“Vượt biên”… bàn chuyện đại sự

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 05/09/2005Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Tự tin, năng động, đầy am hiểu và dễ hoà nhập cùng bạn bè thế giới là chân dung phác hoạ của những “đại sứ sinh viên” này.

 

Đi nước ngoài như… đi chợ

 

Năm 2004 là năm xuất ngoại của Trần Thu Ngân – SV khoa Tâm lý, ĐH KHXH&NV Hà Nội. Tháng 9, sang SaraJevo, Bosnia dự diễn đàn “Thanh niên với vấn đề Phát triển và Hoà bình” do Worldbank tổ chức. Hai tháng sau lại vi vu tận Sriklanka để đóng góp “Sáng kiến chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên”. Tháng 12 tiếp tục có mặt tại Tokyo dự “Tuần lễ sinh viên, thanh niên châu Á”. Những chuyến đi đầy ắp nụ cười, bạn bè mới và hoàn toàn… không phải bỏ tiền túi như dân đi du lịch.

 

Bùi Tố Uyên, SV năm 2 ĐH Ngoại thương Hà Nội còn trở thành thành viên của Nghị viện Thanh niên thế giới khi mới là học sinh. Tháng 3/2003, chiến thắng trong cuộc thi tuyển do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, Uyên là một trong 2 đại diện của Việt Nam đến Rome, Italia để bàn về các vấn đề và thách thức đối với các thành phố tương lai.

 

Những cuộc thảo luận về môi trường, cơ sở hạ tầng, chính trị, văn hoá… dù chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi đã làm cô nữ sinh trường Ams trưởng thành hơn trong suy nghĩ. “Oai” nhất là buổi gặp gỡ và đề xuất ý kiến với các thị trưởng của thủ đô các nước và ý thức rằng tiếng nói của dân teen cũng được coi trọng.

 

Ngô Anh Quân, cựu học sinh Chu Văn An đã trải qua những tháng ngày đáng nhớ nhất trong thời học sinh khi được du ngoạn trên biển gần một tháng. Đây là chương trình “Voyage to the Future” do đài truyền hình NHK của Nhật Bản tổ chức.

 

Cùng với 41 thành viên đến từ các nước châu Á và đại diện nhiều báo đài, cậu học sinh lớp 10 được dự “học kỳ thực tế” trên con tàu Boseimaru đi dọc nước Nhật. Mọi hoạt động sinh hoạt, học tập, giao lưu văn hoá… đều diễn ra trên tàu. Mỗi lần cập bến các địa điểm trên hành trình… những kiến thức về địa lý, lịch sử, văn hoá lại được nạp vào bộ nhớ theo cách sinh động và thú vị nhất.

 

Hiện tại có không ít những bạn trẻ như Ngân, Uyên, Quân. Những cái tên như Hà Lan Anh, cựu học sinh trường quốc tế Hà Nội; Đinh Hồng Vũ, SV ĐH Ngoại thương TPHCM và Phùng Bích Thuỷ, SV ĐH KHXH&NV Hà Nội với không dưới 10 lần góp mặt tại các diễn đàn thế giới… là một làn sóng mới của những người trẻ ham hoạt động xã hội.

 

Chen chân vào các Hội nghị

 

Trong xu thế hội nhập, các cơ hội giao lưu ngày càng mở rộng đối với giới trẻ. Các hội thảo, diễn đàn… tầm khu vực và thế giới trong đủ lĩnh vực khác nhau luôn sẵn sàng đón những tiếng nói trẻ ở mọi nơi.

 

Kiên Trung mới trở về từ HPAIR 2005 tại Tokyo. Từng làm chủ tịch Hội SVVN tại ĐH Bangalore, Ấn Độ nên Trung có lợi thế nhất định về kinh nghiệm hoạt động. Học chuyên môn về CNTT nhưng khi đăng ký, Trung lại chọn hội thảo về “Y tế”.

 

Sau thời gian “cày xới” internet, Trung hoàn thành bài luận về tình hình HIV/AIDS ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Worldbank. Đây là tấm vé đưa cậu trở thành một trong 450 đại biểu được chọn trong hàng ngàn sinh viên quốc tế đăng ký tham dự.

 

Thu Hà, sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng là một kẻ thâm niên trong việc săn các suất giao lưu. Hà vừa tham dự “Tuần lễ sinh viên quốc tế” tại Greifsward, Đức nhờ sục sạo trang web www.eastchance.com. Đây là địa chỉ rất hữu ích với những ai muốn tham dự các hội nghị quốc tế. “Qua nhiều hội thảo, mình cũng nằm trong network những bạn SV quốc tế nên thường được giới thiệu về hội nghị lần sau” – Hà bật mí.

 

Là đội trưởng đội tuyên truyền sức khoẻ sinh sản vị thành niên của trường, tích cực tham gia cộng tác với Worldbank trong các dự án, Ngân đã gây ấn tượng về sự năng động, tự chủ. Và, cơ hội đến với các diễn đàn cũng mở rộng từ đấy.

 

Thành tích học tập và hoạt động ngoại khoá, khả năng giao tiếp, kỹ năng tiếng Anh… là “mẫu số chung” của dân “hội nghị quốc tế” này. Và đôi khi, kinh nghiệm cũng đóng một vai trò đáng kể.

 

Với những chương trình được tài trợ toàn bộ, đại biểu chỉ việc ung dung chuẩn bị tư trang chờ đến ngày lên đường. Thậm chí, trước khi sang Sing dự hội thảo về thế kỷ châu Á, Tố Uyên còn được yêu cầu cung cấp cỡ giày để BTC “sắm sửa”.

 

Tuy nhiên, đa phần các ứng cử viên phải qua một cửa ải khó khăn: xin tài trợ cho chuyến đi. Đã rất nhiều bạn trẻ phải tiếc rẻ bỏ cuộc ở các diễn đàn chỉ vì không lo đủ kinh phí. Kinh nghiệm của Thanh Tú, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội là “gõ cửa” các tổ chức liên quan đến lĩnh vực hoặc chủ đề mà hội thảo đề cập đến. Một nguồn tài trợ tiềm năng nữa là các hãng Hàng không. Cơ hội phụ thuộc vào khả năng thuyết phục về mục đích tham dự và khả năng đóng góp sau này của cá nhân.

 

Quảng bá hình ảnh đất nước

 

“Vượt biên”... bàn chuyện đại sự - 1

Thu Hà và bạn bè quốc tế.

Đến giờ, Thu Hà vẫn nhớ như in câu nói của một bạn Canada trong buổi tiệc chia tay của HN Ủy ban SV quốc tế tại Thuỵ Sĩ: “Nói chuyện với bạn làm mình thay đổi cái nhìn về đất nước bạn. Trước kia, mình nghĩ cộng sản không tốt đẹp, song giờ đây mình đã biết đến một Việt Nam cởi mở, thân thiện, lạc quan và tích cực”. Lúc ấy, Hà cảm thấy vô cùng tự hào. Niềm hãnh diện vì đã đóng góp một phần nhỏ bé nhưng ý nghĩa cho hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè thế giới.  

 

Đứng giữa bạn bè 5 châu, các SVVN đều ý thức và cố gắng xây dựng ấn tượng đẹp về quê hương và làm cho họ hiểu rõ hơn về đất nước con người Việt.

 

“Rất nhiều đại biểu châu Âu, khi nói đến Việt Nam chỉ ấn tượng về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Do đó, mình thấy có trách nhiệm phải đem đến hình ảnh hiện đại hơn. Đó là một Việt Nam giàu truyền thống văn hoá đang phát triển và hội nhập” – Thanh Tú tâm sự.

 

Đầu năm nay, sang Paris dự chương trình ĐH Á-Âu đúng vào mồng 1 Tết. Vậy là cận kề ngày đi, Tú lang thang Hà Nội để quay video không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền và cảnh phố phường trong những ngày đổi mới. Tú cũng mua một số tranh Đông Hồ làm quà lưu niệm với mong muốn giới thiệu một nét văn hoá nước mình.

 

Sắm sửa cho chuyến đi Nhật, Anh Quân bắt bố cùng rong ruổi trên khu phố cổ để kiếm bưu thiếp và đồ lưu niệm mang bản sắc dân tộc. Trong hành lý cho 1 tháng đi xa, quần áo thì ít mà đồ lỉnh kỉnh thì nhiều. Bù lại, Quân được nhiều dịp phổng mũi khi bạn bè không tiếc lời khen những đồ ăn Việt Nam.

 

Sau khi nếm bánh đa nem, nhiều đại biểu Hàn, Ấn, Sing… tấm tắc mãi vì vị đặc biệt và dẻo hơn loại “cứng, giòn” mà họ vẫn dùng. Đặc biệt hơn, ông Giám đốc đài truyền hình NHK rất khoái 2 món cafe Trung Nguyên và chè Thái Nguyên mà cậu đem biếu. Đến mức, một dịp sang Việt Nam công tác sau này, gặp lại Quân, ông lại… xin tiếp vì “chè Việt Nam rất tinh và thơm”.

 

Đi để thoả khát khao khám phá

 

Không chỉ được đi du lịch, có thêm bạn mới… các bạn còn được học nhiều điều thú vị: cách thức giao tiếp quốc tế, các kỹ năng như tranh luận, thuyết trình.

 

Những chuyến đi cũng là cơ hội va chạm với nhiều nét riêng biệt của các nền văn hoá khác. Một kỷ niệm mà Quân nhớ đến già là việc cậu… suýt phải cưới một cô bạn người Malaysia. Chẳng là cậu chàng hồn nhiên nhảy vào phòng nữ nước bạn giao lưu trong khi Lina, một cô gái đạo Hồi lúc ấy đang không đeo mạng che mặt. Nghe Lina kêu lên thất thanh và bị các bạn gái khác “đuổi” về mà vẫn ngẩn tò te, chẳng hiểu mình phạm tội gì. May mà, sau khi phân tích “tình hình”, đoàn Malaysia thông cảm và miễn tội.

 

Với Hà, dù nhiều Hội nghị tuy kết thúc song Hà vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các bạn. Năm ngoái, khi Hà chuyển địa chỉ ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam lên các forum và mailing list, rất nhiều bạn bè quốc tế đã tích cực hưởng ứng.

 

Tham dự nhiều diễn đàn, hiện Thu Ngân có dự định thúc đẩy phong trào thanh niên, ngay từ những lợi thế của mình. Ngân hi vọng Đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức và mời các bạn trẻ quốc tế đến tham dự.

 

Hiện LHQ đang khuyến khích các quốc gia thành viên, nhất là các nước phát triển, cử các đại diện thanh niên tới dự các phiên họp thường niên của tổ chức này. Tuổi trẻ, với khát vọng khám phá, chắc chắn sẽ còn nhiều đại diện góp tiếng nói của giới trẻ Việt Nam ở các diễn đàn năm châu.

 

Theo Hoàng Lê, Thanh TúVietnamnet