Tranh cãi việc người dân rủ nhau “check-in” trước nhà cựu Phó viện trưởng VKS sàm sỡ bé gái
Vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, quê Đà Nẵng) sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9, đường Nguyễn Khoái (TP. Hồ Chí Minh) gây phẫn nộ lớn trong dư luận.
Ông Linh nguyên là Viện phó VKSND Đà Nẵng, về hưu giữa năm 2018. Sự việc xảy ra khi người đàn ông này từ Đà Nẵng vào thăm con gái sống tại TP. Hồ Chí Minh. Tại cơ quan điều tra, bước đầu ông Linh chỉ thừa nhận thấy bé gái dễ thương nên “nựng”, không có hành vi sờ mó thân thể nạn nhân.
Bất bình trước hành vi của ông Linh, nhiều người dân đã kéo nhau tới nhà riêng của ông này nằm trên đường Lê Lợi (quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng) để chụp ảnh đăng lên mạng. Đa phần trong số này là những người trẻ. Theo những hình ảnh chia sẻ, mỗi buổi tối, có đến hàng đoàn xe ô tô, nối dài trước cửa nhà người đàn ông này để “check-in”.
Bất bình trước hành vi của ông Linh, nhiều người dân đã kéo nhau tới nhà riêng của ông này nằm trên đường Lê Lợi (quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng) để chụp ảnh đăng lên mạng. Ảnh: Facebook
Hành động này đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng. Bên cạnh ý kiến ủng hộ cho rằng, đây là hình phạt thích đáng dành cho những người biến thái, có hành vi dâm ô, tấn công tình dục người khác; thì số khác lại phản đối cho rằng, điều này gây phản cảm lớn, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của những người không liên quan.
Tài khoản Minh Vũ nhìn nhận: “Lên án, phê phán và yêu cầu pháp luật phải xử lý nghiêm minh hành vi của ông Linh là đúng nhưng việc check-in trước cửa nhà ông này không thể hiện sự văn minh chút nào. Những thành viên khác trong gia đình ông Linh, không có tội họ không đáng phải chịu sự dè bỉu, phê phán của mọi người”.
Trong khi đó, một tài khoản có tên Thu Hương cũng bức xúc: “Ai phản đối thì phản đối chứ mình thì ủng hộ. Những kẻ biến thái, lệch lạc như trên cần phải nêu rõ tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh cá nhân để mọi người còn có biện pháp phòng tránh. Nếu không lên án mạnh mẽ, thì sẽ còn nhiều vụ việc đau lòng hơn”.
Theo những hình ảnh chia sẻ, mỗi buổi tối, có đến hàng đoàn xe ô tô, nối dài trước cửa nhà người đàn ông này để “check-in”. Ảnh: Facebook
Chia sẻ với Pv Dân trí, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, việc dư luận đồng lòng lên án những hành vi xấu, gây ảnh hưởng đến xã hội là cần thiết.
Tuy nhiên, việc chụp ảnh, check-in trước cửa nhà đối tượng Linh – người được cho là có hành vi dâm ô bé gái lại vô tình gây áp lực, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những thành viên không liên quan.
“Chúng ta có thể lên án, đấu tranh bày tỏ sự phẫn nộ đối với những hành vi này bằng cách chia sẻ các bài viết, hình ảnh của đối tượng nhưng không nên làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người không liên quan”, chuyên gia này bày tỏ.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa thừa nhận, hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ có quy định xử lý hình sự đối với các tội danh xâm hại tình dục tuy nhiên các trường hợp quấy rối, sàm sỡ tình dục thì lại chưa quy định cụ thể.
Đơn cử như đối tượng sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Hà Nội chỉ bị xử phạt 200 nghìn là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Điều này gây ra sự phẫn nộ lớn trong dư luận.
“Tôi cho rằng, mức xử phạt quá nhẹ cũng là một trong những lý do khiến làn sóng bất bình, phản đối của người dân đối với những vụ việc tương tự càng trở nên mạnh mẽ.
Ở nhiều nước trên thế giới hành vi quấy rối tình dục được coi là một loại tội phạm và xử lý rất nghiêm khắc. Việt Nam cũng nên học hỏi để có những chế tài xử lý phù hợp, đủ sức răn đe”, chuyên gia này nói.
Hà Trang