“Thương hiệu” của chàng “khỉ dại”

Tác giả: coaynoiĐăng ngày: 19/03/2010Lần cập nhập cuối: 15/04/2021

“Thương hiệu” của chàng “khỉ dại” - 1

Lê Thanh Tùng đã giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi thiết kế đồ họa lớn ở trong nước và nước ngoài.
 
Từ những sở thích trẻ con

 

Giống như nhiều đứa trẻ khác, hồi bé Tùng “nghiện” nặng truyện tranh, phim hoạt hình, thích vẽ vời các nhân vật robot, siêu nhân. Lần đầu tiên anh bạn biết đến khái niệm về thiết kế đồ họa là vào những năm cuối cấp ba, từ một cuốn tạp chí đồ họa nước ngoài được tặng. Sự kết hợp về hình ảnh, màu sắc với những ý tưởng quái lạ, độc đáo trong các tác phẩm đồ họa đã nhanh chóng “cưa đổ” Tùng. Thích thú với lĩnh vực mới mẻ cộng thêm khả năng vẽ vời sẵn có từ nhỏ đã khiến Tùng không ngần ngại thi ngay vào Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội.

 

Năm 2006, Tùng tiếp tục thi đỗ vào Học viện đồ họa FPT – Arena, biệt danh Crazy Monkey bắt đầu xuất hiện từ đây. Trong suốt hai năm học tại Arena, Tùng nhanh chóng khẳng định được “thương hiệu” của mình bằng những tác phẩm ấn tượng, được các giáo viên và người trong nghề đánh giá cao.

 

Ngoài thời gian học ở trường, Tùng còn tranh thủ làm cộng tác viên vẽ hình minh họa cho một số tờ báo để luyện khả năng vẽ và được mặc sức bay bổng.

 

Tùng cho biết, khi mới chập chững vào nghề cậu cũng lo lắng lắm. “Như bao bạn trẻ khác, mình cũng sợ sẽ lựa chọn sai vì lúc đó mình gần như chẳng biết gì về ngành học này. Cũng may là niềm đam mê và khát khao được thể hiện đã giúp mình tự tin hơn. Sau mỗi lần thiết kế bị chê tơi bời, mình cố gắng không nản chí mà âm thầm rút kinh nghiệm, học hỏi thêm và làm lại cái mới. Dần dần, mình tiến bộ trông thấy. Mình quan niệm nghề gì cũng vậy, phải đam mê và nỗ lực hết sức thì mới gặt hái được thành quả”, Tùng bộc bạch.

 

Đến những tác phẩm mang dấu ấn riêng

 

Crazy Monkey là tên chương trình TV yêu thích của Tùng, thích đến mức anh chàng mượn luôn cái tên đó làm nghệ danh cho mình. Mặc dù bề ngoài tròn trịa, béo ú của Tùng khiến người ta liên tưởng đến một con kinh kong dễ thương hơn là một con khỉ điên nhưng thực sự không thể phủ nhận rằng những tác phẩm của anh chàng này đầy chất nghệ thuật ấn tượng theo phong cách kỳ quái, đôi khi hơi điên rồ.

 

Tùng bật mí bí quyết sáng tạo của cậu là “thả rông” cho đầu óc của mình thật thanh thản, tự do. Với Tùng, sáng tác nghệ thuật chính là cách thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. “Hãy thực hiện tác phẩm như thể bạn đang chơi một trò chơi vậy, không áp lực và không vội vã. Ý tưởng sẽ đến rất tự nhiên”, Tùng cho biết.

 

Khác với bề ngoài giản dị, Tùng làm việc rất cẩn trọng và cầu toàn. Các công việc “ngon ăn” mà anh chàng kiếm được từ xưa đến nay chủ yếu nhờ biết giữ chữ tín và cẩn thận. Tuy vậy, với Tùng, tiền chỉ đứng thứ hai, quan trọng nhất là qua mỗi tác phẩm của mình, cậu có thể truyền đạt những tâm tư, tình cảm đến mọi người.

 

Hãy thử hỏi Tùng về ý nghĩa của các tác phẩm của anh chàng, hẳn là bạn sẽ được nghe Tùng thao thao bất tuyệt với niềm say mê thích thú tưởng chừng như vô tận. Tùng sẽ khoe ngay với bạn tác phẩm tâm đắc nhất của mình: Rabit – sự kết hợp giữa những con thỏ dễ thương và sự hoảng loạn với bom đạn, thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh. Có khi Tùng sẽ hồi tưởng về “bức tường nghệ thuật” tại Arena mà cậu đã mất hơn 1 tuần vẽ bằng bút dạ, không hề phác thảo. Hay như tác phẩm The Hero mà anh chàng sáng tác nhân dịp buổi họp mặt cựu học viên Arena với hình hài của một siêu nhân đang đạp sóng rẽ biển, tượng trưng cho những thử thách và khó khăn mà các cựu học viên đã từng trải qua.
 

“Thương hiệu” của chàng “khỉ dại” - 2

“Bức tường nghệ thuật” tại Arena.
 

“Thương hiệu” của chàng “khỉ dại” - 3

Tác phẩm Hero.
 
Quyết định Nam tiến
 
Không bằng lòng với cuộc sống hiện tại cộng thêm sở thích bay nhảy, Tùng chia tay Hà Nội, một thân một mình xách hành lý vào Sài Gòn lập nghiệp. Hiện nay, anh chàng là nhân viên thiết kế cho một công ty quảng cáo có tiếng.
 
“Mình muốn đi đây đi đó để trải nghiệm và khám phá khi còn trẻ. Điều quan trọng là dám mơ ước và dám thử sức. Mình đã vạch ra một kế hoạch chi tiết cho nhiều năm sắp tới, ở Hà Nội hay Sài Gòn không quan trọng. Quan trọng là có đủ quyết tâm thực hiện tới cùng không. Mình đang dần chuyển hướng sang đồ họa động. Mơ ước của mình trong tương lai là nâng cao trình độ đạt đến tầm quốc tế, có thể sánh ngang với các tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực quảng cáo thế giới”, Tùng chia sẻ.
 
Cùng “nghía” qua “lý lịch trích ngang” của Lê Thanh Tùng nhé:
 

Họ tên: Lê Thanh Tùng

Ngày sinh: 16/10/1987

Sở thích: Thiết kế những đồ chơi bằng giấy.

Tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Hà Nội năm 2009.

Tốt nghiệp học viện đồ họa đa phương tiện FPT – Arena năm 2008.

 
Các giải thưởng:
 

Giải Ba cuộc thi thiết kế quảng cáo cho du lịch Việt Nam của trường CMA tại Singapore năm 2007.

Giải Nhất triển lãm đồ họa Cứ Làm Đi 2 do FPT Arena tổ chức năm 2008.

 
Năm 2009 lọt vào Top 5 các bài dự thi xuất sắc của IAS – Hall of Fame Award Singapore, giải thưởng danh giá hằng năm cho các nhà thiết kế trẻ của châu Á, tác phẩm của Tùng đã được dùng làm quảng cáo cho sự kiện này trên các phương tiện truyền thông tại Singapore.
 
Giành giải nhất mảng thi Film của cuộc thi Vietnam Young Lions 2009 và sẽ đại diện cho Việt Nam thi cuộc thi quốc tế tại Cannes, Pháp tháng 6/2010.
 
Website: www.behance.net/khidai

Facebook: www.facebook.com/khidai

 
 
Bài và ảnh: Hoàng Nhật