Văn Lộc: “Anh chàng vỗ tay”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 19/12/2006Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Lúc ấy hỏi Văn Lộc về cái nghề này, anh chàng cười: “Cực lắm nhưng mà vui”. Bẵng đi một thời gian, mấy hôm trước, tình cờ gặp lại Văn Lộc cũng tại một gameshow, vẫn cái dáng lăng xăng chạy khắp nơi trong trường quay, nhưng cái đầu thì đã… cạo trọc lóc.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, Văn Lộc phân trần: “Mình xuống tóc để hạ quyết tâm sẽ sống chết với nghề này luôn…”.

Nói rồi Lộc đưa cho tôi một tấm danh thiếp, trên đó có đề rõ ràng dòng chữ: Cheermanager (đạo diễn khán giả) Văn Lộc với đầy đủ địa chỉ cơ sở, số điện thoại, fax, email…

Tốt nghiệp ngành đạo diễn Trường Cao đẳng SKĐA TPHCM, nhưng từ khi còn là cậu sinh viên năm nhất cho đến lúc ra trường, công việc làm thêm đến làm chính thức của Văn Lộc vẫn là nghề vỗ tay.

Năm năm theo đuổi công việc này, Văn Lộc giờ có thể tự hào rằng: “Mình đang phụ trách khán giả cho 13 gameshow và phụ trách người cho kha khá chương trình quảng cáo. Hiện nay, nếu cần mình có thể huy động được từ 3 đến 5 ngàn người…”.

Nắm trong tay một lượng lớn người, lại gần như phụ trách một phần “cơm, áo, gạo, tiền” hàng tháng cho rất nhiều sinh viên, Văn Lộc hầu như trở thành “tổng đài” hàng ngày của giới sinh viên muốn tìm thu nhập bằng cách … vỗ tay.

Lần nào trò truyện với Văn Lộc, tôi cũng nghe tiếng chuông điện thoại réo liên hồi để hỏi rằng: “Có game nào mới không anh?”; “Bao giờ đi quay nữa vậy”… Và nhất là đến những ngày phát lương, điện thoại của Văn Lộc còn… bận rộn hơn nữa.

Lắm lúc, gặp trục trặc, quay xong nhưng chưa lấy được tiền phát lương, Văn Lộc lại cuống quýt lên tìm cách trả lời những cú điện thoại: “Anh ơi, em sắp đóng học phí rồi”, “Anh ơi, em đóng tiền nhà”…

Có lần, không có sẵn tiền để đưa trước cho các bạn, vậy là Văn Lộc đành phải đem xe đi cầm. “Cái nghề này, uy tín phải đặt lên hàng đầu. Nếu thất hứa, sau này ai tin mình mà làm cho mình nữa chứ!”…

Dạo gần đây, cũng có một vài nơi gợi ý, bảo Văn Lộc về làm trong công ty, với thu nhập cũng khá cao mà công việc lại ổn định. Đắn đo, trăn trở suốt mấy ngày liền, Văn Lộc cuối cùng đã từ chối tất cả để quyết định đi theo cái nghề ở Việt Nam chưa có ai làm, cái nghề mà thậm chí nhiều người còn chẳng thể nghĩ đó là nghề nữa.

Trả lời cái lý do khiến mình quyết tâm theo đuổi nghề lạ này, Văn Lộc lắc đầu: “Không biết lý do gì nữa. Bố mẹ thì lúc nào cũng bảo mình phải chọn cái nghề nào đó cho ổn định, cho ra nghề mà làm.

Bà con hàng xóm thì lại bảo: số mày chỉ có thể làm mỗi công việc này thôi. Theo mình, chắc là trời định, là cái nghiệp của mình. Thôi thì, cứ quyết định là bao giờ gameshow còn tồn tại thì Văn Lộc còn tồn tại vậy…”.

Rồi Văn Lộc lại say sưa nói về việc đầu tư cho “cái cơ sở nhỏ nhỏ”: “Sắp tới mình phải mua thêm mấy bộ đàm để tiện phân công cho các bạn lúc làm việc.

Phải dành tiền để mua thêm chiếc xe đưa rước cho tiện hơn. Chứ để các bạn tự túc đến trường quay cũng có nhiều cái bất tiện lắm! Còn phải… “đột nhập” vào các kí túc xá sinh viên để mở rộng lượng người nữa chứ…”

Chia tay Lộc ra về, tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng với lời tâm sự của anh chàng cheermanager này: “Thôi thì người nào thương thì thừa nhận thằng Lộc đeo đuổi cái nghề mới. Còn ghét thì đành chịu cái tiếng rằng, thằng đó đi vỗ tay…”.

Chắc chắn rằng con đường phía trước của Lộc sẽ còn nhiều khó khăn sau khi “ra riêng”, nhưng không hiểu sao tôi bỗng tin rằng, bằng sự cố gắng cùng với niềm yêu nghề thật sự, một ngày nào đó, “anh chàng 25 tuổi” này sẽ có thể chứng minh cho mọi người biết rằng: “vỗ tay” nếu có tâm huyết bỏ vào thì cũng thành một cái nghề danh giá như bất kì nghề nào…

Theo Bảo ThủyTuổi Trẻ