​Đầu tư khám chữa bệnh cho “nhà giàu” có nên không?

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 13/03/2018
Lần cập nhập cuối: 29/12/2020

Vậy nhiều nỗ lực, chính sách để đẩy mạnh chất lượng khám chữa bệnh cho phân khúc người dân có thu nhập cao tại Việt Nam hiện nay có thực sự hiệu quả?

Nhu cầu dịch vụ y tế chất lượng cao, chuẩn quốc tế đang rất lớn

Theo báo cáo thống kê của của BMI Quý I/2017, mức độ chi tiêu cho sức khỏe của Việt Nam đang tăng rất nhanh cụ thể năm 2015, chi tiêu y tế từ 13.9 tỷ USD tăng lên 14.9 tỷ vào 2016, đến trước 2020 dự kiến là 20.9 tỷ USD và 33.7 tỷ USD vào 2025. Rõ ràng, người dân đã và đang ngày càng ý thức hơn về vấn đề chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với người có thu nhập cao tuy nhiên số lượng cơ sở y tế thực sự đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng đặc biệt này lại rất ít.

Anh N.V.A đã từng đi khám chữa bệnh tại Singapore chia sẻ: “Lý do tôi và gia đình vẫn chọn đi Singapore chữa bệnh vì chưa tin lắm hệ thống chẩn đoán và điều trị tại Việt Nam. Hơn nữa, chất lượng y tế của Singapore thì nổi tiếng rồi!”.

Chị B.T.H hàng năm vẫn đưa cả gia đình sang Singapore để thăm khám sức khỏe nói “khám ở Singapore cho yên tâm”. Những gia đình có điều kiện thường chấp nhận mức chi phí cao để được hưởng dịch vụ chăm sóc, điều trị tốt nhất.

Phương diện khác, về môi trường và cơ chế để phát triển lịch vực y tế nói chung, trong Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới cho thấy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế đang chiếm đến 5.8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hóa y tế. Như vậy, hệ thống bệnh viện tư nhân hoàn toàn có thể tự tin đầu tư vào lĩnh vực này.

Năng lực khám chữa bệnh cao cấp hiện nay có thực sự đáp ứng được nhu cầu?

Thực tế, nếu đánh giá về trình độ chuyên môn hay các thành tựu y học thì Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc, ví dụ như kỹ thuật ghép tạng, tim mạch, thụ tinh ống nghiệm… Y hiệu Việt Nam cũng đã và đang ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới.

Mặt khác, khi tìm hiểu về nguyên nhân người Việt thích xuất ngoại điều trị, đầu tiên cơ bản vẫn chính là thái độ phục vụ, tính chuyên biệt trong phục vụ người bệnh “nhà giàu”.Tiếp đến là hệ thống thiết bị và nhân sự chẩn đoán phải chính xác gần như tuyệt đối, chất lượng điều trị nhanh và hiệu quả. Không thể không nhắc đến tâm lý thích bác sĩ nước ngoài vì yên tâm hơn của người bệnh.

Nắm được nguyện vọng của những khách hàng có điều kiện, lần lượt nhiều bệnh viện (BV) tiêu chuẩn quốc tế ra đời. Đầu tiên phải kể đến là BV Pháp Việt (FV) với đội ngũ bác sĩ nước ngoài tại Pháp, Mỹ, Hàn Quốc… Kế đến có BV Quốc Tế Hạnh Phúc tiên phong cung cấp chất lượng chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em theo tiêu chuẩn Singapore. “Sân chơi” này còn có BV Quốc tế Thành Đô (nay là BV Quốc tế City), chuỗi BV Vinmec (của Vingroup)… Quan trọng nhất là những BV này đang dần khẳng định chất lượng chuẩn quốc tế thực sự đúng nghĩa để thỏa mãn tối đa nhu cầu của đối tượng cao cấp – khách hàng khó tính nhất.

Nhưng liệu sân chơi vậy đã đủ hay còn rộng mở cho các thương hiệu y tế khác. Chia sẻ về cơ hội mở rộng thị trường dịch vụ y tế cao cấp, ông Huỳnh Lê Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ khẳng định: “Hoàn Mỹ từ khi hoạt động đến nay chủ yếu tập trung vào phân khúc khách hàng cấp trung, tuy nhiên khi triển khai các khu dịch vụ VIP, khu khám chữa bệnh chuẩn quốc tế, chúng tôi rất ngạc nhiên và vui mừng vì đang có một lượng lớn người dân có điều kiện cao và có cả niềm tin vào y tế Việt Nam. Chính vì vậy mà từ 2017, chúng tôi mạnh dạn hơn đầu tư vào dịch vụ cao cấp để phục vụ tối đa nhu cầu người dân.”

Vậy khám chữa bệnh cho “nhà giàu” – người có thu nhập cao đang có nhiều cơ hội rất lớn. Chắc chắn việc thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu của phân khúc cao cấp này không đơn giản, sẽ cần một hệ thống dịch vụ tích hợp, hiệu quả và khác biệt, cùng chất lượng lâm sàng chuẩn quốc tế. Do vậy, có thể sẽ có những cái bắt tay trong thời gian ngắn tới, có sự kết hợp thế mạnh giữa các bên vào thời điểm không xa, và cuối cùng người hưởng lợi nhất vẫn chính là người dân.

My Hoàng

Exit mobile version