Ước mơ giản dị của “bà mẹ tám tuổi” khiến vạn người cảm động
Chương trình đầu tiên trong series “Tết này tôi ước” phát sóng trên HTV7 – Đài truyền hình TP.HCM đã gây được ấn tượng mạnh với người xem, với hình ảnh của cô bé Thanh Thanh.
Mẹ mất khi đứa em út vừa lọt lòng, bố sang tận Campuchia làm thuê, Thanh Thanh (ấp Sa Nghe, An Cơ, Châu Thành, Tây Ninh) đã sớm phải thay mẹ chăm lo cho hai đứa em 5 tuổi và hơn 1 tuổi.
Vì bà cũng bệnh nặng, đau yếu triền miên nên vừa học, Thanh Thanh vừa phải đóng vai trò như người mẹ trong gia đình. Ở cái tuổi mà các bạn còn chưa tự chăm sóc được bản thân, Thanh Thanh đã hằng ngày bón sữa, đút cơm, tắm rửa cho hai em và tự làm các việc nhà như một “người mẹ” đặc biệt của hai đứa trẻ.
Nguồn sống của cả gia đình phụ thuộc vào những khoản tiền còm cõi mà cha của Thanh Thanh tằn tiện gửi về từ Campuchia. Cứ mỗi bữa cơm, Thanh Thanh phải lấy bát chắt nước cơm để thay sữa bón cho em.
Đằng sau sự thiếu thốn vật chất, những khoảng trống bao la trong tâm hồn ba đứa trẻ gần như không thể bù đắp.
Nếu những bạn bè cùng tuổi đang háo hức từng ngày để đón Tết, Tết trong chị em Thanh Thanh chỉ mơ hồ là những ký ức màu đỏ, có cơm ăn, có ba mẹ bên cạnh.
Với những khung hình có tính nghệ thuật cao nhưng đầy chân thực, “Tết này tôi ước” đã lột tả một cách trọn vẹn cuộc sống và những góc tinh tế nhất trong tâm hồn cô bé 8 tuổi.
Tết của Thanh Thanh là cơm, áo, gạo, tiền và những ước mong bình dị nhất: sức khỏe của bà, nụ cười của mẹ, và ba trở về.
Ước mơ giản dị của “bà mẹ tám tuổi” khiến vạn người cảm động
“Tết này tôi ước”, với sự đồng hành của nhãn hàng Dr Thanh đã giúp Thanh Thanh cùng hai người em hiện thực hóa một phần ước mơ đó: hỗ trợ để người cha từ Campuchia về đón Tết, và tặng những món quà thiết thực nhất để gia đình Thanh Thanh được đón một cái Tết sum vầy, ấm áp và no đủ.
Để có được 20 chương trình phát sóng liên tục vào lúc 20h mỗi tối từ nay đến 6/2, ê-kíp chương trình đã tiếp xúc với hàng chục nhân vật. “Những nhân vật mà chúng tôi lựa chọn để quay có thể không phải là những hoàn cảnh tận cùng của bi kịch, nhưng họ thực sự là những người không có Tết và luôn cháy bỏng ước mơ về một cái Tết”, một thành viên trong nhóm sản xuất cho biết.
“Với mong muốn chia sẻ những cảm xúc tinh tế và cao đẹp trong những ngày Tết, khơi gợi sự lan tỏa về tình yêu thương con người, tình cảm gia đình và tạo những niềm vui nho nhỏ cho mọi người, nhóm sản xuất chương trình “Tết này tôi ước” đã xây dựng website http://tetnaytoiuoc.com.vn/ để khán giả có thể chơi games vui, nhận những món quà và cùng gửi những lời chúc ý nghĩa tới các nhân vật trong chương trình và những người thân thiết”, người này chia sẻ thêm.
Ngay sau số đầu tiên, số thứ 2 của chương trình với nhân vật là hai cụ già bán xăng trên hè phố Sài Gòn cũng gây được sự chú ý đáng kể, trong đó chi tiết nhận được rất nhiều sự đồng cảm là hình ảnh hai nhân vật ăn chung hộp cơm, kết quả của một buổi sáng lao động.
Những đoạn phim được chia sẻ trên Youtube sau khi phát sóng cũng khiến cư dân mạng quan tâm. “Chúng ta quá bận rộn và vội vã với guồng quay cuộc sống, và đôi khi cần những câu chuyện để thức tỉnh cảm xúc, giúp chúng ta cân bằng hơn giữa lý trí và cảm tính của lương tri. Đây chính là một câu chuyện như vậy”, một bình luận trên facebook viết.