Tôi sẽ trở thành tỉ phú
Tôi thích thú khi được bạn bè gọi bằng cụm từ đó, bởi đó cũng chính là mơ ước của tôi. Từ khi còn học cấp I, hễ gặp một đề toán đại loại như: “Sáng nay mẹ đem ra chợ bán hai con gà, mẹ mua một quả bí…”. Tôi liền hỏi cô: “Sao đề toán không là: Sáng nay mẹ ra chợ giao hai lô hàng, mẹ mua một máy giặt…”, những lúc như thế bạn bè cứ nhìn tôi như người ngoài hành tinh.
Nhưng tôi nói có gì sai. Nếu cuộc sống chỉ đơn điệu quanh quẩn bên con gà, quả bí thì bao giờ mới thoát nghèo. Có giàu, cuộc sống mới hạnh phúc, mới làm được nhiều việc có ích chứ. Chẳng phải nhờ có những người giàu như ông chủ của Công ty bút bi Thiên Long mà trường tôi đã có một thư viện khang trang, tôi và một số bạn nghèo như tôi hằng năm đều nhận học bổng vượt khó từ Thiên Long đó sao? Không có người giàu mở công ty, nhà máy thì bố tôi và nhiều người khác tìm đâu ra việc làm ổn định?
Tôi đi học không phải để tìm mảnh bằng để tìm việc làm. Tôi học để khám phá bản thân, khám phá thế giới, để làm giàu. Tôi phải thật giàu để thay đổi cuộc sống bản thân tôi, gia đình tôi và những người nghèo như tôi hiện nay. Những lúc vào thư viện, khát khao đó cứ thôi thúc tôi tìm đọc những bài báo viết về gương vượt khó, về thành công của các doanh nhân.
Trong vai trò của một liên đội trưởng, nhờ biết vận dụng kinh nghiệm từ các bài báo tôi đã làm quỹ Liên đội ngày một giàu lên, như: Đến đợt thu gom giấy loại làm kế hoạch nhỏ, tôi đề xuất, ngoài số lượng nộp theo chỉ tiêu đã đề ra, bạn nào thu gom được thêm không kể số lượng Liên đội sẽ thu mua theo giá 800 đồng/kg như giá mua tại các điểm mua phế liệu. Thế là một phương án đạt được 4 mục đích: Một là giảm được sức ép lên môi trường (rác thải và gỗ nguyên liệu làm giấy); hai là, kế hoạch luôn đạt chỉ tiêu; ba là, các bạn phấn khởi và có thu nhập; bốn là, quỹ Liên đội giàu lên nhờ chênh lệch giữa giá mua và bán trực tiếp (2.200 đồng/kg) cho công ty giấy.
Cuối năm học, tôi lại vận động các bạn lớp trên bán lại sách cũ cho các bạn lớp dưới (bằng 1/3 giá bìa), bạn nào có nhu cầu mua sách giáo khoa mới, Liên đội lên danh sách đặt mua theo giá gốc tại cửa hàng sách, số tiền chiết khấu hoa hồng dùng vào quỹ liên đội. Nhờ có quỹ dồi dào mà liên đội có điều kiện thực hiện tốt các phong trào: Đền ơn đáp nghĩa, giúp bạn vượt khó, tổ chức hội trại, mua sắm dụng cụ thể dục thể thao.
Riêng tôi, từ những phong trào của Liên đội, tôi đã có một khoản thu nhập đủ mua sách vở, không còn phải xin tiền ăn sáng của gia đình nhờ vào tiền nhuận bút viết về các mô hình hoạt động, chuyện người thật việc thật đăng trên trang Phóng viên nhỏ Báo Thiếu Niên Tiền Phong và các báo đài địa phương. Tôi đã bắt đầu thực hiện ước mơ kinh doanh làm giàu ngay trên ghế nhà trường như thế đó.
Cuối cấp II tôi đỗ vào trường chuyên Lê Quý Đôn – Bình Định. Nơi không chỉ có môi trường học tập tốt mà địa điểm của trường nằm trên bãi biển du lịch Quy Nhơn là điều kiện giúp tôi sớm hoàn thiện ước mơ. Ngoài giờ học chính khóa và tham gia lớp toán nâng cao tại trường, tôi đã trang bị kỹ năng nghe nói tiếng Anh bằng cách giao tiếp với khách du lịch nước ngoài thông qua việc làm hướng dẫn viên du lịch không chuyên ở khu du lịch Ghềnh Ráng – Quy Nhơn.
Hiện tôi đã có một số vốn đủ để đóng học phí cho hai kỳ thi SAT và TOEFL. Tôi tin rằng với khả năng về ngoại ngữ và đã được cọ xát tại nhiều cuộc hội thảo giáo dục, cuối năm cấp III tôi sẽ giành được học bổng du học tại
Tôi chọn
Với lộ trình này, bằng việc kinh doanh chất xám thu lợi nhuận từ giá trị gia tăng, tôi sẽ đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, có điều kiện giúp cho sinh viên Việt Nam được tiếp cận với các tiện ích công nghệ thông tin giá rẻ… Và sau tuổi 36, tôi sẽ là nhà tỉ phú.
Tôi khao khát, tôi dám cọ xát, nhất định tôi sẽ đạt được điều tôi ao ước. Tôi thách thức thế hệ trẻ 8X, 9X thi đua làm giàu với tôi. Hãy cùng giàu để đất nước này không còn bị trì trệ bởi một chữ “nghèo”.
Cao Dạ Diễm Phương (Lớp 11 Văn, trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, Bình Định)
Theo Thanh Niên