Xúc động với lời nhắn nhủ từ viện dưỡng lão của mẹ
“Các con là hãy sống an nhàn, hạnh phúc”
Chúng tôi đến trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức (Từ Liêm, Hà Nội) khi không khí ngày lễ Vu Lan báo hiếu đã tràn ngập từng căn nhà, góc phố và sáng ngày 15 âm lịch, các cụ già nơi đây lại quây quần bên nhau đón một mùa lễ Vu Lan mới – lễ Vu Lan trong viện dưỡng lão.
Mặc dù rất nhớ các con, nhưng cụ Lê Bích Châu (83tuổi, Hà Nội) hiện đang ở trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức vẫn không muốn các con phải thường xuyên đến thăm mình. Đơn giản chỉ vì cụ thương và lo lắng cho công việc hàng ngày của các con.
“Tôi có 3 người con, mỗi đứa một nơi: đứa nước ngoài, đứa thì ở tận Đắk Lắk, đứa ở Hà Nội. Đứa nào cũng thương bố mẹ nhưng công việc lại bận rộn và rất vất vả không có thời gian chăm sóc nên tôi tự đề đạt các con để vào đây ở. Dù ở đây buồn, thi thoảng cũng rất nhớ các con nhưng mỗi đứa đều có công việc riêng nên đành cho nỗi nhớ chảy ngược vào trong mà sống thôi chị ạ”, cụ Châu nói.
Cụ Châu cho biết, cụ ở viện dưỡng lão cũng được 22 tháng và đây cũng là mùa Vu Lan thứ 2 cụ Châu ở viện dưỡng lão: “Mùa Vu Lan trước, lúc mới vào là có cả cụ ông nữa thì cũng vui vẻ hơn, con cái cũng vào thăm nhiều nên vui vẻ. Ở mùa thứ 2 này thì ông nhà tôi đã mất rồi, sáng nay các con cũng đã vào thăm nên tôi cũng được an ủi phần nào”.
Cụ Châu chia sẻ, ngày trước, khi các con cụ còn nhỏ, vào những ngày rằm, lễ Vu Lan hay Tết Nguyên đán, gia đình cụ thường làm một mâm cơm cũng gia tiên sau đó cả nhà cùng quây quần ăn, cùng trò chuyện. Tuy nhiên, “Giờ mỗi đứa ở một nơi, những đứa ở xa một năm mới gặp nhau vài ba lần, tôi cũng thấy buồn. Dù nhớ các con tôi cũng chẳng dám than thở. Các con còn có con cái, công việc chứ không nhàn hạ như mình ở trong này”, cụ Châu nói.
Cụ Châu tiếp lời: “Vu Lan là một dịp nhắc nhở con cháu nhớ đến cha mẹ mình. Với tôi, dù con cháu không thể hàng ngày vào thăm, nhưng một tháng cũng đôi lần chúng rủ nhau đến, thế là vui rồi. Còn việc báo hiếu thì các con sống vui vẻ, an lành, hạnh phúc là cách báo hiếu tốt nhất đối với mẹ rồi”.
Cùng chung tâm trạng như của cụ Châu, cụ Bùi Thế Năng ở Hà Nội cũng được con cháu thường xuyên vào thăm. Mới sáng nay, các con cụ cũng vào đây thăm nom rồi mang quà vào cho cụ.
Cụ bảo: “Vào viện là ý của ông, chứ không có ai ép. Bởi vì ông nghĩ, ông ốm đau, bệnh tật nếu ở nhà, phải bỏ tiền để thuê osin phục vụ thì vừa tốn kém mà lại không yên tâm. Ông vào trung tâm, con cái sẽ đỡ vất vả, như thế chúng sẽ có nhiều thời gian rảnh rang hơn để lo công việc nhà nước, công việc xã hội. Hơn nữa, khi vào đây, ông cũng có người chuyên nghiệp hướng dẫn tập luyện cho khỏe mạnh”.
Thế nhưng, khi vào đến viện dưỡng lão, mọi sinh hoạt khác xa với cuộc sống ở nhà khiến đôi lúc cụ cảm thấy buồn, đơn độc. Nhưng rồi, cụ lại tự tìm cho mình một niềm vui mới, đó là đọc báo, tập đi lại đều đặn mỗi ngày. Nhờ sự kiên trì, sau khi vào trung tâm dưỡng lão được nhiều tháng cụ đã tự đứng dậy bám vào xe lăn đi cả một đoạn đường khá dài.
Nhắc đến chuyện về nhà ngày lễ, cụ lại xua tay: “Ở đây ông thấy cũng ổn rồi, các cô chú ở trung tâm còn tổ chức lễ Vu Lan chứ về lại thêm khổ, vất vả cho con, cho cháu. Thi thoảng con cháu đến thăm là hạnh phúc lắm rồi chứ nhiều cụ khác ở đây đáng thương lắm vì ngày thường cũng chẳng bao giờ thấy có ai đến thăm nom, nói gì đến ngày lễ”.
Rồi cụ chia sẻ: “Thực ra niềm vui lớn nhất, cách báo hiếu lớn nhất mà mỗi người làm cha, làm mẹ mong nhận được đó chính là được nhìn thấy con mình thành người, anh em hòa thuận với nhau chứ không phải cứ ở cạnh là có hiếu đâu cháu ạ”.
Ngôi nhà thứ hai
Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức rộng 900m2 với một khu hoàn chỉnh gồm 45 phòng ở, ba hội trường và một phòng tập phục hồi chức năng với khoảng 200 người cao tuổi đang sống tại đây.
Những ngày này, chỉ có một số ít các cụ đươc đón về nhà ăn lễ Vu Lan cùng con cháu, còn đa số các cụ khác đều chọn ở lại tại trung tâm vì không muốn các con quá lo lắng cho mình.
Lễ Vu Lan là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành kính với cha mẹ
Lúc 5 giờ chiều, tất cả các cụ trong trung tâm đều được gọi đến nhà ăn để ăn bữa tối. Tại đây, các cụ được phục vụ theo nhu cầu, có cụ ăn cơm với thức ăn bình thường, có người ăn cơm nát, người ăn cháo… Một số cụ phải ăn theo chế độ dinh dưỡng riêng dành cho người có bệnh…
Cụ Hòa (72 tuổi) chia sẻ: “Con cái chúng nó đi suốt, cả ngày có khi chẳng nhìn thấy mẹ, thế nên tôi mới bảo chúng nó đưa vào đây. Mới đầu nhớ nhà thi thoảng tôi cũng về nhưng dạo gần đây thì tôi không về nữa”.
Giám đốc trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Đức, ông Nguyễn Tuấn Ngọc chia sẻ: “Mỗi người già vào trung tâm Thiên Đức có một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi đã vào đây, tất cả họ được gắn kết như một gia đình nhờ những tình cảm chân thành từ phía ban giám đốc, các y, bác sĩ và giữa những người cao tuổi với nhau.
Ông Ngọc cho biết: “So với việc ở gia đình riêng thì việc ở trung tâm dưỡng lão mang lại cho các cụ một đời sống tinh thần không nghèo nàn.Ở đây chúng tôi luôn luôn duy trì các hoạt động xã hội như, ngày 20/11 thì các cụ từng là giáo viên sẽ được tổ chức tặng hoa, quà; ngày 27/2 thì các cụ từng là thầy thuốc cũng được tổ chức tương tự. Ngoài ra chúng tôi cũng quan tâm đến đời sống tâm linh cho các cụ, trong sáng mai ngày 15 âm lịch chúng tôi cũng tổ chức lễ Vu Lan cho các cụ cảm thấy vui vẻ, an tâm như ở nhà mình”.
Ông Ngọc khẳng định, mục đích mở ra trung tâm dưỡng lão này là để “thay đổi định kiến của nhiều người về trại dưỡng lão”. “Tôi muốn làm nhiều người không còn nghĩ rằng việc đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là việc làm bất hiếu, bởi khi vào đây, các cụ đã có được sức khỏe và đời sống tinh thần tốt hơn và không còn ủ dột, não nề nữa”, ông Ngọc nói.
Theo Hạnh Thúy
VietnamNet