Xúc cảm với triển lãm “Phụ nữ và hoa”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 19/04/2012Lần cập nhập cuối: 14/01/2021
Chào mừng 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ sưu tập tranh của họa sĩ Phạm Lực giới thiệu đến người yêu hội họa triển lãm tranh với chủ đề: Phụ nữ và Hoa.
 
Xúc cảm với triển lãm “Phụ nữ và hoa”

Người phụ nữ lao động là nguồn cảm hứng bất tận của họa sĩ Phạm Lực

Hơn 100 bức tranh của gần 30 nhà sưu tập được vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau: bột màu, lụa, sơn dầu, sơn mài, bao tải, khắc gỗ… thể hiện 2 nét đẹp tinh túy của thế giới là Phụ nữ và Hoa.

Đó là hình ảnh chân chất, bình dị, mộc mạc của thiếu phụ vùng quê, là gương mặt đôn hậu đảm đang của người vợ người mẹ, là dáng dẻo dai, bất khuất khi cầm súng chiến đấu, là nét thời gian trên khuôn mặt của những người bà người mẹ…

Bên cạnh đó là sự điểm xuyết của nét tung hứng về những đóa hoa nhiều màu sắc rực rỡ: hướng dương, cúc, hồng, sen… Đến triển lãm, người xem như lạc vào mê cung của những khoảnh khắc và lát cắt đẹp trong cuộc sống qua cảm nhận của người họa sĩ.

Họa sĩ Phạm Lực sinh năm 1943; quê nội ở Thừa Thiên – Huế, quê ngoại ở xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
 
Xúc cảm với triển lãm “Phụ nữ và hoa”
Xúc cảm với triển lãm “Phụ nữ và hoa”
Xúc cảm với triển lãm “Phụ nữ và hoa”

Một số hình ảnh tại Triển lãm “Phụ nữ và hoa”

Trải qua nửa thế kỷ không ngừng học tập và sáng tạo, họa sĩ Phạm Lực đã sáng tác khối lượng tranh khổng lồ trên đủ các chất liệu: bột màu, lụa, sơn dầu, sơn mài, bao tải, khắc gỗ… Tranh của ông phản ánh sinh động cuộc sống xã hội, nhưng tập trung nhất, tiêu biểu nhất là cuộc sống của những người phụ nữ lao động. Cũng thi thoảng Phạm Lực túc tắc tạt vào miền hoa và thiếu nữ. Tranh tĩnh vật hoa, thiếu nữ bên hoa là món đặc sản của hội họa Phạm Lực.

Và, có lẽ Phạm Lực là họa sĩ duy nhất ở Việt Nam có “Câu lạc bộ sưu tập tranh Phạm Lực”. Hội viên câu lạc bộ hiện đang sinh sống tại nhiều miền đất nước và làm đủ ngành nghề. Dù trình độ năng lực cảm thụ nghệ thuật có khác nhau, nhưng tựu chung họ đều gặp trong tranh Phạm Lực sự cảm thông, gần gũi, chia sẻ. Bởi vậy, họ đã trân trọng, giữ gìn tranh Phạm Lực, coi đó là tài sản quí trong gia đình và không ngừng làm phong phú thêm cho bộ sưu tập của mình.

Triển lãm Phụ nữ và hoa mở cửa từ 8/4 đến hết ngày 13/5/2012 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội.

N.H