Vì sao khán giả mê “phim nhảm” của Châu Tinh Trì? (phần 2)

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 25/08/2013Lần cập nhập cuối: 14/01/2021

Trong bộ phim Thanh Hồng của đạo diễn thế hệ thứ 6 của Trung Quốc là Vương Tiểu Soái, ông đã có cách thể hiện hết sức chua xót và ai oán về cách nhìn nhận tình yêu, tình dục sai lệch của thế hệ xưa cũ, thủ  cựu. Như vậy có thể nói, tiếng cười và sự gây cười từ phim nhảm, xiềng xích, gông cùm truyền thống cổ hủ lạc hậu đã bị lật đổ và đập tan, tình yêu và tự do nhân cách mới chính là những quyền lợi cơ bản và chính đáng, xứng đáng được trân trọng và bảo tồn nhất.

 

Châu Tinh Trì và Củng Lợi trong Đường Bá Hộ Điểm Thu Hương

Châu Tinh Trì và Củng Lợi trong Đường Bá Hộ Điểm Thu Hương

 

Trong khi việc thể hiện tình cảm vợ chồng, tình yêu nam nữ đã không còn dựa vào việc hôn nhân là nguồn gốc. Hơn nữa, hôn nhân truyền thống lấy trung tâm từ quan niệm môn đăng hộ đối, địa vị và tiền tài đều bị công kích và phản kháng kịch liệt, chỉ có tình yêu của hai người tự nguyện đến với nhau có thể vượt qua tất cả những yếu tố vật chất tầm thường. Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng có thể tự mình lựa chọn tình yêu mà mình thấy hài lòng, ưng ý.

 

Những điều này trong phim của Châu Tinh Trì đều bị lật đổ, tức là đưa những phận người từ vị thế bị động có quan hệ ngang hàng với tất cả mọi người, con người có thể tự do theo đuổi cá tính riêng của mình, sống theo bản tính của mỗi người. Châu Tinh Trì biết sử dụng cách gây cười một cách độc đáo và khác biệt.

 

Thổi nhân tính người hiện đại vào nhân vật thần thoại

 

Với văn hóa phim nhảm, việc sáng tạo ra nhân vật cũng xuất phát từ những con người có cái nhìn một chiều theo lối truyền thống, họ từng bước được chuyển hóa và trở thành những người có cái nhìn đa diện, nhiều chiều. Việc sáng tạo nên hình tượng nhân vật Tôn Ngộ Không trong Đại thoại Tây Du thậm chí là một hình tượng đa diện và phức tạp.

  

Tính cách nhân vật Tôn Ngộ Không trong Đại thoại Tây Du vừa tham lam và háo sắc, cư xử ngông cuồng không còn biết phép tắc. Hắn đã có hai hồng nhan tri kỷ lại còn muốn “qua lại” với Thiến Phiến công chúa (Bà La Sát) vợ của Ngưu Ma Vương. Hắn sống một cuộc sống không điều độ, chừng mực, có thể nói là yêu tính khó cải, khác xa với yêu cầu về hình tượng một nhân vật anh hùng bạo loạn, làm phản theo tư duy truyền thống.

 

Sự ảnh hưởng của văn hóa phim nhảm còn được thể hiện ở hình tượng nhân vật Trư Bát Giới, một nhân vật được hư cấu và giải thích theo cách của Châu Tinh Trì. Nhân vật này dưới quan niệm truyền thống từng là một nhân vật tham lam, háo sắc, lười biếng. Thế nhưng qua cách thể hiện của ngôn ngữ hậu hiện đại, Trư Bát Giới đã thể hiện được bản tính của một con người.

 

Trư Bát Giới trong Mùa xuân rực rỡ của Trư Bát Giới

Trư Bát Giới trong Mùa xuân rực rỡ của Trư Bát Giới

 

Từ đó mới có những Trư Bát Giới trong các bộ phim truyền hình dài tập như Mùa xuân rực rỡ của Trư Bát Giới (2000) của Phạm Hiểu Thiên, Diệp Sùng Minh và Mộng Kế; Hân hoan Trư Bát Giới (2004) của Lý Khải, Giả Siêu và Thái Thiên Phong hay Phúc Tinh Cao Chiếu Trư Bát Giới (2003) của Mộng Kế và Vương Vĩnh. Trong những bộ phim trên, nhân vật Trư Bát Giới đã trở nên đáng yếu, chân chất,thật thà và mộc mạc.

 

Tất cả những hình tượng nhân vật quân tử truyền thống đều bị thay đổi trong phim nhảm của Châu Tinh Trì và những bộ phim về sau. Hình tượng người không phải là những con người quá tốt hoặc quá xấu xa, tất cả các nhân vật đều là những con người phổ biến trong xã hội, thích ứng với thẩm mỹ của số đông, dù là thần tiên cũng đều mang nhân tính trong người.

 

Cổ vũ trong sáng tạo nhân vật đa nhân cách

 

Sau khi thể loại văn học mới của Trung Quốc ra đời, cách nhìn nhận về hình tượng con người đều được nhìn nhận lại và phân tích mổ xẻ một cách thấu đáo. Thế nhưng do ảnh hưởng từ ngôn ngữ cách mạng đã thẩm thấu một thời gian quá dài vào ngôn ngữ khai sáng đã dẫn đến sự sáng tạo nên những nhân vật hoàn hảo, tuyệt mỹ của các nhà văn trong nền văn học Trung Quốc suốt 27 năm qua. Cách thức sáng tạo nhân vật vẫn phân thành hai dạng cực đoan hóa rõ ràng, xem nhẹ việc tạo nên những nhân vật đa nhân cách. Chỉ đến khi xuất hiện phim nhảm của Châu Tinh Trí, ông đã lập tức phá vỡ mô hình tạo nên nhân vật theo hướng trên.

 

Châu Tinh Trì trong Đại nội mật thám

Châu Tinh Trì trong Đại nội mật thám

 

Châu Tinh Trì đã lật đổ và phá vỡ những nhân vật được tạo dựng thông qua hình tượng những nhân vật truyền thống có sẵn và đóng đinh vào nếp nghĩ của mỗi người. Qua đó ông thổi hồn vào những nhân vật này, làm mới và hiện đại hóa hình tượng nhân vật. Nhân vật trong phim của ông không còn phân biệt một cách rõ ràng trắng đen phân minh mà có tính cách đa chiều, phức tạp khó đoán trước.

 

Xã hội Trung Quốc bấy lâu vẫn đi theo lý tưởng vĩ đại, người dân trải qua một thời kỳ dài bị bó buộc vào quy phạm lý luận truyền thống trên, đồng thời chưa hề có một cuộc cải cách sâu rộng nào. Theo đó, đạo đức lễ giáo truyền thống thường áp đặt các quy tắc hành vi ứng xử với con người với nhau, xem nhẹ khả năng, cá tính riêng của mỗi cá nhân điều này khiến con người ta phải nhẫn nhục chịu đựng, ngậm bồ hòn làm ngọt, sống theo kiểu lựa gió bẻ măng để rồi tạo ra một kiểu nghệ thuật gọi là tinh tế, tỉ mỉ. Cách nhìn nhận của quan niệm đạo đức truyền thống trên tự thân nó đã trở nên lạc hậu, đặc biệt trong phim Châu Tinh Trì ông đã đi sâu giải phóng và bài xích cách suy nghĩ trên. Theo đó, ông đã tiên phong trong việc xây dựng lại nhân cách, cách nhìn nhận về tình yêu và tình dục đều thay đổi rõ ràng.
 

Góp phần giảm bớt áp lực, giúp lấy lại cân bằng trong cuộc sống

 

Hài và kịch vốn là thủ pháp chủ yếu trong cách làm phim của Châu Tinh Trì. Những thế hệ đời 7x được coi là những đại diện của một lớp người trong cuộc sống xã hội hiện đại. Họ phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn từ cuộc sống và công việc. May thay khi thế hệ này phải đối mặt với những vất vả, nhọc nhằn về cơm áo gạo tiền, thể loại phim nhảm của Châu Tinh Trì cũng ra đời đã như một cứu cánh, vô hình chung đã trở thành một trong những cách thức tốt nhất giúp công chúng thoát khỏi những muộn phiền, lo toan của cuộc sống thường nhật.

  

Chỉ cần dùng một câu thoại nhảm vô thưởng vô phạt cũng đủ khiến tinh thần con người ta trong một khoảng thời gian nhất định cảm thấy thư thái, sảng khoái và nhẹ nhõm hẳn đi. Giúp mọi người có thêm nghị lực, can đảm để đối mặt với vô số những khó khăn vất vả trong cuộc sống.

 

Nam tài tử, đạo diễn Châu Tinh Trì

 Nam tài tử, đạo diễn Châu Tinh Trì

 

Phim nhảm của Châu Tinh Trì đã sử dụng cách nói khoa trương, chỉ trích và tự trào. Bằng cách khoa trương biến tướng lời nói và hành vi đã thể hiện được văn hóa tinh thần hậu hiện đại. Đạp đổ những giá trị được cho là uy nghiêm, tối cao, đồng thời hướng đến cách giải trí mang lại tiếng cười thoải mái, thông qua cách thể hiện không quá sâu cay nhằm phá tan những định kiến xưa cũ.

 

Phim nhảm của Châu Tinh Trì với cách thể hiện pha trò, chọc cười để đả kích và cười cợt đã mang ý nghĩa xã hội văn hóa nội hàm sâu sắc, trực tiếp vạch rõ bản chất sự việc và những trò lố của xã hội. Phim của Châu Tinh Trì có thể nói đã hướng đến những giá trị đích thực và cốt lõi của con người và như vậy đồng nghĩa với thành công!

 

 

 
Long Vũ