“Xuất khẩu” đồ Hand-made
Nguyễn Thị Cẩm Vân, du học sinh Việt Nam tại New Zealand cùng với nhóm 7 bạn sinh viên khác tại ĐH Otago đã “khai sinh” ra dự án HandiConnect (ghép từ “handicap” (người khuyết tật) và “handicraft” (hàng thủ công) với “connection” (kết nối).
Sản phẩm được lòng người tiêu dùng
Sản phẩm được bán chính tại các chợ cuối tuần ở thành phố Dunedin, dưới hình thức bán hàng trực tiếp. Ban đầu, Vân và các bạn trong nhóm khá lo lắng về sự “khó tính” của thị trường nước ngoài. Nhưng trên thực tế, khách hàng New Zealand rất dễ tính, họ thường ưu tiên chọn mua các sản phẩm mang tính nhân đạo (ethical products). “Có một điều rất thú vị rằng, phần đông khách hàng khi đến quầy của HandiConnect và tận tay cầm sản phẩm lên đều nói rằng: “Oh, it is gorgeous!” (“Ồ, sản phẩm này rất tuyệt!”). Khách hàng còn luôn động viên và góp ý chân thành để nhóm cải thiện sản phẩm. Chính sự thuận lợi này cũng là động lực giúp tụi mình quyết tâm theo đuổi dự án”, Vân chia sẻ.
Những món quà dành cho người khuyết tật
Để dự án chạy suôn sẻ, HandiConnect hiện nay có 7 thành viên ở New Zealand, 3 thành viên ở Việt Nam cùng rất nhiều tình nguyện viên khác. Mạng lưới thành viên thường là các bạn ở các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP. HCM, Huế, Đà Nẵng… đảm nhiệm vai trò tìm và mua hàng, kết nối với tình nguyện viên để phân chia công việc, tổ chức sự kiện.
Vì là những sản phẩm nhỏ lẻ nên doanh thu được tính theo đợt hàng, sau khi đã trừ đi các chi phí. Lợi nhuận thu được sẽ gửi về Việt Nam để các thành viên và tình nguyện viên trong nước trực tiếp tổ chức các buổi trao quà và học bổng cho người khuyết tật. Tháng 8/2013, HandiConnect đã dành những khoản doanh thu đầu tiên trao 5 suất học bổng đặc biệt, trị giá 500.000 đồng/suất và 120 phần quà, trị giá 50.000 đồng cho các bạn khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo việc làm cho người khuyết tật Thừa Thiên – Huế. Đến tháng 12/2013, HandiConnect trao tặng một dàn máy vi tính, 162 phần quà tổng giá trị là 21.630.000 đồng cho các bạn khuyết tật tại Làng trẻ em mồ côi, Cơ sở Bảo trợ xã hội Mái ấm Anh Đào, tại Khánh Hòa và Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa.
Tại Hà Nội, vào Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12), những bạn khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa và Nhóm thiệp Nhân Ái Hà Nội đã được trao 100 suất học bổng, 5 chiếc giường inox, với tổng trị giá 29.120.000 đồng trong chương trình “Vòng tay nối kết yêu thương”, do HandiConnect tổ chức. Cuối cùng, nhóm tổ chức thêm một buổi giao lưu tại trung tâm ở Huế, trước khi quay lại New Zealand.
Là một dự án giàu tính nhân văn, HandiConnect đã giành chiến thắng tại cuộc thi Audacious – Business Idea (Audacious – Cuộc thi ý tưởng kinh doanh) do ĐH Otago tổ chức, vào cuối năm 2013. Sau đó, nhóm nhận được lời mời hợp tác từ ông Richard Thomson để bán hàng cho chuỗi 13 cửa hàng bán lẻ lớn nhất của ông tại New Zealand, kèm theo một số yêu cầu về thiết kế bao bì, nhãn mác. Nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ về mặt truyền thông từ Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và các kênh radio ở New Zealand.
Tháng 6/2014, Vân sẽ kết thúc chương trình học ở New Zealand và trở về Việt Nam. Cô bạn trưởng nhóm này đang cố gắng đưa các sản phẩm của HandiConnect vào hệ thống bán lẻ của các cửa hàng đồ lưu niệm ở khu vực gần nơi mình sống. Vì các chủ cửa hàng lại yêu cầu nhiều về thiết kế mẫu mã bao bì để sản phẩm nhìn hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn nên Vân đang làm việc cùng chị Oanh Phạm, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo Hà Nội để cải tiến bao bì, nhãn mác theo yêu cầu của các chủ cửa hàng.
Hiện HandiConnect đang cố gắng thiết kế và phát triển mẫu thiệp pop-up, mô phỏng những tòa nhà và thắng cảnh nổi tiếng của New Zealand. Để phát triển lâu dài, nhóm đang phát triển hệ thống bán hàng và có trả thù lao cho các bạn bán hàng, đây sẽ là hệ thống tự vận hành và quản lý từ xa để HandiConnect “sống và sống tốt”, ngay cả khi các du học sinh tại New Zealand đã học xong, về nước.
Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam