“Viên gạch sáng” đưa tôi vào đời

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 09/06/2006Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Tôi cam phận ở nhà quán xuyến việc trông nom sáu đứa em gái cho cha mẹ đi làm dường như ngầm tuyên bố rằng cuộc đời tôi đến đây là… chấm hết!

Cho đến một hôm, vài người bạn rủ tôi đi dự buổi hội thảo “Kỹ năng thay đổi cuộc sống ở người khuyết tật”, tôi đã thật sự bị thu hút bởi thuyết trình viên Phạm Anh Tuấn. Anh cũng là người khuyết tật như hàng trăm bạn đang ngồi dưới lắng nghe, nhưng anh có cách chia sẻ chân tình, tự tin, giản dị và đặc biệt rất linh hoạt trên chiếc xe lăn mà không hề tỏ ra một chút mặc cảm gì.

Tan buổi hội thảo, tôi tranh thủ gặp anh xin được tư vấn… “Hương có muốn học đại học?”. Tôi đáp lí nhí: “Nhà em nghèo lắm, em không dám mơ tới!”. Anh mỉm cười đôn hậu: “Anh sẽ giúp, miễn là Hương thật sự muốn học”.

Tưởng anh chỉ nói để an ủi người con gái tật nguyền. Dè đâu anh giúp tôi luyện thi đại học, rồi khi tôi có kết quả trúng tuyển, anh lại chạy tìm cho tôi một chỗ ở trọ, lo đóng tiền ăn, tiền học cho suốt một năm học của tôi nơi đất lạ quê người. Anh âm thầm vận động các anh chị phóng viên báo Mực Tím và báo Giác Ngộ xin tài trợ cho tôi chiếc xe lắc tay để việc đến trường thuận lợi và an toàn hơn.

Càng tìm hiểu về anh, tôi càng ngạc nhiên thú vị và học hỏi ở anh nhiều lẽ sống. Bị khuyết tật nặng hơn tôi gấp nhiều lần nhưng anh không đầu hàng số phận. Anh học say mê và đã tốt nghiệp các ngành mỹ thuật, y tế trung cấp, Anh văn, vi tính, âm nhạc, văn chương…

“Mình chỉ là viên gạch trong hàng triệu viên gạch tình thương khác trong xã hội đang xây nên chiếc cầu vững chắc giúp các em bất hạnh đi lên để vượt qua số phận thôi” – anh nhỏ nhẹ bảo.

Hơn 15 năm qua, anh đã âm thầm làm “gạch lát cầu” giúp biết bao trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được an tâm đến trường theo đuổi ước mơ của mình.

Mỗi lần gặp tôi, anh đều chân thành chia sẻ những kinh nghiệm khi anh làm cán bộ trong dự án chăm sóc trẻ em đường phố có HIV/AIDS. Anh trao đổi cho tôi cách chăm sóc trẻ em khi bị nhiễm trùng cơ hội, cách cai nghiện ma túy cho trẻ đường phố và cách tham vấn, truyền thông cho các em bị HIV/AIDS sống tự tin hội nhập với cộng đồng một cách tích cực và tránh được sự lây lan.

Anh đã được bù đắp khi những đứa trẻ đường phố anh chăm sóc đã được đến trường, được học vi tính, vẽ tranh, sáng tác truyện… Có em đã có việc làm ổn định, có em đã vững bước vào đời. Anh được nhận danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin 2004 do tạp chí Echip tôn vinh do có công phát triển xã hội hóa tin học cho những người bị HIV/AIDS.

Sau khi kết thúc dự án chăm sóc trẻ em có HIV/AIDS, anh về lại quê nhà ở Biên Hòa, Đồng Nai, ngày ngày cặm cụi đi vẽ đồ họa vi tính tranh ảnh quảng cáo, dạy kèm học sinh để tiếp tục tiếp sức cho những người nghèo, khuyết tật như tôi được tiếp tục đến trường.

Phan Thị Mỹ Hương(SV ĐH Mở – Bán công TPHCM)

Theo Tuổi Trẻ