Xem phim Tết: Ăn đã, bổ béo tính sau
Mùa phim Tết đã tàn. Những con số doanh thu chói lọi được đưa ra khiến nhiều người choáng ngợp vội tin ngay vào sự thắng thế của phim nội trên sân nhà. Hay, dở, nhảm, sến, bi, hài… cũng đã được phơi bày. Điều muốn nói là từ cái cách mà người xem phim đón nhận “món quà Tết” như thế nào có thể hình dung được cả tương lai của thị trường phim Việt…
Doanh thu chất ngất
16 tỉ là doanh thu của phim Võ lâm truyền kỳ theo thông tin được loan rộng rãi trên báo chí gần đây. Con số này có thể khiến người ngoài cuộc cảm thấy… choáng váng. Tuỳ theo mỗi người, sẽ có những thái độ khác nhau. Tự hào vì như thế là phim Việt thắng tuyệt đối phim ngoại trên sân nhà. Nghi ngờ đây cũng là một chiêu tiếp thị nhằm… khích những kẻ lười biếng nhất cũng phải mò ra rạp để mà biết bộ phim chục tỉ.
Thực ra, để biết con số “đúng” cũng không quá khó, số rạp trên cả nước đếm được, số ghế nhân giá vé lên là biết. Có điều chẳng ai rỗi hơi làm việc ấy. Chốt lại, doanh thu thực tế của phim chỉ có nhà sản xuất và… ngành thuế là biết. Khán giả chỉ cần biết bộ phim ấy đã đem lại cho họ những gì.
Trước khi cả 3 phim tết – có thể nói đùa là 3 phim “bom tấn” của Việt Nam – được công chiếu, người ta tạm hy vọng sẽ được cười thoải mái với Võ lâm truyền kỳ, sẽ vừa cười vừa khóc vì những bi kịch giới tính trong Trai nhảy, sẽ hồi hộp vừa theo dõi các kiều nữ phá án vừa ngắm xả láng những chỗ được ngắm của các cô trong phim Chuông reo là bắn.
Và thực tế đã diễn ra cũng rất sát với sự chờ đợi ấy. Phim nào cũng đông khách, doanh thu cứ hết tỉ này đến tỉ kia. Nhà sản xuất cười tươi trên báo, khán giả náo nức mua vé vào rạp, những buổi ra mắt tổ chức tưng bừng từ thành phố lớn đến thành phố tỉnh lẻ. Không khí phim Việt chiếu tết rôm rả, thị trường phim Việt xem ra ở thời thịnh đạt.
Ăn đã, bổ béo tính sau
Nếu tất cả những lan man tản mạn từ đầu bài tới giờ khiến người đọc cảm thấy… khó hiểu, thì đó cũng là tâm trạng của người viết với những bộ phim Tết lần này. Lan man, khó hiểu trong sự dễ hiểu. Con cà con kê xen kẽ hành động tốc độ cao kiểu xe gắn máy… dường như đã là những công thức cho các “phim Việt chiếu tết” – khái niệm để phân biệt với những phim không chiếu tết – thường là lỗ chỏng vó.
Công thức toàn thịnh khi những phim top đầu ăn khách mấy năm nay, từ Khi đàn ông có bầu 2 năm trước tới Võ lâm truyền kỳ lần này đều có những điểm chung dựa trên cái nền rất… chung chung là “nhu cầu giải trí của công chúng”. Và cũng “nhu cầu” ấy khiến những phim tưởng như rất “chủ đề”, kiểu Trai nhảy, cũng không tránh được sự ôm đồm, tham lam, miễn sao làm cho người xem… thoả mãn nhu cầu.
Công chúng thích cười, thì đã có Hoài Linh, Tấn Beo làm trò, thọc léc như thế không cười sao được. Ai thích kỹ xảo thì đã có trâu bò điên cuồng, có bay lượn vèo vèo. Người thích gợi cảm các kiểu thì có ngay các cô gái của Chuông reo là bắn đáp ứng, có những màn mùi mẫn giữa hai chàng trai trong Trai nhảy. Khán giả thích kiểu châm biếm thì đấy, các bà sồn sồn trên sàn nhảy chẳng đáng bị chê cười lắm sao. Người xem thích bị “nghẹt thở” thì cũng có ngay Thanh Thảo dũng cảm lao vào gầm xe tải, có ngay Minh Thư nữ xạ thủ vào vai trinh sát…
Tóm lại kiểu gì cũng có, mỗi thứ một ít, mỗi phim như một món ăn nhiều gia vị, mà không cái gì cho quá nhiều, nên có vẻ ai ăn cũng được. Ăn xong, đứng lên đi về không thắc mắc. Cái cách xem phim như thế, giống như ăn cơm bình dân, ăn đã, bổ béo tính sau.
Thắng tương đối, thua tuyệt đối
Nhưng nếu chỉ là “cơm bình dân” thì liệu có đáng để người ta chờ đợi như sắp được ăn “đặc sản” và nhà sản xuất thì lăm le chỉ chờ đến tết mới tung ra? Nếu tự tin khán giả giờ ưa chuộng phim Việt thì sao không tung ra tứ thời quanh năm.
Chuyện này cũng đã có người nói rồi. Rằng chỉ có tết số lượng người dư dả thời gian đi chơi mới tăng đột biến và rạp chiếu phim là một trong những lựa chọn ưu tiên.
Ngày tết, người ta dễ dãi nên không bắt lỗi kỹ xảo phim Võ lâm truyền kỳ, không quan tâm tới sự “không hợp lẽ đời thường” trong Trai nhảy và không chấp vặt chuyện thiếu logic của Chuông reo là bắn – dù có người tỉ mẩn để ý cả chuyện phim này sai chi tiết lồng tiếng, miệng nhép một đằng, tiếng lồng một nẻo.
Chẳng sao, suy cho cùng thì những thứ như kỹ xảo, logic hay “lẽ đời thường” vẫn là cái gì đó cao hơn cái tầm “nhu cầu” phổ thông một nấc, và công chúng cần giải trí không nhất thiết bắt lỗi những chuyện đó.
Vì khán giả dễ dãi, và các rạp cũng ưu tiên phim nội – mỗi năm chỉ có một dịp, ai nỡ – nên việc ăn khách của các phim vốn được quảng cáo rất rầm rộ, là điều dễ hiểu.
Tuy thực tế không phải lúc nào cũng như quảng cáo, chẳng hạn, các nhà chiếu bóng ở hệ thống rạp lớn nhất Hà Nội – Megastar đã công bố số khán giả xem các phim nội thua xa số người đến xem phim ngoại The Holiday. Do vậy, sự thắng thế của “phim Việt tết” không thể coi là tuyệt đối, và rằng các con số chói sáng rất cần phải được… tính toán lại. Và các “mùa” khác, phim nội vẫn sẽ cứ thua như thường.
Và cái quy luật ấy – thắng tương đối, thua tuyệt đối – sẽ còn tiếp diễn khi nào những công thức nhằm vừa lòng nhu cầu thay vì làm phong phú nhu cầu vẫn còn thịnh trị.
Tuy nhiên, có thể thêm hy vọng khi tới đây phim Áo lụa Hà Đông được công chiếu. Phim này rất buồn, rất bi thương và rất có thể sẽ tạo ra một hiệu ứng mới, thêm vào cái nhu cầu “chỉ muốn cười” trước đây, và biết đâu nhờ đó mà đông khách. Nếu được vậy thì rất có thể, những công thức mới lại ra đời…
Theo Trí Dũng
Sài Gòn Tiếp Thị