4 món bình dân ở Việt Nam “đắt như vàng” ở nước ngoài

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 13/08/2017
Lần cập nhập cuối: 08/02/2021

Cao sao vàng

Tại Ebay, cao Sao Vàng có giá 8,5 USD (187.000 đồng) một hộp loại 4gram, gấp 37 lần so với sản phẩm bán tại Việt Nam (giá hiện tại 5.000 đồng một hộp). Còn tại Amazon, giá bán là khoảng 7,5 USD, cao gấp hơn 30 lần.

Cao sao vàng được chào bán trên các trang rao vặt có giá đắt hàng chục lần so với giá bán trên thị trường Việt Nam

Với mức giá này, sản phẩm được miễn phí giao hàng, được giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Nga và bán khá chạy. Khi người mua thêm sản phẩm vào trong giỏ hàng thì trong kho luôn cập nhật tình trạng hàng hóa ở mức còn rất ít, chỉ còn 2 hộp trong kho, hoặc đã hết. Các website này đều cho biết sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, một số được tái nhập khẩu từ Ukraine.

Đại diện doanh nghiệp sản xuất – Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC – lý giải, sản phẩm bán được giá như thế là do đánh trúng thị hiếu của các khách hàng châu Âu và ở các nước có thời tiết lạnh.

Chổi đót

Sản phẩm chổi chít xuất xứ Việt Nam đang được một đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm gia dụng tại Mỹ rao bán trên Amazon. Theo đó, giá một chiếc chổi lên tới gần 20 USD (khoảng 450.000 đồng) và khách hàng được miễn phí vận chuyển.

Mặt hàng chổi đót (chổi bông) được rao bán trên Amazon với giá cao gấp 10 lần trong nước

Trong khi đó, tại Việt Nam, giá mỗi cây chổi chít chỉ vào khoảng 30.000-35.000 đồng (tức 1,5 USD), chưa bằng 1/10 so với giá rao bán trên Amazon.

Mỗi cây chổi được rao bán trên Amazon có chiều dài khoảng 38 inch, độ rộng mặt chổi 12 inch, nặng 2 pound (gần 1 kg). Cán chổi được làm bằng nilon màu, với hơn 10 màu sắc khách có thể lựa chọn. Trong thời gian tối thiểu 2 ngày, khách đặt hàng sẽ được nhận sản phẩm.

Nón lá, mũ cói

Trong khi một số sản phẩm truyền thống như mũ cói, nón lá, nón quai… đang ngày càng vắng bóng trên thị trường, thì lại được rao bán với giá cao trên trang mua bán trực tuyến toàn cầu Amazon. Mức giá trung bình mỗi sản phẩm này tính ra tiền Việt hơn nửa triệu đồng, có sản phẩm giá cả triệu đồng nếu cộng cả thuế, phí vận chuyển…

Mỗi chiếc nón quai thao được chào bán trên Amazon có giá 30-35 USD (700.000-800.000 đồng) một chiếc tùy kích thước. Nếu cộng thuế, phí vận chuyển, chi phí người mua bỏ ra khoảng 1 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần giá bán trong nước (120.000-150.000 đồng một chiếc).

Mỗi chiếc nón quai thao đăng bán trên Amazon có giá 700.000 – 800.000 đồng, tùy kích thước.

Nón lá cũng được rao bán trên website thương mại điện tử toàn cầu với giá 17,11 USD một chiếc (gần 400.000 đồng), cũng cao trên 10 lần so với thị trường trong nước.

Mũ cói cũng là sản phẩm được rao trên website mua bán toàn cầu này. Trên Amazon, mỗi chiếc được chào bán khoảng 15 USD (gần 350.000 đồng) và sẽ miễn phí vận chuyển nếu khách mua từ 35 USD trở lên. Thông thường, với những món đồ mua trị giá dưới 50 USD (khoảng 1 triệu đồng) thì khách mua trên Amazon sẽ được miễn VAT.

700 đồng lá tía tô xuất sang Nhật

Cuối tháng 6 vừa qua, lô hàng lá tía tô đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo đơn vị trồng và xuất khẩu, giá bán mỗi chiếc lá tía tô vào nhà hàng Nhật Bản với giá lên tới 500-700 đồng/lá. Nếu áp dụng đúng theo quy trình sản xuất, 1 ha trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng.

Loại tía tô màu xanh được chọn lọc từng lá với kích cỡ bằng nhau, không rách nát khi xuất khẩu sang Nhật Bản có giá 500-700 đồng mỗi lá (Ảnh: nghiaminhfoods)

Được biết, đơn vị trồng và xuất khẩu lá tía tô sang Nhật Bản này mở trang trại ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay, mỗi ngày công ty này xuất khẩu sang Nhật vài chục nghìn lá. Phản hồi của khách hàng về lá tía tô của Việt Nam rất tốt. Dự kiến, nhu cầu lá tía tô của Nhật Bản mỗi năm trên 5 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh yêu cầu khắt khe về kỹ thuật khi trồng, khi thu hoạch, các lá tía tô phải thu hoạch đúng ngày tuổi và có kích cỡ đều tăm tắp giống nhau, không được rách, nát.

Nếu để quá lứa phải hái bỏ các lá đó đi. Yêu cầu về sự đồng nhất từ hình thức đến chất lượng cũng như sự ổn định là rất cao. Đơn vị xuất khẩu phải đặt riêng một chỗ với hãng hàng không để đảm bảo ngày nào cũng có sản phẩm xuất sang Nhật Bản.

Hiệp Nguyễn

Tổng hợp

Exit mobile version