“Khủng hoảng độc thân” tại Trung Quốc
Nhiều chuyên gia về xã hội học Trung Quốc cho biết, “làn sóng độc thân” đã ào vào xã hội. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông đại chúng lại gọi đó là “khủng hoảng không kết hôn”. Đây là lần thứ 3 xã hội Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng không kết hôn. Hiện nay, hầu hết giới trẻ nước này không muốn lập gia đình sớm.
Trung Quốc từng chứng kiến xu hướng này hai lần kể từ năm 1949. Khủng hoảng độc thân lần đầu tiên nổ ra sau khi chính phủ Trung Quốc ban hành luật về hôn nhân năm 1950. Tiếp đó, vào những năm 1970 khủng hoảng lại tái diễn khi các tri thức trẻ quay lại thành phố lớn sau cuộc cách mạng văn hoá (1966-1976) – thời gian nhiều thanh niên nam nữ bị đưa về nông thôn để đào tạo lại. Những thay đổi mạnh mẽ của xã hội Trung Quốc trong hai thời kỳ trên đã làm tỷ lệ ly dị tăng vọt.
“Trong một xã hội hiện đại với những cuộc cạnh tranh gay gắt, thời khoá biểu dày đặc thì việc giới trẻ sống độc thân là điều tự nhiên” – ông Zhou Xiaoyan, một học giả thuộc Học viện chính trị trẻ nói. Ông Zhou còn nói, nhiều người không có thời gian đi tìm một nửa còn lại.
Một thanh niên họ Han, 25 tuổi, chưa có bạn gái, đang làm việc cho một công ty nhà nước đã đồng ý trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Tân Hoa vào lúc 5 giờ chiều sau khi kết thúc công việc. Tuy nhiên, cuộc hẹn hoãn lại đến 10 giờ đêm.
“Người quản lý của tôi mới 30 tuổi. Anh ấy còn độc thân và rất giàu có”, Han nói và nhấn mạnh sếp của mình có 2 ngôi nhà, 2 ôtô và đang cố tìm bạn gái nhưng vẫn chưa đạt được kết quả gì.
Ông Zhou Xiaoyan chỉ ra rằng, hầu hết những người còn độc thân ở Trung Quốc là công chức – giống Han và quản lý của anh ta. Hai nhân vật này đều được nhiều người ngưỡng mộ về có việc làm tốt, có kiến thức sâu rộng. “Những người ở tầng lớp xã hội cao như vậy sẽ tìm kiếm một người ở cùng mức của họ. Do đó, sự lựa chọn bị thu hẹp”.
Tuy nhiên, ông Zhou nhấn mạnh, “ở tầng lớp xã hội thấp hơn cũng có rất nhiều người độc thân, nhóm này thường trong độ tuổi 27 đến 30 có thu nhập thấp, không đủ điều kiện cho đời sống gia đình”.
“Xu hướng sợ kết hôn trong giới trẻ đang tăng lên. Những báo cáo về ly hôn, ngoại tình, lừa dối và bạo lực gia đình khiến chúng tôi ngại ngần phải lựa chọn” – Li Li nói.
Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2004, chính phủ Trung Quốc đã giải quyết 4.000 vụ ly hôn một ngày. 30% trong số 270 triệu gia đình Trung Quốc chứng kiến bạo lực gia đình.
Bất chấp những vấn đề lo ngại trên, nhiều thanh niên Trung Quốc vẫn bị bố mẹ thúc giục hoặc tự đặt sức ép với bản thân phải thành lập gia đình. Do đó, các công ty tổ chức dịch vụ hẹn hò cũng nở rộ và làm ăn phát đạt trong vài năm gần đây. Thông thường, mỗi thành viên khi tham gia đều phải đóng một khoản phí từ 1.500 đến 10.000 NDT. Một số công ty còn thu tiền lệ phí cao hơn, tới 20.000 NDT với lý do dịch vụ của họ là tốt nhất và các ứng viên đưa ra đều thuộc hàng “sao”.
Một thành viên của câu lạc bộ độc thân có tên là Wang nói, các dịch vụ hẹn hò và ngành kinh doanh môi giới hôn nhân ở Bắc Kinh đã phát triển với tốc độ nhanh không thể ngờ. Tại Hefei, thủ phủ tỉnh An Huy, một công ty chuyên về hôn nhân đã được thành lập và ban giám đốc của nó tuyên bố sẽ đưa ra những dịch vụ tối ưu nhất, theo nhu cầu riêng của mỗi người.
Theo Hoài Linh
Vietnamnet/ChinaDaily