3D – Xu hướng mới cho Hoạt hình Việt?

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 24/11/2011
Lần cập nhập cuối: 30/12/2020

Gần đây, một nhóm làm phim trẻ của Việt Nam đã bắt đầu mở ra cánh cửa cho phim hoạt hình 3D “thương hiệu Việt” khi ra mắt bộ phim Dưới bóng cây. Hiệu ứng của bộ phim này có lẽ đã mở đường cho bộ phim ngắn Cô bé bán diêm trình làng và được giới chuyên môn đánh giá là “tiệm cận gần nhất trình độ phim hoạt hình 3D thế giới”.


Hình ảnh trong phim Cô bé bán diêm

Xu hướng mới

Thật ra hoạt hình 3D không phải là thể loại phim mới mẻ gì trên thế giới lẫn Việt Nam. Năm 1972, Ed Catmull và Fred Parke đã tạo ra đoạn phim 3D đầu tiên trên thế giới, đó là một clip hoạt hình mô phỏng bàn tay trái của Ed. Clip này cuối cùng được một nhà sản xuất phim ở Hollywood phát hiện và sự dụng cho bộ phim Futureworld ra mắt năm 1976.

Còn ở Việt Nam, từ những bộ phim đầu tiên như Chuyện hai chiếc bình sản xuất năm 2003, sau đó là Truyện khu vườn, Những cuộc phiêu lưu của ong vàng… nhưng không để lại ấn tượng gì mạnh mẽ. Cho mãi đến khi bộ phim Dưới bóng cây sản xuất vào tháng 5/2011 gây được những hiệu ứng tốt, mở đường cho bộ phim ngắn Cô bé bán diêm tự tin trình làng.

Tuy có lịch sử phát triển khá lâu đời (từ năm 1972) nhưng chỉ trong thời gian gần đây, khán giả Việt Nam mới có dịp thưởng thức các bộ phim hoạt hình 3D thực sự chất lượng của thế giới khi một loạt những bộ phim “bom tấn” như: Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), Despicable Me (Kẻ cắp mặt trăng), How to train your dragon, A Christmas Carol, Ice age (Kỷ băng hà), Up

Chất lượng hình ảnh vượt trội, mềm mại và những trại nghiệm mới mẻ mà những thể loại phim hoạt hình trước đây không thể có được chính là điểm mạnh của hoạt hình 3D. Chính những điều đó đã mang một lượng khán giả vượt trội cho các phòng vé và đó cũng chính là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất vững tin vào thể loại phim này, tạo ra một xu hướng mới hiện nay trên thế giới.


Tạo hình 3D

Sức hút của “cây nhà lá vườn”

Dù được thưởng thức những bộ phim chất lượng tuyệt vời đến từ Hollywood nhưng với khán giả, những sản phẩm gắn nhãn “Việt Nam sản xuất” vẫn có một vị trí đặc biệt. Chính lòng tự tôn dân tộc cũng như những “bản sắc Việt” rất riêng của các sản phẩm này tự nó đã tạo nên một sức hút đặc biệt đối với khán giả.

Tuy các sản phẩm điện ảnh Việt (phim truyện, phim truyền hình, hoạt hình, hoạt hình 3D…) gần như luôn bị đánh giá không cao về chất lượng nhưng bộ phim nào trình chiếu nhà sản xuất cũng xoa tay báo lãi. Đó chính là minh chứng khá rõ nét về sức sống của các sản phẩm gắn nhãn Việt. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa khán giả Việt dễ tính hay phim nào ra rạp cũng thành công, chỉ cần gắn nhãn Việt là đủ. Bằn chứng là những bộ phim hoạt hình 3D trước đây như: Truyện khu vườn, Những cuộc phiêu lưu của ong vàng... đều không tự tạo được cho mình một chỗ đứng.

Hi vọng gì cho hoạt hình Việt?

Trong các thể loại phim dành cho thiếu nhi, hoạt hình luôn là thể loại được yêu thích nhất. Thậm chí đến thời điểm hiện tại, những bộ phim hoạt hình của thế giới đã “mở rộng” phạm vi ảnh hưởng của mình tới đối tượng khán giả người lớn màA Christmas Carol là một ví dụ. Tuy nhiên, thật khó có thể áp dụng điều này vào phim hoạt hình Việt bởi đến giờ, sức sống của hoạt hình Việt quá thấp.


Một cảnh trong phim Dưới bóng cây

Hoạt hình Việt vẫn bị đánh giá là thiếu sáng tạo, thiếu kịch bản hay, thiếu đi tính phi thực tế cần thiết của thể loại phim này cũng như cách làm phim cũ kỹ so với thế giới… Tất nhiên, có quá nhiều lý do để giải thích cho sự thiếu hấp dẫn của hoạt hình Việt nhưng sự thiếu đổi mới sau một quá trình dài cũng là một lý do cần được nhắc đến.

Hoạt hình 3D Việt có “tuổi đời” còn non trẻ, sau gần 10 năm phát triển số lượng phim cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, với cá tính của những người làm phim trẻ, sự ham học hỏi và tìm tòi… họ đang dần tiệm cận tới những kỹ thuật làm phim hiện đại. Do vậy, bộ phim Dưới bóng cây ra mắt hồi tháng 5 vừa rồi và bộ sắp trình chiếu trong dịp giáng sinh Cô bé bán diêm đều đã nhận được những lời nhận xét khá tốt.

Đôi khi sự “đi tắt đón đầu” cũng là một cách hay để bắt đầu một “đế chế” mới. Hi vọng những bộ phim của các nhà làm phim trẻ với nhiệt huyết và những kỹ năng mới sẽ làm lên những bước ngoặt cho phong cách làm phim mới mẻ này.

Phan Anh

Exit mobile version