Tất cả chúng ta đều muốn con cái khỏe mạnh và hạnh phúc, nhưng thực phẩm – nguồn nuôi dưỡng chính thế hệ tiếp theo – đã là chủ đề tranh cãi rất nhiều trong các gia đình và giới truyền thông. Theo kết quả của một nghiên cứu y tế trên toàn thế giới được công bố trên tạp chí The Lancet, nếu bạn là một đứa trẻ được sinh ra ở Nhật ngày nay, bạn sẽ được tận hưởng cuộc sống lâu dài, lành mạnh nhất chủ yếu do lối sống và chế độ ăn uống. Điều đó là do những lý do sau:
1. Các bữa ăn gia đình ngon hơn
Cách ăn của người Nhật rất hiệu quả, vừa đủ no lại vừa chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Khi bạn thỏa mãn cơ thể với những đồ ăn tốt thì bạn ít có cảm giác thèm đồ ăn vặt. Tất nhiên, bạn không cần phải cho con ăn rong biển, sushi hay đậu tofu mà chỉ cần điều chỉnh thói quen ăn uống của gia đình theo hướng lành mạnh hơn. Ăn nhiều rau, hoa quả, các loại hạt, ngũ cốc và chất béo lành mạnh như cá giàu omega 3, ăn ít thực phẩm chế biến sẵn mà có nhiều đường, muối. Những loại thực phẩm trên ít calo, giàu dinh dưỡng và có tác dụng giảm nguy cơ béo phì, tối đa hóa xác suất sống lâu khỏe mạnh. Một bí mật của người Nhật là ăn nhiều gạo hơn mì ống hoặc bột mì. Gạo ở đây là loại hạt nâu, ngắn, giàu nước khi nấu, và ít calo hơn bột mì. Khi ăn no loại gạo này cũng có thể thay thế được các loại thực phẩm ít lành mạnh hơn và giảm tổng lượng calo.
2. Ăn uống linh hoạt
Khuyến khích trẻ em thưởng thức các bữa ăn nhẹ với số lượng phù hợp. Bố mẹ không cần phải cố gắng để cho con ăn, khi bố mẹ thoải mái, con bạn sẽ có thể ăn uống tốt hơn. Bố mẹ có thể làm gương bằng cách ăn ngon miệng để con cũng muốn thử đồ ăn của người lớn.
Bữa ăn gia đình cũng rất quan trọng. Ngay cả khi bố mẹ bận việc, cả gia đình vẫn nên tìm ra một thời gian để ăn cùng nhau ít nhất một lần mỗi ngày. Thói quen ăn uống lành mạnh của bố mẹ sẽ giúp trẻ tạo lập thói quen tương tự.
3. Khuyến khích con thử món mới
Sở thích về đồ ăn của trẻ em thay đổi liên tục, bố mẹ chỉ có thể nhẹ nhàng hướng con đến những thực phẩm lành mạnh bằng cách cho con nhiều lựa chọn và làm gương cho con. Càng sớm và càng đa dạng những thực phẩm lành mạnh trẻ thử ăn, thì thói quen ăn uống tốt sẽ hình thành từ tuổi thơ ấu. Lặp lại nhiều lần việc thử một đồ ăn mới sẽ giúp con ăn nhiều hơn và thích ăn hơn. Mùi vị của trẻ sẽ mở rộng và thay đổi liên tục khi chúng lớn lên. Trẻ sơ sinh chỉ cần tiếp xúc một lần với thức ăn mới và thích nó trong khi trẻ em trên 2 tuổi có thể cần đến hơn 20 lần. Người Nhật có câu “Một món ăn mới kéo dài tuổi thọ của bạn”, vì vậy, đừng bỏ cuộc quá sớm nếu con bạn từ chối một món ăn.
4. Cân bằng bữa tối theo phong cách Nhật Bản
Bố mẹ thường có khuynh hướng bắt con ăn nhiều vì cho rằng như thế mới đủ năng lượng cho con hoạt động và học tập. Nhưng bọn trẻ biết với chúng thế nào là đủ. Hãy để cho trẻ lớn tự xới phần cơm chúng muốn ăn và lấy số lượng vừa đủ cho trẻ nhỏ hơn. Tuy nhiên, bạn không cần giới hạn con trong các món rau xanh và hoa quả.
5. Để trẻ chạy và nhảy
Khó để kéo trẻ ra khỏi các trò chơi điện tử và các cám dỗ công nghệ khác nhưng trẻ cần có ít nhất 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Chìa khóa để thực hiện là hãy biến hoạt động này làm trò thú vị. Đi bộ tới trường, cùng con ra sân chơi là những gì bố mẹ phải nghĩ ra giúp con được chảy nhảy. Nghiên cứu chỉ ra rằng, Nhật Bản có tỉ lệ 98.3% trẻ đi bộ hoặc xe đạp tới trường, điều này cũng phản ánh lý do tại sao tỉ lệ béo phì ở trẻ nhỏ tại Nhật lại thấp đến vậy. Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo rằng, hoạt động thể chất thích hợp cho trẻ từ 5 đến 17 tuổi góp phần vào sự phát triển của xương, cơ , khớp và hệ thống tim mạch khỏe mạnh, đồng thời điều phối và kiểm soát vận động, cải thiện việc quản lý các triệu chứng lo lắng và trầm cảm, và tạo cơ hội để trẻ tự biểu hiện, tương tác xã hội và hội nhập. Thực tế là trẻ em thích chơi. Đây là điều tự nhiên và chúng sẽ tìm mọi cách để chơi nếu có cơ hội. Khi trẻ em được vận động thích hợp, chúng học tốt hơn, hạnh phúc hơn và tập trung hơn. Những lợi ích về sức khoẻ của lối sống này có giá trị đáng kể trong việc giúp bạn có cuộc sống khỏe mạnh nhất, lâu dài.
6. Đừng ngại khi trở thành “ông chủ”
Một số phụ huynh cho rằng không nên áp đặt con cái, thế nhưng khi nói về thực phẩm và lối sống, cha mẹ Nhật lại thành công bằng cách sử dụng cách tiếp cận có thẩm quyền chứ không phải là độc đoán. Theo nhà tâm lý học Diana Baumrind, cách làm cha mẹ có thẩm quyền, là cách dễ dàng và hiệu quả để trở thành “ông chủ” với con mà không cần phải nói cụm từ “Vì mẹ nói thế”. Với việc làm cha mẹ có thẩm quyền, bạn sẽ thiết lập các nguyên tắc và quy tắc mà con bạn mong muốn tuân theo, đồng thời kiên trì chiến lược trong cách tiếp cận đối với kỷ luật. Bạn quyết đoán, nhưng không gây trở ngại và hạn chế. Bạn đang ủng hộ, chứ không phải là trừng phạt. Bạn giải thích hợp lý các quy tắc và thực hành nhất quán. Mỗi bậc cha mẹ cần xây dựng môi trường sống tốt cho con, có thể không hoàn hảo, nhưng truyền cảm hứng, để con chấp nhận khẩu vị, hình thành thói quen từ đó tăng cơ hội được hưởng cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.
Hữu Nguyên (Tổng hợp)