Tôi bận lắm: Bạn thực sự không có thời gian hay đó chỉ là lời biện minh nói nhiều thành quen? Đừng để thói quen trì hoãn “bóp nghẹt” cuộc sống
Trước hết, bạn có cảm thấy những cụm từ sau quen thuộc không: “Tôi bận lắm nên không có thời gian”, “Xin lỗi nhé, mình cũng muốn đi lắm nhưng mình không thể”? Tin tôi đi, những lời trên được chúng ta nói ra với tần suất lớn hơn là bạn nghĩ đấy. Một lần một tuần, hai lần một tuần hoặc thậm chí nhiều hơn.
Tôi hiểu lý do vì sao mọi người lại tìm đến những lời nói trên. Chúng ta đều có công việc, có trách nhiệm phải gánh vác, kèm theo vô số việc lặt vặt phải hoàn thành trong ngày. Và tất cả những thứ đó cần gì? Cần thời gian.
Chúng ta bận tối mắt ở chỗ làm rồi về đến nhà lại tiếp tục vòng xoáy không ngừng đó, bởi vậy, thời gian là thứ gì đó vô cùng xa xỉ. Tôi hiểu rằng có một số người thực sự bận rộn và không có thời gian dành cho những việc nhất định. Nhưng ngày hôm nay, tôi tiết lộ cho bạn một bí mật gây shock: Chúng ta có nhiều thời gian hơn chúng ta nghĩ.
Từ khi nào thời gian đã trở thành thứ mà con người sử dụng để viện cớ?
Tôi cá là bất kỳ ai trong số chúng ta cũng đã từng sử dụng câu nói “Tôi/em/mình bận lắm” giống như lý do để từ chối một việc nào đó mà bản thân không mong muốn như gặp gỡ bạn bè hay tham gia một dự án. Với đa số chúng ta, “Tôi bận lắm” đã dần trở thành lý do số một để từ chối bất kỳ thứ gì chúng ta không muốn.
Việc này cũng giống như khi bạn còn bé, mỗi khi có bạn bè rủ bạn đi chơi, nếu bạn không muốn, bạn chỉ cần trả lời: “Xin lỗi cậu, bố mẹ tớ không cho đi đâu”. Bằng cách đơn giản như vậy, bạn tránh được cuộc chơi không mong muốn, lại vừa chẳng làm tổn thương cảm xúc của ai cả. Một công đôi việc, tuyệt quá còn gì?
Bạn đang tự lừa dối bản thân
Bây giờ, chúng ta là những người trưởng thành, chúng ta không thể lấy bố mẹ của mình làm lý do mãi được. Và lúc này, thời gian dần trở thành lá chắn – cái cớ hoàn hảo cho chúng ta. Tôi hiểu rằng nói từ chối một ai đó còn khó hơn hơn việc nói thẳng vào mặt người ta “Đơn giản chỉ vì tớ không thích đi sinh nhật của cậu. Vậy đó” nhưng cũng chính vì lý do này, chúng ta không chỉ nói dối người khác mà còn bắt đầu lừa dối chính bản thân mình.
Nếu bạn cứ liên tục dùng cụm từ “Xin lỗi, tôi không có thời gian” để giải quyết tất cả các tình huống khó xử, chẳng có gì lạ khi bạn bắt đầu tin là mình thực sự không có thời gian. Bận rộn là một khái niệm tương đối. Bởi, người ta luôn có thời gian cho thứ họ ưu tiên.
Bạn có thời gian
Bạn có dự định tham gia một dự án hay làm một điều gì đó mới mẻ không? Bạn thích đọc sách nhưng trong suốt thời gian vừa rồi lại gần như chưa đọc quyển nào? Nếu bạn nói có và bạn thực sự chưa bắt đầu làm gì cho dự định của mình thì ừm, chắc lỗi lại thuộc về thời gian rồi.
Nhưng hãy giả dụ như thế này nhé: Nếu có người sẵn sàng trả 1 triệu USD để bạn đảm nhận hai vị trí song song trong cùng một lúc, bạn có đồng ý không? Nếu có người trả tiền để bạn làm video theo đúng sở thích của mình, bạn có làm không?
Tôi biết câu trả lời của bạn là có. Và tôi cũng dám chắc là bạn sẽ làm mọi thứ để hối thúc bản thân nhằm nhận được khoản tiền khổng lồ đó. Thứ buồn cười trong câu chuyện này là đột nhiên quỹ thời gian của bạn lại trở nên dư giả dù một ngày vẫn chỉ kéo dài 24 tiếng.
Thời gian làm việc trong ngày không đổi, thứ thay đổi là ưu tiên của bạn. Ví dụ trong câu chuyện giả định trên, đột nhiên bạn ưu ái công việc hơn (để nhận 1 triệu USD) thay vì dành hàng tiếng đồng hồ lướt web, xem TV.
Tất cả vấn đề đều xoay quanh sự ưu tiên
Như tôi đã nói đó, tất cả mọi vấn đề đều dẫn về một nguyên do: sự ưu tiên của con người. Nếu người ta thích, thời gian không còn là vấn đề nữa. Nếu bạn thích thiền, bạn sẽ tự động dành một khoảng trống trong lịch trình của bạn cho nó. Nếu bạn thích tập gym, bạn đã tự động dậy sớm để làm vậy. Hay nếu làm nhiều việc một lúc là sở thích của bạn, bạn đã tự sắp xếp thời gian làm việc ngoài giờ sau 8 tiếng trên công ty.
Tất cả chúng ta đều bận rộn. Tất cả chúng ta đều sống với công việc và những toan tính. Nhưng nếu bạn cứ liên tục lấy thời gian làm cái cớ biện minh cho tất cả những gì bạn không muốn làm, nó sẽ giống như việc tự bắn vào chân của mình vậy. Làm thế, bạn sẽ chỉ ngăn cản bản thân tiến bộ và sẽ chẳng bao giờ hoàn thiện được thứ bạn thực sự thích.
Đặt điện thoại xuống
Để có thể toàn tâm toàn ý cho ưu tiên của mình, bạn cần học cách từ chối những thứ kém quan trọng hơn.
Trên hết, tôi muốn bạn nhận thức rằng chúng ta đã tốn bao nhiêu thời gian cho chiếc điện thoại của mình. Vài ngày trước, tôi đã nghe một người phụ nữ lý giải rằng, với tuổi thọ trung bình là 80 năm, nếu một người bình thường dùng điện thoại mỗi ngày từ 4 đến 6 tiếng, anh ta sẽ tốn khoảng 20 năm cuộc đời cho chiếc smart phone.
Bây giờ, cộng số thời gian đó với 20 – 25 năm chúng ta dành ra để ngủ, bạn đã mất đến phân nửa cuộc đời bạn rồi. 80 năm nghe có vẻ dài nhưng bao nhiêu phần trăm trong số thời gian đó được sử dụng vào việc có ích?
Ngày hôm nay bạn đã làm gì hay chỉ ngủ rồi lướt qua lướt lại chiếc điện thoại? Tuần vừa rồi bạn đã làm gì thay vì cày một bộ phim? Bạn có quên đi rằng thời gian của chúng ta là có giới hạn? Vì thế, tôi chỉ muốn hỏi bạn lần cuối: Bạn muốn dành thời gian ngắn ngủi của cuộc đời bạn cho việc gì?
Minh An / Theo Infonet