Vào rừng săn lùng nấm ngọc cẩu để “giữ lửa phòng the”
Khi thời tiết bắt đầu se se lạnh, người dân vùng cao Tây Giang bắt đầu vào rừng săn lùng loại nấm quý hiếm này. Ông Zơrâm Hướp – Chủ tịch UBND xã Tr’Hy – cho biết, thời gian này nhiều người dân ở đây đều gác việc nương rẫy để vào rừng hái nấm về bán cho thương lái. Với giá khoảng 50-60 nghìn đồng/kg tươi; một ngày, một người có thể hái cả tạ nấm tươi”.
Loại nấm ngọc cẩu thường mọc trên các vùng núi cao từ 1.300m trở lên. Chỉ những khu vực có khí hậu lạnh mới tìm thấy loại cây này. Ở nước ta, nấm ngọc cẩu mọc nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc như Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La… Còn ở Tây Giang, nấm này mọc nhiều ở các xã Ch’Ơm, A Xan và Tr’Hy vì nơi đây có những ngọn núi cao, khí hậu lạnh và luôn ẩm ướt. Muốn hái được nấm phải vượt qua quãng đường dài và dốc dựng đứng.
Sáng sớm, theo chân già làng Riáh Danh cùng những thanh niên mạnh khỏe làng Abanh 2, xã Tr’hy vào rừng tìm nấm. Cả dãy núi K’lang với rừng nguyên sinh rậm rạp, chằng chịt dây leo, dốc đứng, vực sâu nhưng đối với đồng bào Cơtu thì chẳng ăn thua gì với họ. Họ thuộc đường rừng như lòng bàn tay.
Anh Riáh Neo (trú thôn Abanh 2) kể, từ nhỏ đã theo Ama, Amế (Bố, Mẹ) lên rừng rồi nên giờ thành quen. Đôi chân đã chai rồi không sợ gì hết, sống nhờ rừng, lâu lâu không đi rừng cảm thấy nhớ nhớ. “Hôm nay, vào mùa mưa mình biết thế nào cũng có nấm ngọc cẩu nên huy động mọi người đi, hy vọng kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình”, anh Neo nói.
Sau vài giờ lội bộ băng rừng, đôi chân rã rời và ai cũng đã thấm mệt, nhưng khi phát hiện những cây nấm ngọc cẩu từ lòng đất chui lên với màu sắc sặc sỡ trông đẹp mắt thì ai cũng khỏe lại. Nấm mọc tập trung từng cụm, mỗi cụm có hàng chục cây nấm gắn kết nhau. Cách lấy chúng cũng đơn giản, chỉ cần đào quanh, sâu khoảng gang tay thì lấy được.
Giữa trưa, sau khi nấm đã đầy gùi, những người đi lấy nấm ăn vội bữa cơm trưa để kịp “hạ sơn”. Cầm cây nấm trên tay, già làng Riáh Danh bảo chỉ thu hoạch những nấm đã trưởng thành thôi. Nghĩa là hoa của nó đã to và dài cỡ gang tay người lớn là được. Còn những cây nấm còn nhỏ mới nhú thì chừa lại khoảng 3-4 ngày nữa lên thu hoạch sau. Như vậy chất lượng nấm mới tốt và bán được giá cao.
Để làm ra bình rượu nấm ngọc cẩu có hai cách là ngâm củ tươi và xắc phơi khô rồi mới ngâm. Trước đây, người dân chỉ ngâm rượu bằng chum, vại nhưng nay nhiều người chọn bình thủy tinh để ngâm vì đẹp, nhìn vào bình rượu trông rất bắt mắt.
Ngâm tươi thì đơn giản, chỉ cần rửa sạch nấm, để ráo nước thì ngâm được. Rượu để ngâm là rượu gạo nguyên chất từ 38-43 độ. Một ký ngọc cẩu tươi ngâm với khoảng 5 lít rượu. Rượu ngâm trong thời gian khoảng 3 tháng là uống được.
Còn muốn rượu ngon thì thường người ta ngâm ngọc cẩu khô. Cách ngâm này rất cầu kỳ. Ngọc cẩu sau khi làm sạch được thái mỏng. Phần củ thái riêng, phần ngon thân nấm thái riêng. Nấm thái xong đem phơi ở điều kiện không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà chỉ dùng sức nóng.
Thường nấm được phơi trong nhà, dưới mái tôn. Sức nóng của tôn sẽ làm nấm khô dần, như vậy giữ được màu sắc và mùi hương. Sau khi nấm đã khô, dùng khoảng 3 gram nấm khô ngâm với 5 lít rượu gạo, nếu muốn cho rượu thơm dễ uống thì bỏ thêm ít mật ong hay trái la hán quả.
Ở trung tâm huyện Tây Giang hiện nấm ngọc cẩu được thương lái bày bán rất nhiều. Chỉ với 60.000/kg so với 300 nghìn/kg ngoài Tây Bắc thì đây là món hàng siêu lời. Chị Hoa, một thương lái chuyên buôn bán các mặt hàng cây dược liệu có biệt danh “Hoa Sâm” cho biết, nấm ngọc cẩu không chỉ bán cho cán bộ, khách du lịch đến Tây Giang mà họ còn ship hàng vào tận TPHCM hay ra tận Hà Nội.
Vì nhu cầu mua lớn nên người dân vùng cao Tây Giang đổ xô vào rừng truy tìm nấm quý, nguy cơ cạn kiệt loại nấm quý này rất lớn. Trước thực trạng này, huyện Tây Giang đã có phương án bảo vệ tốt loại nấm này cùng với các loại cây dược liệu quý khác như cây sâm ba kích, đẳng sâm, táo mèo, chè dây…
Ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch huyện Tây Giang – cho biết, thiên nhiên ban tặng Tây Giang nhiều cây dược liệu quý hiếm có giá trị y học cũng như kinh tế cao. Huyện đã xây dựng phương án bảo vệ và phát triển những cây dược liệu quý hiếm này, xem đây là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Cụ thể từ các nguồn vốn 30a, 135, trong giai đoạn 2011-2015 huyện Tây Giang đã đầu tư 16,8 tỷ đồng hỗ trợ người dân trồng cây bản địa ba kích, đảng sâm và tr’din, đồng thời phát triển 144,6ha cây ba kích, 339,2ha đảng sâm và nhiều diện tích cây tr’din dưới tán rừng… đến nay đã cho thành quả.
Nấm ngọc cẩu là loại mọc và sống ký sinh trên rễ của những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp. Dưới mỗi cụm nấm luôn có một rễ cây cứng, muốn lấy chúng phải cắt rễ cây này. Nấm ngọc cẩu là loại thảo dược nửa dạng cây, nửa dạng nấm, không có lá. Thân có màu đỏ nâu sẫm, được cấu tạo bởi cán hoa lớn, mang hoa dày đặc, có bao bọc bằng mo màu tím. Nấm có mùi thơm đặc trưng. Hoa nấm nạc và mềm, không có lá. Hoa đực và hoa cái phân biệt rõ ràng. Cụm hoa đực hình trụ, dài 10-15cm. Cụm hoa cái hình đầu, dài 2-3cm. Ruột hoa nấm giống như ruột quả thanh long, chứa tinh bột. Theo các tài liệu dân gian, nấm ngọc cẩu được sử dụng trong các bài thuốc làm bổ máu, bổ thận, cường dương, kích thích đường tiêu hóa, thông tiểu, chữa nhức mỏi tay chân, đau lưng, di tinh, liệt dương; đặc biệt tốt cho phụ nữ phục hồi sức khỏe sau khi sinh… |
Đ.Hiệp-C.Bính