10 điều cha mẹ cần lưu ý khi phê bình con trẻ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 06/12/2015
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Trong quá trình dạy bảo con cái thì việc phê bình và khuyên răn khi trẻ mắc lỗi đòi hỏi các bậc làm cha, làm mẹ phải hết sức tâm lý và khoa học. Vì nếu quá nhẹ nhàng, mềm mỏng thì trẻ sẽ không chịu vâng lời, nhưng nếu quá nghiêm khắc thì trẻ sẽ sinh ra khiếp sợ ảnh hưởng lớn đến tâm lý còn non nớt của trẻ.

Sau đây là 10 điều mà bố mẹ cần lưu ý khi muốn phê bình con trẻ:

1. Không nên sỉ vả trẻ. Không dùng những từ ngữ khiếm nhã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của con như: “mày là đồ bỏ đi, mày là đồ ngu xuẩn”…

2. Nếu con bạn đã đủ hiểu biết, thì tốt nhất nên trao đổi, phê bình khi trẻ chỉ ở một mình, tuyệt đối không để cho các em bị mất mặt trước bạn bè, người thân, làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.

3. Trước khi phê bình, nên có nhận xét về những ưu điểm. Rồi sau đó hãy chỉ ra khuyết điểm. Như vậy trẻ mới cảm phục lời nhận xét của người lớn và vui vẻ tiếp thu lời phê bình đó.

4. Không nên quá cường điệu, làm to tát những thiếu sót, lỗi lầm mà trẻ gây ra. Trọng điểm vẫn là chỉ ra những thiếu sót để chúng sửa chữa

5. Tuyệt đối không được uy hiếp trẻ. Khi người lớn phê bình trẻ thì thái độ phải ôn hòa nếu không sẽ gây ra những tác dụng không tốt về mặt tâm lý

6. Không nên nói miên man, phê bình phải ngắn gọn, rõ ràng, phải nắm vững cái chính, cái mấu chốt mà bố mẹ muốn truyền đạt, khuyên răn trẻ.

7. Phê bình phải kịp thời, khi trẻ em gặp thiếu sót gì thì phải tìm cơ hội hợp lý để phê bình trẻ luôn và ngay tránh để thời gian dài nếu không thì hiệu quả sẽ không tốt.

8. Giữa bố mẹ không nên “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Cùng một khuyết điểm, người thì trách mắng, người kia thì xuê xoa, coi như không có gì. Như vậy trẻ sẽ không sửa chữa sai lầm triệt để. Thậm chí còn tạo cho trẻ một thói quen là luôn tìm “ô dù” để che chắn mỗi khi bị khiển trách.

9. Không nên nghĩ rằng phê bình một lần là đã xong xuôi tốt đẹp cả. Nếu trẻ lại tiếp tục mắc sai lầm thì bố mẹ phải kiên trì khuyên răn, thuyết phục trẻ đến khi trẻ tự ý thức được lỗi lầm của mình và sửa chữa.

10. Không châm biếm trẻ. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Vì vậy, khi trẻ có lỗi mà ta lại dùng những lời lẽ châm biếm để mắng trẻ sẽ làm cho lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương, trẻ dễ trở thành con người lạnh nhạt.

Minh Nhật

Tổng hợp

Exit mobile version