Tức nhưng ngại phản ứng khi có người xem “trái ớt, em ti” của con
“Bà xem “trái ớt” em cu lớn chưa?”
Chị Trần Thu Hiền, nhà ở Thủ Đức, TPHCM kể, nhà chị ở chung cư, sân chơi sinh hoạt chung của mọi người nên trẻ nhỏ cũng tiếp xúc với người nhiều người.
Một vài lần, dẫn con xuống tầng trệt chơi, chị thấy một số các bác lớn tuổi, mấy cô giúp việc… thường hay đưa tay nhéo quần các bé trai để “bà xem quả ớt em cu thế nào”. Có người còn kéo quần của các bé ra xem cho bằng được.
Chị Hiền rất khó chịu, hiểu đó là điều không được phép dù biết nhiều người làm điều này như thói quen, không có ý xấu. Ngay cả mẹ chị, là bà ngoại cháu, mỗi lần cháu về quê thì việc đầu tiên cũng là… “bà xem thằng cu của bà”. Điều chị bực nhất là bực bản thân mình, chị thừa nhận mình rất ngại lên tiếng, phản ứng trước các hành vi này.
Chị thấy mình thật yếu ớt, đớn hèn khi mỗi lúc như vậy, chị chỉ có thể giữ con lại, chống chế với cháu: “Con không được phép cho ai sờ vào hết” mà không dám nói đúng vào hành vi của người khác.
Chị Thu Hương ở TPHCM kể nhiều lúc chị cũng bị “đơ” người, không kịp phản ứng khi người khác cưng nựng với con gái mình. Có khi đồng nghiệp nam của chồng đến nhà chơi, ôm hôn cháu rồi bế thốc cháu lên đùi ngồi ở sô – pha, chị khó xử vô cùng, phải vờ gọi con làm việc gì đó để “lôi” con ra.
Mới đây, chị đưa con đi nhà sách, dừng xe đang loay hoay tháo nón mũ thì ông bảo vệ… bẹo rồi đưa râu cà má con chị. Chị cuống quá chỉ kịp hỏi, ông làm gì đấy thì ông ta cười xuề: “Con bé dễ thương quá!”. Về nhà, chị trách mình đã không phản ứng dứt khoát hơn để bảo vệ con.
Cưng nựng trẻ nhỏ bằng các hành vi ôm hôn, xem rồi bình phẩm về bộ phận sinh dục của trẻ nhỏ… là một thói quen của không ít người Việt. Họ còn cho đó là cách để thể hiện tình cảm, yêu thương với con trẻ.
Ngay trong gia đình, ông bà bố mẹ nhiều người cũng thường xuyên cưng nựng các vùng riêng tư, nhạy cảm của con để thể hiện tình cảm. Có không ít trường hợp, cháu bé được bố mẹ cưng nựng đến mức bố mẹ phải thơm… con chim, cái bướm mới chịu đi ngủ.
“Mặt phải dày lên để bảo vệ con”
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) nêu quan điểm, cốt lõi nhất trong việc phòng chống dâm ô trẻ em chính là giáo dục để các em hiểu, cơ thể là của các em, không ai được được vào khi chưa được phép. Từ rào chắn này, các em sẽ dần hình thành ý thức, nhận diện hành vi xâm hại.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho hay, không ai được động chạm vào thân thể trẻ nhỏ nếu không có lý do chính đáng
Như trường hợp bé gái bị sàm sỡ trong thang máy ở Q.4, TPHCM, luật sư Nữ đánh giá, bé đã hiểu hành vi ôm hôn của người đàn ông là việc không được phép. Bé sợ hãi và bỏ chạy ngay lập tức khi cửa thang máy mở đến mức suýt ngã.
Chính vì thói quen cưng nựng trẻ nhỏ bằng những động tác thái quá của người lớn nên rất nhiều trẻ nhỏ bị xâm hại, dâm ô… nhưng không nhận diện được vì hiểu nhầm đó là yêu thương. Khi mọi người đụng chạm thường xuyên, dễ dàng thì đây đã không còn là vùng kín, vùng riêng tư, vùng “cấm địa” trong chính nhận thức của con trẻ.
Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến (Bệnh viện Thủ Đức) bày tỏ, nhiều trẻ bị dâm ô từ bé bằng những hành động cưng nựng, vuốt ve, hôn hít của người lớn bắt đầu từ văn hóa cho cô/chú xem cái “quả ớt, con ti” rồi bình phẩm nó ra rồi, lớn rồi. Trong khi đây là những điều cấm kị, không bao giờ được sờ hay nói về bộ phận sinh dục của đứa trẻ.
Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến cho hay, có khi người làm cha làm mẹ phải “dày mặt lên” vì sự an toàn của con
Nếu bố mẹ cho phép người khác làm điều đó với con mình ngay từ nhỏ thì đứa trẻ dần mặc nhiên cho rằng đó là điều bình thường. Thế nên, trước những hành vi này, theo bà Yến bố mẹ phải dứt khoát thể hiện thái độ “không được phép” với người đối diện và với cả con mình, phụ huynh không nên sợ mất mặt để con an toàn trong cộng đồng.
“Làm cha mẹ, có khi phải đắp bột lên mặt dày lên, đừng e ngại người khác nói này nói nọ, bớt cả nể để bảo vệ con”, bà Yến nói.
Hoài Nam