5 cách nuôi dạy con gái trở thành lãnh đạo

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 06/08/2015
Lần cập nhập cuối: 08/01/2021

Một nghiên cứu mới đây của Đại học Giáo dục Harvard đã có những tiết lộ gây sốc: Các teen nam, teen nữ, thậm chí là phụ huynh của họ, đều có suy nghĩ khá phân biệt giới đối với vị trí người lãnh đạo. 23% số teen girl và 40% teen boy được hỏi thích các nam chính trị gia hơn là nữ chính trị gia, trong khi chỉ có 8% teen nữ và 4% teen nam thích điều ngược lại. Tương tự, 36% teen nam thích lãnh đạo doanh nghiệp là nam hơn.

Trong một thế giới có sự “kỳ thị ngầm” như vậy, phải làm sao để nuôi dạy con trẻ một cách hợp lý, khuyến khích, phát huy được thế mạnh, sở trường của trẻ?

1. Xem lại thành kiến của chính mình

Vì sao ư? Tất cả chúng ta đều có định kiến trong đầu, dù bạn có thừa nhận hay không. Trong cuộc sống hàng ngày, ta nhận được không biết bao nhiêu thông điệp về sự kỳ vọng dành cho nam và nữ. Những định kiến này mọc mầm trong đầu và rất khó để loại bỏ chúng. Nhưng nếu như ta nhận thức được đầy đủ, hiểu rõ về định kiến của mình, ta sẽ đối phó với chúng dễ hơn.

Bằng cách nào: Phân tích kỹ việc định kiến có thể ảnh hưởng đến thái độ và hành động của chúng ta ra sao. Hãy cẩn trọng vì mọi ngôn ngữ, hành vi bản năng của bạn cũng có thể bộc lộ định kiến, chẳng hạn như bạn thường kết luận rất nhanh về việc con trai hay con gái thì phải ăn mặc, cư xử, suy nghĩ ra sao…

Hãy tiếp xúc nhiều hơn với những hình ảnh đối lập, trái ngược với định kiến vô thức của bạn. Hãy tìm kiếm những hình ảnh phi truyền thống: phụ nữ làm công việc xây dựng hay nam giới chăm sóc gia đình, dán chúng ở những nơi bạn thường nhìn đến ở nhà hay văn phòng. Hãy cẩn trọng với ngôn ngữ mà bạn sử dụng, thay vì dùng “ông thợ mộc” hãy dùng “người thợ mộc” chẳng hạn.

Bạn cũng có thể nhờ người thân đánh giá, phản hồi về định kiến của mình – phòng trường hợp tự bạn không thể nhận ra sai lầm của mình.

2. Biến ngôi nhà thành môi trường phi định kiến

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã có thể nhận ra sự khác biệt giữa con trai và con gái. Do đó, hãy phát triển các thói quen trong gia đình giúp trẻ không bị hình thành tư duy đóng khung. Hãy gây dựng những mối quan hệ mạnh mẽ, đáng tin cậy với con gái của bạn, để chúng có thể dễ dàng, thoải mái hỏi mẹ những câu hỏi khó, và luôn nhớ trả lời chúng một cách thẳng thắn, chân thành nhất.

Hãy mạnh dạn, cởi mở chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm của chính bạn về định kiến giới tính. Cho trẻ đọc những cuốn sách, xem phim, chương trình TV cho thấy những người có xuất thân khác nhau có thể thành công ra sao.

3. Giúp trẻ phòng tránh tư duy đóng khung

Hãy giải thích với trẻ rằng định kiến giới tính tai hại ra sao, tư vấn cho trẻ cách đối phó với định kiến. Hãy thường xuyên hỏi trẻ chúng nghĩ gì, vì trẻ rất giỏi trong việc tìm thấy những hình ảnh bất công.

4. Khuyến khích sự tự tôn, tinh thần trách nhiệm ở trẻ

Việc các cậu bé phạm lỗi rồi được tha thứ chỉ vì lý do “Con trai thì phải thế” là hoàn toàn sai lầm, vì trẻ sẽ cho rằng, những hành vi như vậy là bình thường, chấp nhận được trong xã hội.

Bạn hãy nghĩ cách xử lý khi con trai của bạn bắt nạt em/chị gái. Hãy can thiệp ngay khi bạn bắt gặp hoặc nghe thấy những hành vi như vậy. Thường xuyên giáo dục trẻ về danh dự và sức mạnh. Việc bắt nạt bạn gái chỉ là nam tính giả tạo. Lòng can đảm và sức mạnh thật sự nằm ở việc nhận thức đúng giá trị của bạn bè, cũng như dám đứng lên bảo vệ bạn hay không.

5. Phát huy các kỹ năng lãnh đạo và sự tự tin của con gái

Thường xuyên kể cho con gái bạn câu chuyện của những phụ nữ thành công, giúp chúng tin rằng mình có thể trở thành nhà lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tập cho trẻ thói quen nói trước đám đông một cách tự tin, bộc lộ chính kiến của mình. Bạn cũng cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia đóng góp ý kiến trong các việc chung của gia đình, khuyến khích chúng có hành động đối với những vấn đề mà chúng cảm thấy lo ngại (ở trường hoặc trong cộng đồng).

Hãy trò chuyện với trẻ về nỗi sợ hãi: cố tìm hiểu điều gì đang kìm hãm con bạn, đang cản chân chúng (sợ phát biểu trước đám đông vì lo bị phản đối chẳng hạn). Hãy khuyến khích, động viên trẻ nhận trách nhiệm lãnh đạo trong các hoạt động nhóm. Hợp tác và làm việc nhóm chính là các kỹ năng cơ bản để trở thành nhà lãnh đạo hiện nay.

Theo Thiên ý

Vietnamnet

 

 

Exit mobile version