Vì một Trường Sa xanh và bền vững
Ngày 18/4, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức phỏng vấn trực tiếp xét tuyển đại biểu thanh niên tham gia chương trình “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2016. Các ứng viên đã chia sẻ nhiều ý tưởng, đề xuất giải pháp hướng tới một Trường Sa xanh cũng như mong muốn được đến với vùng hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lộ diện 10 ứng viên
Năm nay, có 186 hồ sơ đăng ký ứng tuyển tham gia chương trình “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”. Trải qua vòng sơ loại, đã lựa chọn ra 22 thí sinh xuất sắc nhất vào vòng phỏng vấn trực tiếp để xét tuyển 10 thanh niên tiêu biểu nhất tham gia chương trình.
Anh Lê Duy Hưng Thịnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn cho biết, năm nay, nhiều ứng viên có các chương trình hành động khả thi, góp phần nâng cao khả năng tuyên truyền về biển đảo; đề xuất những giải pháp hỗ trợ xử lý chất thải, trồng rau xanh, nước ngọt, cung cấp điện năng… cho Trường Sa.
Tại buổi phỏng vấn, các ứng viên tự tin trả lời câu hỏi liên quan tới chủ quyền biển đảo, hiểu biết về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; chia sẻ và thể hiện khả năng tham gia, tổ chức các hoạt động tập thể; cũng như có các nghiên cứu đề xuất giải pháp cải thiện môi trường, điều kiện sinh hoạt tại Trường Sa.
Anh Phạm Thanh Lương (SN 1986), Bí thư Đoàn Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm, Hà Nội chia sẻ ý tưởng làm clip cho các gia đình nơi đất liền có người thân sinh sống, công tác tại Trường Sa; gây dựng hoạt động viết thư, tặng quà giữa học sinh nơi đất liền với học sinh tại Trường Sa; tổ chức các tiết dạy chia sẻ thông tin, hình ảnh về biển đảo với học sinh, ĐVTN nhà trường.
Lê Ngọc Thúy (SN 1990) cán bộ Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam quan tâm tới nghiên cứu, tư vấn tâm lý cho học sinh vùng biển đảo tiền tiêu…
Nổi bật về hoạt động phong trào, văn nghệ có ứng viên Vàng Thị Vừ (SN 1994) sinh viên Khoa Khoa học quản lý, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội – ĐHQG Hà Nội, là Bí thư Chi đoàn, Phó Chủ nhiệm CLB nghệ thuật thuộc Hội Sinh viên trường; Nguyễn Như Quỳnh (SN 1987) cán bộ Ban Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh Đoàn Hòa Bình.
Giải pháp kiến trúc nhà ở, xử lý nước sinh hoạt
Hoàng Nữ Trà My (sinh viên lớp 11KTT, Khoa Kiến Trúc công trình, ĐH Kiến trúc Hà Nội) gây được ấn tượng tại buổi phỏng vấn khi thể hiện khả năng văn nghệ, vừa đệm ghita vừa hát ca khúc về chiến sỹ hải quân.
“Em mong muốn được ra Trường Sa để hiểu hơn về điều kiện thực tế, những khó khăn của đời sống sinh hoạt, lao động. Qua đó, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp, dự trù kinh phí xây dựng nhà ở trên đảo để nâng cao tính khả thi của công trình nghiên cứu”.
Hoàng Nữ Trà My (ĐH Kiến trúc Hà Nội)
Về học tập, cô còn đạt được các thành tích như giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2014-2015 cấp trường; có bài nghiên cứu in trong tập san Re-SHAPING Urban Coastal Land – SCAPES.
My cũng là trưởng nhóm công trình nghiên cứu “Giải pháp kiến trúc nhà ở trên vùng hải đảo xa bờ Việt Nam”, trong đó, đối tượng nghiên cứu trực tiếp hướng tới là đảo Trường Sa Lớn và đảo Song Tử Tây.
My cho biết, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu thực trạng, thu thập tài liệu có liên quan đồng thời tập trung nghiên cứu thực trạng điều kiện sống, môi trường và giải pháp kiến trúc nhà nơi các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Công trình nghiên cứu của nhóm cũng đề xuất giải pháp về quy hoạch mặt bằng, vị trí xây dựng nhà ở; bố cục nhà ở, khu bếp, khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi… sắp xếp theo hình chữ U.
Để khắc phục sự khắc nghiệt của gió, nắng nóng, độ mặn nước biển và tình trạng thiếu nước ngọt ở Trường Sa, nhóm My đề xuất: Bố trí xây dựng giữa sân nhà bể chứa nước mưa cùng hệ thống thu nước mưa hình phễu bằng kết cấu khung tre kết hợp màng vải nhựa giúp tận thu nước mưa, đồng thời tạo bóng mát.
Trên mặt bể nước có thể lắp những tấm pin năng lượng mặt trời để thu nhiệt từ năng lượng; tạo điện từ gió biển để tạo thêm nguồn điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Xung quanh nhà trồng cây xanh, rau vào những hộp xốp.
My cũng cho biết, công trình nhà ở ưu tiên tận dụng vật liệu có sẵn tại chỗ từ việc áp dụng công nghệ tạo bê tông từ cát biển, nước biển và phụ liệu để xây tường; vật liệu tái chế; sơn chống hao mòn, hoen gỉ…
Nguyễn Quang Vinh (SN 1982) Bí thư Liên chi đoàn Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chia sẻ nghiên cứu giải pháp cung cấp và dự trữ nước ngọt tại Trường Sa.
Theo anh Vinh, hiện có nhiều công nghệ và giải pháp xử lý nước thải và dự trữ nước ngọt hiệu quả, nhưng có không ít hạn chế về độ bền, chi phí cao. Chẳng hạn, công nghệ chưng cất nước biển bằng năng lượng mặt trời có công suất hạn chế; công nghệ lọc nước RO có chi phí cao… Anh Vinh đề xuất giải pháp tách nước muối thành nước sinh hoạt từ việc áp dụng công nghệ màng Nano áp suất thấp.
Trước đó, anh Vinh từng đoạt giải Ba giải thưởng sáng tạo Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) năm 2010, giải Khuyến khích cuộc thi sáng tạo tiết kiệm năng lượng năm 2011; tham gia chương trình Sáng tạo Việt với chủ đề cung cấp và dự trữ nước cho miền núi.
Anh Vinh cho biết, mong muốn có cơ hội tham gia hành trình để có điều kiện thực tế phục vụ cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lọc nước; đồng thời cung cấp thông tin để phát động chương trình sáng tạo nghiên cứu xử lý chất thải, lọc nước trong đoàn viên, thanh niên Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường.
Theo Mai Xuân Tùng
Tiền phong