Đông Phú và xã Phương Sơn thực hiện hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới đề nghị UBND tỉnh kiểm tra công nhận vào tháng 12/2016; có 2/5 thôn hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, đạt 60% kế hoạch đề ra.

Tổng giá trị sản xuất theo giá cố định năm 2010 ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp – xây đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ; thương mại – dịch vụ đạt hơn 2.300 tỷ đồng, tăng 21,9% so với năm 2015. Đồng thời, công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được chú trọng thực hiện; các đơn vị dạy nghề đã tổ chức 17 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 510 học viên tham gia, giải quyết tạo việc làm mới cho gần 4.000 lượt lao động, trong đó lao động trong nước gần 2.800 người, xuất khẩu lao động 900 người.

Theo ông Hà Quốc Hợp, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, mục tiêu tổng quát đến năm 2020, Đảng bộ huyện Lục Nam phấn đấu đưa huyện trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Huyện xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 như tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm 16-16,5%; giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp đạt 110-120 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2-3 % năm; giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động…

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, chính quyền huyện luôn tạo dựng môi trường tốt để thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như chế biến nông, lâm, thủy sản, gia công bởi huyện có sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào, giao thông thuận lợi và lực lượng lao động đông đảo. Qua đó, góp phần thúc đẩy, đưa huyện Lục Nam vươn mình phát triển mạnh mẽ, hội nhập và sớm đưa nền kinh tế xã hội Lục Nam phát triển đạt một tầm cao mới, phát triển bền vững, ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

Bá Đoàn

Exit mobile version