Cờ độ bạc triệu lôi kéo sinh viên
Thua và… thua
14h ngày 27/4, trước cổng ĐH KHTN TP.HCM, ông Thịnh, một người chuyên ra thế cờ, đang sắp những quân cờ. Trên bàn cờ ghi dòng chữ quảng cáo “Chơi cờ giải trí. Đỏ đi trước. Xe chiếu tứ diện. Không chiếu cù nhầy”. Vừa sắp bốn bàn cờ, người này vừa chào mời: “Quân đỏ thắng thế. Đặt một thắng ăn ba, hòa ăn một. Quá dễ để kiếm tiền. Mời chơi!”.
Chỉ ít phút sau, hàng chục sinh viên đã tụ tập quanh các bàn cờ để “nghiên cứu”. Sau nhiều hồi đắn đo, Thái Quảng, một nam sinh viên, chọn giải thế cờ ở bàn số 2. Móc từ ví ra tờ 200.000 đồng duy nhất đưa cho ông Thịnh, Quảng tự tin: “Hôm qua giải thế này ba lần rồi mà bó tay. Tối qua về nghiên cứu kỹ rồi. Hôm nay phải lấy lại vốn lẫn lời”. Thế nhưng sau bốn nước cờ liên tục chiếu tướng quân đen, quân đỏ rơi vào “cửa tử”. Hết nước đi, miệng lẩm bẩm, Quảng đứng dậy bỏ đi đầy vẻ tức tối.
Tiếp sau đó, một nam sinh viên khác cũng bắt đầu đặt cược. “Cho đặt lớn tí nha ông anh. Hôm nay không bỏ tiết để ngồi chơi lâu được” – nam sinh viên này vừa nói vừa đưa hai tờ tiền, mỗi tờ 500.000 đồng cho ông Thịnh. Cuộc đấu trí này thu hút hàng chục sinh viên cổ vũ, không khí náo động cả một đoạn đường. Ván cờ ban đầu có vẻ cân bằng. Quân đỏ đang ở thế “đơn tốt bắt tướng”, chiếm thế thượng phong. Còn quân đen quyết liệt thí xe giữ tướng. Ông Thịnh liên tục khen ngợi nước cờ cao tay của đối thủ. Sau hơn năm phút đấu trí, như thường lệ, quân đỏ lại thua cuộc.
Mỗi ván đấu cờ thế thường chỉ vài phút. Có nhiều ván đấu, người chơi chỉ đi được ba nước cờ là thua cuộc. Vì vậy, chỉ trong vòng hơn hai giờ, ông Thịnh kiếm được hàng triệu đồng một cách dễ dàng. “Nếu thuận lợi thì mỗi ngày cũng kiếm được vài triệu, có khi hàng chục triệu. Nếu họ thua nhiều quá thì thả lại vài ván để giữ mối”, ông này cười nói.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn chơi với số tiền lớn, ông Thịnh không ngần ngại: “Chơi cờ thế thì bao nhiêu tui cũng chiều. Còn nếu chơi cờ sáng thì phải biết lực cờ mới chơi được. Nếu các cậu lực mạnh thì tui giới thiệu các kỳ thủ cho mà chơi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 5-6 đường dây chuyên tổ chức các trận đỏ đen bằng hình thức độ cờ tướng để moi tiền sinh viên. Mỗi đường dây độ cờ này do một ông “trùm” như ông Thịnh, ông Hùng, ông Phát… làm chủ, chuyên rải “lực lượng” hơn chục người có mặt khắp khu vực trước các cổng trường ĐH trong TP như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Công nghiệp, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ… Khi mới mở “sòng” hoặc các trận đấu đầu bao giờ cũng để các kỳ thủ sinh viên thắng được chút ít tiền để hứng khởi. Đến khi “con mồi” đã vào tròng sẽ bị thua cháy túi.
Ông Phát, một “trùm” chuyên tổ chức cờ độ cho giới sinh viên ở khu vực Q.5, Q.10, khẳng định ông có trong tay danh sách trên 30 nam sinh viên của ba trường ĐH, CĐ ở khu vực này.
Số tiền ghi nợ lớn nhất vì thua cờ độ của một sinh viên ngành tin học là 20 triệu đồng và ít nhất là 1,5 triệu đồng của một nữ sinh viên khoa quản trị kinh doanh một trường ĐH dân lập. Các “nhân viên” của đường dây cờ độ này cũng đang giữ bốn chiếc xe gắn máy của sinh viên cầm cố do thua độ. Ông này cũng cho biết cách đây năm tháng từng xảy ra hai trường hợp sinh viên thua độ “ký sổ” nhiều lần không có tiền trả, bị các “nhân viên” của một đường dây cờ độ đánh bầm mặt và dọa sẽ vào trường đòi nợ để “nhắc nhở”.
Lập nhóm đấu độ
Những đường dây này còn tổ chức cho nhiều sinh viên mê chơi cờ tướng độ lập thành từng nhóm của trường ĐH, CĐ này thách đấu các nhóm trường ĐH khác. Việc lập nhóm này, theo Minh Hùng – sinh viên Trường ĐH Kinh tế, sẽ mang lại nhiều lợi thế.
“Nhiều người thì số tiền hùn nhau sẽ lớn hơn. Mỗi lần đi thách đấu tiền ăn sẽ được nhiều. Vài triệu đến vài chục triệu đồng nhóm mình cũng xoay được”, Hùng cho biết. Và nếu như không đủ tiền cho các trận quyết chiến, “nhân viên” của các đường dây sẽ sẵn sàng ứng ra cho mượn hay bao thầu kiểu ông bầu. Kết quả, dù bên nào thắng thua thì tiền độ cũng dễ dàng vào tay các “trùm”.
Sáng 22/4, chúng tôi đến gặp nhóm của Hùng tại một quán cà phê trên đường Trần Nhân Tôn, Q.5. Cả nhóm đang bàn bạc cho trận độ sắp tới. Chúng tôi ngỏ ý muốn gia nhập nhóm, Hùng ra điều kiện: “Phải có một số tiền khoảng 10 triệu đồng để nhóm giữ. Khi có độ sẽ có ngay tiền chung chi”.
Nhóm của Hùng có mười thành viên và mỗi tuần nhóm đều có ít nhất một trận độ. “Mấy ngày nữa sẽ chơi với nhóm bên ĐH Bách khoa. Lần trước ăn tụi nó 10 triệu đồng, nay bên đó tính tăng tiền độ lên gấp đôi. Mấy cậu mới vào vụ này bỏ tiền ra lo, xem như lễ ra mắt”, Hùng yêu cầu.
Nhóm của Hùng được thành lập gần một năm nay. Bất kể thời gian nào, cả thời gian thi cử, nhóm này luôn sẵn sàng nhận lời đấu với nhóm khác. Thực chất, đứng sau nhóm này có sự tư vấn của một đường dây tổ chức cờ độ, môi giới cờ độ để hưởng tiền hoa hồng.
Theo ông Thịnh, ông luôn có sẵn gần chục mối cờ độ của các nhóm sinh viên. Khi có bất kỳ nhóm cờ sinh viên nào cần tìm mối, ông Thịnh sẽ đứng ra giới thiệu và “cắn” tiền cò 5%. Chiều 25-4, khi đang nói chuyện với chúng tôi, nghe Hoàng – trưởng một nhóm cờ độ Trường ĐH Bách khoa – gọi điện đến nhờ tìm mối, ông Thịnh đã sốt sắng giới thiệu để “thách đấu” với một nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa do Hà đứng đầu. Khác với nhóm của Hùng ở Trường ĐH Kinh tế, nhóm này có tiềm lực tài chính lớn hơn hẳn.
Theo lời ông Thịnh, nhóm của Hà sẵn sàng nhận lời đấu với bất cứ ai, bao nhiêu tiền cũng có thể chơi. Sở dĩ như vậy vì nhóm này được hỗ trợ của nhiều ông “trùm” trong giới cờ TP. Thế nên khi có một lời thách đấu, nhóm của Hà sẽ không chơi mà được hỗ trợ bỏ tiền ra thuê các “cao thủ”. “Mấy cậu muốn chơi úp hay cờ sáng nhóm này đều chiều. Trước ngày đấu một ngày thì hẹn gặp nhau để trao đổi về số tiền, địa điểm, thời gian, chọn trọng tài và cách thức giao tiền. Ít nhất trên 20 triệu đồng nhóm này mới chơi” – Hà ra điều kiện.
Trắng tay
Việc chơi cờ độ với số tiền lớn đã đẩy nhiều sinh viên vào cảnh nợ nần chồng chất. Chiều 27/4, theo chân ông Phát – một “trùm” khá nổi tiếng trong giới sinh viên chơi cờ độ – đến cổng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ, nơi có ba “nhân viên” thường xuyên túc trực mở bàn cờ độ lôi kéo các sinh viên. Gặp ông Phát, Ninh – một nam sinh viên – cay cú: “Hôm qua nhóm em thua nhiều tiền quá nên giờ có mấy đứa trốn luôn. Hôm nay còn mấy đứa quyết định cầm một chiếc xe gắn máy, lần này hi vọng là thắng”.
Ninh cho biết mấy hôm nay chơi cờ độ với ông Phát khá nhiều và đều thua trắng. Cả nhóm quyết định cầm chiếc xe gắn máy Air Blade với số tiền 15 triệu đồng để chơi, mong lấy lại tiền. Nắm được tâm lý của nhóm sinh viên, ông Phát thả hai ván đầu, nhóm của Ninh ăn được 1,2 triệu đồng. Nhưng chỉ sau bảy ván đấu, tất cả số tiền của nhóm đã nằm trong tay ông “trùm”.
Trong khi đó, trước cổng Trường ĐH Công nghiệp, cứ vào thứ sáu, thứ bảy hằng tuần thường xuyên có hai nam “nhân viên” trong đường dây cờ độ của ông L. bày cờ thế để lấy tiền của sinh viên. Chiêu của hai người này là một người ra thế cờ, người khác đóng vai người chơi, trên tay luôn cầm một số tiền rất lớn để đánh. Mỗi lần đặt tiền ít nhất là 1 triệu đồng và thường chiến thắng.
Nhiều sinh viên thấy “dễ xơi” liền góp “cổ phần” với người chơi và thua trắng ở ván quyết định. Số sinh viên phải lao đao, nợ nần vì cờ độ chưa thống kê được nhưng chủ của trên mười tiệm cầm đồ xung quanh khu vực này cho biết có khá nhiều xe máy, laptop… do sinh viên đem cầm cùng những lời than thở vì thua cờ độ.
Tại tiệm cầm đồ KN, Đức, một sinh viên nhà ở Q.Tân Bình, nói phải cầm cái laptop mà gia đình mới mua với giá trên 20 triệu đồng để có 4 triệu đồng đóng tiền học tiếng Anh vì số tiền gia đình cho đã nướng vào cờ độ.
Cờ độ ở quán cà phê
Khu Miếu Nổi, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) là nơi tập trung nhiều quán cà phê chuyên cho dân chơi cờ độ đến sát phạt, cũng tụ tập khá đông sinh viên bỏ giờ học ra chơi. Sáng 26-4, chúng tôi đến quán cà phê L ở khu vực này, mới 8g quán này đã đông kín người chơi cờ độ. Cảnh chung chi tiền độ, cáp kèo, bàn luận thế cờ diễn ra rất sôi nổi.
Doãn “cò”, một tay chơi cờ úp khét tiếng ở khu vực này, nói: “Chơi cờ úp thì muốn chơi bao nhiêu, kể cả trăm triệu đồng cũng chơi. Nếu không đủ tiền thì tụi tui điện ông bầu tới lo”.
Theo ông Doãn, những tay cờ độ ở khu vực có khá đông sinh viên là khách “mối”, luôn được một số “ông bầu” đầu tư tiền bạc khi đánh lớn với khách lạ. Chính vì thế, tại khu vực này luôn có một nhóm chuyên kiếm “kèo” để cáp độ. Thành, sinh viên một trường ĐH dân lập có cơ sở gần khu vực này, nói ngày nào trước giờ học cũng ghé chỗ này làm vài ván, nếu thua thì mượn tiền của các “bầu” ứng trước, khi cha mẹ ở quê cho tiền sẽ trả lại. |
Theo M.Mẫn-Q.Trang-Ng.Diệu
Tuổi Trẻ