“5 từ khóa đình đám năm 2015” dưới góc nhìn DHS Việt tại Mỹ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 08/02/2016
Lần cập nhập cuối: 08/01/2021

Khác với 10 từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất Google trong năm 2015 của Việt Nam: Vợ người ta, Không phải dạng vừa đâu, Cô dâu 8 tuổi, Cười xuyên Việt…, Nguyễn Siêu (SN 1995, SV chuyên ngành Truyền thông và Điện ảnh tại Đại học Vassar, New York) đã có 5 từ khóa khác được đưa ra, thể hiện góc nhìn và sự quan tâm tới các vấn đề “nóng” về tình hình trong nước 2015.

Nguyễn Siêu – chàng DHS Việt tại Mỹ từng giành được học bổng lên tới 220.000 USD – tương đương 4,6 tỉ đồng tại một trong những trường có học phí đắt nhất thế giới.

“Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy một vài sự kiện sau đây đáng được tìm kiếm và quan tâm hơn 10 từ khoá trong bảng xếp hạng của Google. Để không trộn lẫn các lĩnh vực với nhau, tôi sẽ đề xuất các từ khoá thuộc ngành văn hoá – giáo dục, những gì “gần gũi” hơn với giới trẻ.

1. “Tích hợp môn Lịch sử”

Nếu đã đánh mất bản thân mình cho những ca sĩ thần tượng, cho những bài nhạc giải trí, đừng đánh mất nốt cái gốc lịch sử của mình. Học Lịch sử là quyền, và quan tâm tới nó là cứu lấy tương lai của mình.

2. “6700 cây xanh”

Vụ thành phố Hà Nội lên kế hoạch chặt 6700 cây xanh để xây đường sắt trên cao là một cú sốc đối với người dân. Vì vấn đề này gây nhiều tranh cãi, và mỗi bên đều có những lập luận có lý, tìm kiếm từ khoá nào sẽ giúp người trẻ tham gia vào cuộc tranh luận và tự xây dựng ý kiến của mình. Đây không chỉ là tranh luận “chặt hay không chặt,” mà còn mở rộng thành “cũ hay mới,” “truyền thống hay hiện đại,” “cứ làm hay nghe ý dân.”

3. “Hợp pháp hoá người chuyển giới tại Việt Nam”

Tìm kiếm từ khoá này là quan tâm tới những người bạn, người anh chị em trong chính cộng đồng của mình. Tìm kiếm không chỉ để biết, mà còn để tự giáo dục bản thân một góc nhìn mở về giới tính. Có thể có nhiều người ủng hộ, nhưng thái độ không đồng nghĩa với kiến thức. Hiểu biết về “chuyển giới” sẽ nâng tầm dân trí lên cao hơn.

4. “Tượng đài ở Sơn La”

Tìm kiếm từ khoá này là một cách để giới trẻ đặt câu hỏi, “Xây tượng có thật sự cần thiết hay không?” “Số tiền đó có thể dùng để làm gì tốt hơn?” “Phải chăng chúng ta quá hình thức?” Tìm hiểu và suy nghĩ về những vấn đề này là cách để giới trẻ tham gia vào việc xây dựng đất nước từ những thứ nhỏ nhất.

5. “Công viên nước Hồ Tây”

Tìm kiếm về một sự kiện “thảm hoạ” để suy xét về lối sống của chính mình. Sự việc nhiều cô gái bị sờ xoạng, tấn công tại công viên nước đáng ra phải dấy lên câu hỏi về bình đẳng giới, thay vì những bức ảnh chế rồi cười cho qua chuyện”.

Hoài Thư (ghi)

Exit mobile version