Trong tình yêu, khi không tìm được mối nào ngon hơn, người ta gọi là chung thuỷ?
Khi bạn đã có một cam kết dài lâu với một người, đừng tự cho phép mình đi tìm sự hoàn hảo ở người khác
Số tự nhiên nào là lớn nhất? Không có. Ai là người phù hợp nhất với bạn? Rất khó trả lời bởi luôn có một số lớn hơn số a, và luôn có một người ngoài kia tốt hơn sự lựa chọn của bạn. Và phải chăng, khi không tìm được mối nào ngon hơn, người ta gọi là “chung thuỷ”?
Trong bộ phim Before We Go (2014), Captain America, à không, nhân vật của Chris Evan đã từng nói: “Khi cô đã đính ước với một người, đừng cho phép bản thân mình đi tìm sự hoàn hảo ở người khác”.
Nhưng đời không như là phim. Trên đời đúng là không có ai hoàn hảo, nhưng rõ ràng tồn tại những người ở gần mức hoàn hảo hơn người khác. Và chúng ta vẫn luôn bị hấp dẫn bởi những người như thế, những mối “ngon hơn” như thế. Một khi đã xuất hiện người khác khiến ta mộng mơ về tương lai rồi, mọi bất cập của hiện thực bỗng nhiên hiện ra rõ rệt hơn bao giờ hết, thúc đẩy ta “có mới nới cũ”.
Bạn đã bao giờ nghe đến câu nói “Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi”, ngụ ý: trong mắt kẻ si tình, người tình luôn đẹp nhất. Câu nói trên không chỉ đề cập đến ngoại hình mà còn là tính cách, lối sống. Khi mới yêu, não bộ chúng ta tự động bỏ qua những nhược điểm của đối phương và chỉ tiếp cận những ưu điểm, khiến cho người ta yêu trở nên hoàn hảo, vĩ đại, không tì vết, không thể thay thế.
Thế nhưng, con người ta, theo quy luật tự nhiên, phải ngày càng trưởng thành, thông minh, lí trí và bớt sống theo cảm tính hơn. Khi cảm xúc phai nhạt dần theo thời gian và nhường chỗ cho lí trí, những nhược điểm của đối phương mà não bộ trước đây từng bỏ qua, đột nhiên xuất hiện trở lại. Bạn sẽ dần dần nhận ra người yêu bạn lười biếng, sân si, bốc đồng và ti tỉ những tính xấu khác. Tuy nhiên, nếu mọi thứ vẫn còn nằm trong giới hạn chịu đựng của bạn, bạn sẽ tặc lưỡi cho qua và nghĩ “trên đời này chẳng có ai hoàn hảo cả, đã yêu nhau thì nên chấp nhận cả những tính xấu của nhau”.
Đó là khi bạn chưa gặp ai “hoàn hảo” hơn mà thôi.
Nếu không có những cuộc phát kiến địa lý từ thế kỉ 15, có lẽ người Trung Quốc vẫn nghĩ sông Trường Giang của họ dài nhất thế giới. Nếu không tiếp xúc với những con người mới, có lẽ ta vẫn nghĩ người tình đang ngày đêm bỏ bê cảm xúc của ta là người tốt nhất trên đời.
Thế rồi một ngày kia, “mối ngon hơn” xuất hiện trong cuộc đời bạn, gợi lại cho bạn những cảm xúc hồi hộp, hưng phấn, tò mò, thích thú như thuở ban đầu với người cũ. Đến lúc đó, một cách rất tự nhiên, mọi động lực và sự cố gắng của bản thân bạn để chịu đựng những nhược điểm của người cũ bỗng tan biến như một làn khói.
Người yêu trước đây bỗng hiện ra trong mắt bạn nguyên vẹn là một con người cũ kĩ, nhàm chán với tất cả những tật xấu mà bạn đã chịu đựng bấy lâu nay: lười biếng, sân si, bốc đồng, vô tâm.
“Sao mắt em to thế, mũi em thô thế, lông mày em rậm rạp thế?”, người tình trong mắt hoá Tây Thi đâu rồi? Khi đã hết yêu rồi, Tây Thi ngày nào sẽ hoá thành Thị Nở đầy nhược điểm. Những nhược điểm đó trước giờ vẫn ở đó, chẳng qua là khi yêu, não bộ bạn giấu chúng đi. Hết yêu rồi, chính bộ não lại đem tất thảy những thói hư tật xấu đó ra trưng bày một cách rõ rệt nhất trước mặt bạn như ngầm quyết định thay con tim rằng: đã đến lúc phải dừng lại.
Bạn đã từng chạy xe 20km dưới mưa để đưa người thương đi ăn lẩu. Nhưng đó là khi bạn chỉ có một người thương. Khi xuất hiện một cô gái khác, bạn cũng thương, và cô gái đó chỉ ở cách bạn 5km, tự bạn sẽ thấy mệt mỏi vì “yêu xa” và khoảng cách bỗng dưng trở thành một vấn đề vô cùng to tát. Không còn gấp gáp, không còn khẩn trương, những cuộc hẹn cũng thưa dần, những câu chuyện cũng từ đó mà nhạt dần, báo hiệu cho một kết thúc đang tới.
Bạn sẽ thấy hối tiếc những ngày tháng xưa vô cùng, khi bạn còn đủ kiên nhẫn mà chịu đựng những góc khuất không hoàn hảo của người cũ. Bạn nhắn tin, người đó không trả lời. Bạn nuốt giận vào lòng để nhắn thêm một tin nữa, vì lúc đó họ còn quan trọng với bạn, bạn vẫn còn quan tâm. Bạn từng đợi người yêu trang điểm, thay quần áo đến nửa tiếng đồng hồ mà vẫn vui vẻ niềm nở, vì lúc đó chưa có ai xinh đẹp hơn, khẩn trương hơn, nhanh nhẹn hơn xuất hiện trong đời bạn. Khi một người tốt hơn xuất hiện, tự khắc chúng ta sẽ không còn kiên nhẫn với nhau nữa.
Khi tình yêu vốn đã hàm chứa nhiều lục đục, sự xuất hiện của “mối ngon hơn” chỉ là chất xúc tác của đổ vỡ. Trong bất kì một mối quan hệ nào cũng tồn tại một người luôn phải hạ mình để bao dung cho những khuyết điểm của người còn lại. Và khi “mối ngon hơn” xuất hiện, nhắc nhở bạn rằng “bạn có giá hơn thế, xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn thế”, tự khắc bạn sẽ thấy không cần phải hạ mình nữa.
Sẽ lại có người khen bạn xinh xắn, dễ thương, thú vị. Sẽ lại có một người trả lời tin nhắn của bác với tốc độ tên lửa. Sẽ lại có người dịu dàng, ân cần, dành nhiều thời gian và sự quan tâm hơn cho bạn. Sẽ có người không quản đường sá xa xôi, mưa gió sấm chớp để đưa đón bạn. Gặp một người ân cần như thế, bạn sẽ cảm thấy bản thân mình đáng yêu hơn, đáng được tôn trọng hơn. Những lời cay đắng “sao em trẻ con thế, sao em nông cạn thế?” sẽ được thay bằng những mật ngọt rót tai “anh thích sự nhí nhảnh, sôi nổi, vô tư của em”.
Bạn có chắc rằng đây là người tốt hơn không? Bạn có chắc rằng những tình cảm nồng nhiệt mà bạn nhận được từ “mối ngon hơn” sẽ lâu bền hơn không, hay đây chỉ là giai đoạn 1 của vòng lặp vĩnh cửu “cả thèm chóng chán” và “mối ngon hơn” thực chất là phiên bản 2.0 của người yêu cũ – người mà bạn đã từ bỏ?
Rất có thể, những âu yếm ân cần phút ban đầu chỉ là lời chót lưỡi đầu môi, thốt ra từ những con người đang bị cảm xúc đánh lừa. Chính bạn và “mối ngon hơn”, với tất cả những háo hức cho một mối quan hệ mới và nóng lòng được thoát khỏi mớ bòng bong cũ, một lần nữa bị sự mù quáng thuở ban đầu che mắt.
Khi tất cả những ảo tưởng phút ban đầu trôi qua, liệu hai bạn còn can đảm và kiên nhẫn để đi cùng nhau tới cuối đời, hay lại có những “mối ngon hơn” xuất hiện, lại đổ vỡ, lại chia xa, lại tự an ủi mình rằng tất cả những va vấp ngổn ngang đó chính là tuổi trẻ?
Biết đâu “mối ngon hơn” cũng đầy những khuyết điểm mà bạn (tạm thời) chưa nhìn thấy. Và biết đâu người đó đối tốt với bạn cũng chỉ vì đang ngụp lặn trong ảo giác “tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi”? Tôi không nói bạn cứ phải ngụp lặn mãi trong một mối quan hệ khiến bạn buồn bã, khổ sở. Tôi chỉ khuyên bạn rằng hãy kiên nhẫn và chớ có vội vàng liêu xiêu trước một bóng hình khác. Cuộc đời này vô thường lắm, “mối ngon nhất” suy cho cùng là người đi với ta đến hết đời. Mà trên chặng đường ấy, cứ thấy chiếc xe nào nhanh hơn là bạn lại náo nức đòi trèo lên, thì khó mà tìm được mối ngon nhất lắm. Bởi núi cao còn có núi cao hơn, mối ngon rồi sẽ có mối ngon hơn.
Chưa tìm được mối nào ngon hơn, người ta gọi là “chung thuỷ”? Người trẻ đang ngày càng hạ thấp giá trị của hai tiếng “chung thuỷ” thiêng liêng.
“Chung” là cuối, “thuỷ” là đầu. Trong tình yêu và trong đời sống vợ chồng chúng ta thường nhắc tới cái từ “chung thủy”. Hiểu nôm na là có đầu có cuối, đi từ đầu đến cuối. Ý các cụ là hãy sống từ lúc bắt đầu gặp nhau cho tới tận lúc cuối đời. Nếu người đó rời bỏ bạn chỉ vì kiếm được “mối ngon hơn”, họ vốn trước giờ chưa bao giờ chung thuỷ. Cũng như bạn, khi bạn kiên nhẫn và chịu đựng một mối quan hệ độc hại chỉ vì chưa có ai thay thế, đó cũng không phải là chung thuỷ.
Tất cả chỉ là sự tạm bợ thôi. Mà 2019 rồi, đừng tạm bợ nữa.
RLT, theo Helino